Hàn Quốc tuyên chiến với gậy 'tự sướng'

01/12/2014 07:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gậy hỗ trợ chụp ảnh "tự sướng" (selfie) đang ngày càng phổ biến, khi làn sóng chụp selfie càng lúc càng lan rộng. Tuy nhiên điều này đã không thể ngăn cản giới chức Hàn Quốc đánh giá những chiếc gậy trông có vẻ vô hại kia ẩn chứa tiềm năng gây hại trong nó.

Ở Hàn Quốc, luôn có khả năng gậy selfie bị xem là công cụ phá hoại.

3 năm tù nếu dùng gậy "lậu"

Tuần trước Bộ Khoa học Hàn Quốc gây chú ý bằng tuyên bố sẽ phạt tiền tới 27.000 USD và phạt đến 3 năm tù với bất kỳ ai bán gậy selfie "lậu", không đăng ký cấp phép. Mục tiêu của hoạt động trấn áp cấp bộ này là các cây gậy được trang bị công nghệ không dây bluetooth. Những cây gậy này cho phép người dùng có thể chụp ảnh mà không cần nhấn vào nút chụp. Họ cũng không phải vất vả sử dụng chế độ hẹn giờ.

Theo Bộ Khoa học, vấn đề nằm ở chỗ các cây gậy bluetooth được thiết kế như một thiết bị liên lạc. Chúng sử dụng sóng radio để cung cấp kết nối không dây giữa các thiết bị tách biệt với nhau. Bộ nói rằng các cây gậy này phải được kiểm tra, thử nghiệm và cấp phép để đảm bảo chúng không ảnh hưởng tới những thiết bị khác sử dụng chung tần số sóng vô tuyến.


Một đôi trẻ Hàn Quốc chụp ảnh cùng gậy selfie

Giới chức Bộ Khoa học thừa nhận hoạt động trấn áp có "xuất phát điểm kỹ thuật" là chủ yếu, do thiết bị bluetooth thường phát ra tín hiệu yếu, trong khoảng cách ngắn, khiến chúng khó có thể làm máy bay rơi hoặc gây nhiễu sóng của cảnh sát.

"Thiết bị sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì lớn, nhưng do là phương tiện liên lạc, nó phải chịu sự quản lý. Điều này cũng có nghĩa chúng tôi có trách nhiệm phải loại bỏ các thiết bị chưa được cấp phép" - một quan chức giấu tên từ Phòng quản lý vô tuyến trung ương của Bộ Khoa học cho hãng tin AFP biết.

Tuy nhiên rất khó để kiểm soát những cây gậy có kích cỡ nhỏ, được thiết kế dành riêng cho điện thoại di động này. Lý do đơn giản là số lượng khổng lồ của chúng. Sau khi gậy selfie xuất hiện, người Hàn Quốc đã say mê đón nhận nó. Họ biến các địa điểm với khung cảnh đẹp như mơ thành những chốn xô bồ, với đủ loại người ve vẩy các cây gậy lên không trung, trong khi đang nheo mắt, chu môi hoặc nhe răng và tạo dáng.

Không gây nhiều biến động

Thực tế thì dù đe dọa phạt nặng, hoạt động "trấn áp" của Bộ Khoa học dường như đã không được triển khai rầm rộ. Hoàn toàn không có chuyện cảnh sát Hàn Quốc tổ chức bao vây, bố ráp các cửa hàng chuyên bán gậy selfie.

"Tuyên bố được đưa ra thứ Sáu tuần trước chỉ như lời nhắc nhở với người dân, rằng họ cần cẩn trọng hơn với thứ mà mình đang bán ra " - vị quan chức giấu tên ở trên nói, cho biết thêm - "Chúng tôi đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ những người bán hàng, nghĩ rằng họ có thể đang kinh doanh hàng chưa được cấp phép".


Hoạt động trấn áp của Bộ Khoa học Hàn Quốc nhằm vào những cây gậy selfie có trang bị công nghệ bluetooth

Xét trên nhiều phương diện, Hàn Quốc là một xã hội được quản lý cao độ và người dân nơi đây đã quen với việc phải thường xuyên đi đăng ký hoặc xin cấp phép khi muốn làm điều gì đó. Tuy nhiên gần đây dư luận Hàn Quốc đã thể hiện sự bất bình, sau khi có tin nói rằng người nước ngoài không phải cung cấp thông tin cá nhân để được sử dụng kết nối wifi trong chuỗi cửa hàng Starbucks. Người Hàn Quốc không được hưởng đặc quyền này.

Những người bán lẻ hàng điện tử ở Hàn Quốc dường như không lo ngại lắm trước lời đe dọa của Bộ Khoa học. Thậm chí họ còn nhân cơ hội để quảng bá cho hàng của mình.

"Tôi đã được thông báo về quy định điều hành mới. Nhưng những cây gậy tôi bán đều được cấp phép nên tôi chẳng gặp vấn đề gì cả" - một người bán gậy selfie có họ Lee ở quận Myeongdong của Seoul cho biết - "Tôi có nghe tin một số tay buôn lớn đã phải vứt hết kho hàng của họ, do chúng chưa được cấp phép".

Nhiều người bán hàng ở Myeongdong cho biết họ có thể bán một lượng lớn gậy selfie trong một ngày thuận lợi. Tuy nhiên Lee chia sẻ rằng bình thường ông chỉ bán được khoảng 10 cây gậy. "Những cây gậy này không mang lại nhiều lợi nhuận lắm. Giờ nhiều người bán chúng quá nên anh phải bán với giá thật rẻ" - Lee nói. Hiện một cây gậy selfie cơ bản của Lee có giá khoảng 5 USD. Trong khi đó phiên bản có trang bị tính năng bluetooth có giá 25 USD và hơn thế.

"Selfie" được Từ điển Oxford chọn là "từ của năm" vào năm 2013, mô tả hành động dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng tự chụp ảnh bản thân. Từ này được cho là xuất hiện lần đầu trên một diễn đàn của Australia hồi năm 2002.

Tuy nhiên người Hàn Quốc tin rằng selfie có cái gốc từ đất nước này. Họ chỉ ra việc người dân đã sử dụng rộng rãi cụm từ "sel-ca" - kết hợp giữa self (bản thân) và camera (máy ảnh) - từ những năm 1990.

Có một điều không ai tranh cãi là hoạt động chụp ảnh selfie đã tăng mạnh cùng sự trỗi dậy của làn sóng K-pop. Các ngôi sao K-pop thường xuyên chụp selfie và chia sẻ những bức ảnh của họ, rất lâu trước khi người dẫn chương trình nổi tiếng Ellen DeGeneres đạo diễn một bức selfie đầy sao hạng A trong lễ trao giải Oscar 2014.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm