17/10/2014 09:31 GMT+7 | Văn hoá
Cách tân vì mấy chục năm gắn bó với gốm, dường như chưa bao giờ Nguyễn Bảo Toàn muốn dừng lại, muốn định hình, lúc nào triển lãm cũng có cái gì đó khác đi, dường như muốn tự phủ nhận mình. Còn truyền thống là vì trong bộ dạng mới mẻ của từng tác phẩm, người xem vẫn thấy phảng phất dáng xưa nét cũ, nơi pha trộn hồn cốt gốm của Bắc bộ; và xa hơn, của cả khu vực Đông Á.
Như chính Nguyễn Bảo Toàn từng tự vấn: “Gốm vẫn là thứ chất liệu để tôi sống chết với nó. Thực ra để đánh dấu cả quãng dài xê dịch và làm mới qua mỗi thời kỳ đối với riêng gốm hoàn toàn không dễ. Gốm muôn thuở là những hình hài cụ thể, thay đổi sẽ rất khó, nếu không khéo lại sa vào vùng miền khác. Phải làm sao vẫn phải là gốm, gốm đương đại, lại là gốm Nguyễn Bảo Toàn là cực kỳ khó”.
Chính vì thế, chất đương đại trong tác phẩm gốm của Nguyễn Bảo Toàn là một “cõi cân bằng”, nơi sự đổi mới không che mờ, lấn lướt nguồn cội, gốc tích. Nơi sự từng trải của một bàn tay gốm thuộc hạng chuyên gia hiếm gặp không làm lung lay, “ô nhiễm” đến tinh thần tạo tác trong sáng, vô tư - vốn kế thừa từ gốm dân gian. Nơi chất dung dị, sần sùi của đời sống ngày nay được hòa quyện cùng truyền thống tâm linh, triết lý thanh tao của người Việt xưa. Cũng cần lưu ý rằng, tính kế thừa trong tác phẩm đương đại là một ý niệm mà ngày nay vẫn còn nhiều tranh luận - một thời gian dài trước đây thì bị xem nhẹ - nên “cõi gốm Nguyễn Bảo Toàn” luôn tạo được sự chú ý là vì vậy.
“Ông ưu ái sự mộc mạc, thân mật của chất liệu và hình dáng. Các đồ vật cần được làm ra một cách không cầu kỳ, không điệu đàng và không được tỏ ra quý phái xa cách. Chất đất, hình thù, màu men, các họa tiết vẽ màu hay vạch khắc, chạm trổ, gắn đắp thêm cũng nên như là ngẫu hiên, tiện tay thuận tay mà thành” - nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất