Những bức vẽ thời chiến là bảo vật quốc gia

08/02/2014 09:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 (NXB Tri Thức, Phan Cẩm Thượng biên soạn) mới ra mắt tại Trung tâm văn hóa Pháp Hà Nội không chỉ mang đến niềm hân hoan đối với công chúng yêu mến các tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân mà còn tạo nên sự tỉnh thức về vấn đề bảo tồn, lưu giữ các di phẩm có giá trị lớn về nghệ thuật, lịch sử lớn.
Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với nhà sưu tập nghệ thuật Thái Lan Tira Vanichtheeranont - người đang sở hữu nhiều bộ tranh quý giá của các họa sĩ Việt Nam, trong đó có bộ tranh ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân, và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng - người đã biên soạn cuốn sách.

Nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont đã chia sẻ về cách thức để ông sở hữu được bộ ký họa quý giá. Ông hứa sẽ không bán bộ tranh này với bất cứ giá nào và sẽ làm sách về nó.


Nhà sưu tập Tira bên chân dung Tô Ngọc Vân

“Một sự đầu tư tốt”

* Vì sao những tác phẩm hội họa có nội dung liên quan đến thời chiến của các tác giả Việt Nam lại thu hút sự quan tâm của ông?

- Trong lịch sử, Việt Nam là một đất nước trải qua nhiều cuộcchiến tranh. Khi bắt đầu sưu tầm những tác phẩm của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, tôi nhìn thấy rất nhiều bức tranh về chiến tranh, được vẽ trong chiến tranh và phản ánh nhiều câu chuyện của chiến tranh. Điều đó đặc biệt lôi cuốn tôi tiếp tục sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật thời chiến đặc sắc này.

* Do đâu ông quyết định đầu tư vào việc cho ra mắt các cuốn sách giới thiệu và nghiên cứu các tác phẩm hội họa này?

- Trong suy nghĩ của tôi, những bức tranh được vẽ trong chiến tranh là những bảo vật quốc gia và là những tư liệu vô giá của người Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực Lịch sử và Nghệ thuật, để học hỏi và nghiên cứu về những giai đoạn khó khăn của dân tộc. Thêm vào đó, chúng được vẽ bởi nhiều họa sĩ tài danh. Bởi vậy, những sưu tập này không chỉ là có ý nghĩa tư liệu lịch sử mà còn thực sự là một bộ sưu tập nghệ thuật giá trị.

Hầu hết các nhà sưu tập nghệ thuật ở Việt Nam đều sưu tầm nghệ thuật Hiện đại và Đương đại hơn là những tác phẩm thời chiến, dẫn đến một thực tế là giá của chúng đều rẻ hơn rất nhiều so với tác phẩm nghệ thuật Đương đại. Bởi vậy, đây là thời điểm tốt để sưu tầm những bức tranh giá trị với khoản vốn thấp, trước khi chúng được đẩy lên cao, khi người ta nhận ra giá trị thực của chúng. Tôi chắc chắn rằng, đây là một sự đầu tư tốt, bởi nghệ thuật này không thể được tái hiện và giá trị của chúng sẽ ngày càng tăng theo thời gian.

* Ông đã thuyết phục ông Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân, như thế nào để sở hữu được các tác phẩm đó?

- Ban đầu, công việc thuyết phục ông Tô Ngọc Thành nhượng lại bộ sưu tập cho tôi tương đối khó khăn, vì ông Thành e ngại rằng những bức tranh của Tô Ngọc Vân sẽ tiếp tục bị bán sang tay những nhà sưu tập khác, và như thế dần dần chúng sẽ bị phân tán, thất lạc và không thể tìm lại. Tôi đã phải hứa với ông rằng tôi sẽ không bán bộ tranh này với bất cứ giá nào, và sẽ luôn giữ trong bộ sưu tập Nghệ thuật của tôi như những bảo vật quan trọng.

Thêm vào đó, tôi sẽ tập hợp chúng để in trong một quyển sách có chất lượng tốt, có giá trị tham khảo không chỉ với giới nghệ thuật mà còn có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu Việt Nam về lâu dài. Đó là cách tốt nhất để bày tỏ sự tôn trọng đối với danh họa hàng đầu Tô Ngọc Vân.


Trong bệnh viện - Ký họa của Tô Ngọc Vân, tranh trong bộ sưu tập của Tira

Tôi muốn giúp Việt Nam bảo tồn các bảo vật

Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

* Để ra mắt cuốn sách, ông và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã có quá trình làm việc với nhau như thế nào?

- Thực chất, tôi đã làm việc chung với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong một khoảng thời gian dài trước đó, từ năm 2009, khi tôi bắt đầu làm quyển sách cho bộ sưu tập đầu tiên của tôi về Nghệ thuật Việt Nam hiện đại được in năm 2010. Sau đó là quyển sách thứ hai Tôn Đức Lượng, Ký họa lịch sử về những ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng, được viết từ năm 2011 và in năm 2012.

Chúng tôi bắt đầu làm quyển sách về Tô Ngọc Vân vào đầu năm 2012 (sau khi tôi sở hữu các bức tranh cuối năm 2011). Mất hai năm để Phan Cẩm Thượng nghiên cứu các bức tranh, cũng như khảo sát và đi lại các địa điểm được ghi trong những bức họa, nơi Tô Ngọc Vân từng đến, ở và vẽ.

Quyển sách đã được chế bản và hoàn thành mới đây, đầu tháng 12/2013, mới chỉ có bản tiếng Việt. Chúng tôi đã có kế hoạch sớm để dịch sang tiếng Anh, và nếu được, sang một vài ngôn ngữ khác như tiếng Pháp. Nếu được như vậy, danh tiếng nghệ thuật của Tô Ngọc Vân sẽ càng được quảng bá hơn nữa.

* Mong muốn của ông khi sưu tầm các tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam nói chung và họa sĩ Tô Ngọc Vân nói riêng là gì?

- Mục đích thực sự của tôi khi sưu tập nghệ thuật Việt Nam là để giúp Việt Nam bảo tồn những bảo vật quốc gia, như những bức tranh, ký họa, phác thảo của những họa sĩ trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương (1925-1945). Đây là những bảo vật chưa được nhiều người biết đến, cũng như chưa được nhiều nhà sưu tập Việt quan tâm và đánh giá đúng.

Công việc của tôi nhằm cố gắng để nhiều người Việt biết đến những giá trị thực sự mà họ đang có, và từ đó có ý thức để bảo vệ chúng. Và khi tôi có cơ hội sưu tập những tác phẩm như vậy, tôi đã nhận ra tầm quan trọng và giá trị của chúng với cả thị trường nghệ thuật quốc tế.

* Thông qua công việc của mình, ông có gửi gắm gì đến các nhà sưu tầm hội họa Việt Nam?

- Thông điệp của tôi muốn gửi tới các nhà sưu tập nghệ thuật của Việt Nam và những người yêu nghệ thuật là: Các bạn nên tự hào về những danh họa của các bạn và các sáng tác của họ. Hãy sưu tập chúng ngay khi có cơ hội. Nếu có thể, nên đến thăm các danh họa và nói chuyện với họ. Phần lớn họ đều ngoài 80-90 tuổi. Những câu chuyện và kinh nghiệm của họ thực sự hữu ích với không chỉ nghề nghiệp mà còn với cả cuộc sống hàng ngày của bạn.

Vẫn còn nhiều tác phẩm quan trọng và giá trị của họa sĩ Việt Nam được sưu tầm bởi Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, nhưng hãy nhớ rằng còn nhiều tác phẩm tốt khác được lưu giữ bởi chính các danh họa và gia đình của họ. Đây là thời điểm tốt để Bảo tàng Nhà nước bắt đầu đầu tư và xây dựng bộ sưu tập các Bảo vật quốc gia bằng những sưu tập nghệ thuật như vậy. Cách làm này đã trở nên phổ biến ở các nước láng giềng Asian, và Việt Nam đang có tiềm năng và cơ hội tốt để làm điều tương tự.

Cuối cùng, hãy có thái độ nghiêm túc với những tác phẩm nghệ thuật này, bởi khi chúng mất đi, chỉ còn lại những tiếc nuối mà thôi.

* Xin cảm ơn ông!

Lời hứa của ông Tira

“Tô Ngọc Vân là một cái tên vô cùng quen thuộc đối với những người yêu mến nghệ thuật Việt Nam, không chỉ ở trong nước mà còn được biết đến rộng khắp trên thế giới. Ông ấy là họa sĩ quan trọng nhất trong việc đặt nền móng cho Nghệ thuật Việt Nam hiện đại, cũng được coi là một trong Tứ trụ của nghệ thuật (cùng các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Lân).


Ký họa của Tô Ngọc Vân, tranh trong bộ sưu tập của Tira

Tô Ngọc Vân có nhiều đóng góp trong sự hình thành của trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1925 cho đến khi tạm thời đóng cửa vào năm 1945, đã từng sang giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật tại Phnom Penh, Cam-pu-chia. Tuy nhiên, như người ta từng nói “tài hoa yểu mệnh”, ông đã ra đi trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới chỉ 48 tuổi. Ông để lại một số tác phẩm như Cô gái bên hoa huệ, Cô gái bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé, loạt khắc gỗ minh họa truyện Kiều (năm 1942),

Bác Hồ làm việc trong Bắc Bộ Phủ (1946), Đuổi giặc trong rừng (sơn mài) và bức vẽ cuối cùng Đèo Lũng Lô (màu nước năm 1954). Bên cạnh những kiệt tác đã được mọi người biết đến, không còn tài liệu nào ghi chép và nghiên cứu cuộc đời của Tô Ngọc Vân một cách chi tiết và thứ tự.

May mắn là, cho đến cuối năm 2011, tôi được tiếp xúc với ông Tô Ngọc Thành (con trai của danh họa Tô Ngọc Vân) qua thư ký và đại diện của tôi ở TP. Hồ Chí Minh là cô Lý Bích Ngọc. Tôi đã thuyết phục ông Thành bán cho tôi sưu tập tranh ký họa và phác thảo của Tô Ngọc Vân, và cam kết rằng nếu ông bán, tôi sẽ xuất bản một quyển sách dựa vào sưu tập đó để quảng bá về nghệ thuật của Tô Ngọc Vân ở nhiều nơi trên thế giới, cũng là để bày tỏ sự trân trọng của cá nhân tôi với danh họa”

Lời kể của ông Tira Vanichtheeranont


Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm