27/12/2010 11:01 GMT+7 | Trong nước
“Các đội chuyên gia đang xem xét dữ liệu để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra” - phát ngôn viên Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) S.Satish tuyên bố hôm 26/12. Ông cho biết một ủy ban phân tích thất bại sẽ được thành lập và sẽ công bố báo cáo chi tiết trong 1-2 ngày tới.
Vụ phóng vệ tinh không thành công
Ấn Độ đã phải mở cuộc điều tra do quả tên lửa GSLV-F06 mang theo vệ tinh viễn thông GSAT-5P, đã thất bại trong quá trình phóng diễn ra hôm 25/12. Đài truyền hình quốc gia Ấn Độ đã truyền trực tiếp hình ảnh quả tên lửa nổ tung, không lâu sau khi được phóng lên từ sân bay vũ trụ Sriharikota ở bang Andhra Pradesh.
Ông K.Radhakrishnan, người đứng đầu ISRO nói rằng quả tên lửa đã nổ khoảng 50 giây sau khi rời bệ phóng, ở độ cao 8 km.
Tên lửa GSLV-F06 khi mới rời bệ phóng (trái)
và vỡ ra thành nhiều mảnh sau đó 50 giây
Theo Radhakrishnan, do mất khả năng kiểm soát nên tốc độ của tên lửa ngày càng lớn, dẫn tới việc cấu trúc tên lửa phải chịu lực tác động lớn quá mức cho phép, khiến nó vỡ ra nhiều mảnh. 63 giây sau khi GSLV rời bệ phóng, trung tâm kiểm soát đã phải ra lệnh tự hủy. Quả tên lửa và vệ tinh vỡ thành nhiều mảnh nhỏ rồi rơi xuống vịnh Bengal.
Đây là thất bại liên tiếp thứ 2 của chương trình không gian Ấn Độ trong năm nay, sau khi quả tên lửa GSLV-D3 bay chệch quỹ đạo ban đầu và đâm xuống vịnh Bengal cùng vệ tinh GSAT-4 vào ngày 15/4.
4 lần thất bại
GSLV là sản phẩm phát triển nội địa của Ấn Độ, được thiết kế để phóng các vệ tinh nặng lên quỹ đạo địa tĩnh. Quả tên lửa có 3 tầng với tầng 1 sử dụng nhiên liệu rắn, tầng 2 dùng nhiên liệu lỏng và tầng 3 sử dụng nhiên liệu lỏng và nhiên liệu cryogenic. Ngoài ra nó có 4 tên lửa đẩy phụ sử dụng nhiên liệu lỏng và được gắn xung quanh tên lửa chính.
GSLV có thể mang lượng hàng nặng 5 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Ấn Độ đã kỳ vọng GSLV sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào tên lửa nước ngoài. Tuy nhiên trong 7 vụ phóng tên lửa GSLV của Ấn Độ từ năm 2001 đã có tới 4 lần thất bại.
Chuyến bay đầu tiên diễn ra hồi tháng 2/2001 bị hủy bỏ chỉ 1 giây trước khi tên lửa rời bệ phóng bởi 1 trong 4 tên lửa đẩy gắn quanh tầng 1 của quả tên lửa đã tạo không đủ lực đẩy cần thiết. Khi nhận thấy điều này, máy tính trên quả tên lửa đã tự động hủy cuộc phóng.
Một tháng sau sự cố, các kỹ sư tên lửa của ISRO đã sửa chữa được sự cố và quả tên lửa rời bệ phóng vào ngày 18/42001. Tuy nhiên động cơ tên lửa do Nga chế tạo ở tầng thứ 3 đã cung cấp thiếu lực đẩy khiến cho vệ tinh GSAT-1 chỉ được đặt ở quỹ đạo thấp hơn dự kiến. ISRO đã phải khởi động động cơ đẩy trên vệ tinh và sử dụng nhiên liệu nhiều hơn dự kiến để đưa nó vào đúng quỹ đạo. Nhiệm vụ vì thế bị xem là thất bại.
Hai chuyến bay tiếp theo của GSLV đã thành công lớn và chúng đưa được vệ tinh vào quỹ đạo chuẩn. Tuy nhiên chuyến bay GSLV-F02 diễn ra hồi tháng 7/2006 cùng vệ tinh INSAT-4C nặng 2,1 tấn, đã kết thúc thất bại vì lỗi trong các tên lửa đẩy gắn quanh tên lửa chính. Quả tên lửa đã bị hủy trong quá trình bay.
Thất bại thứ 3 diễn ra vào tháng 4 năm nay, khi quả tên lửa GSLVD3 không thể đưa vệ tinh GSAT- 4 vào quỹ đạo. Đợt phóng này mang theo nhiều hy vọng của Ấn Độ do lần đầu tiên quả tên lửa có tầng thứ 3 trang bị động cơ cryogenic do Ấn Độ sản xuất. Nhưng 500 giây sau khi tên lửa rời bệ phóng, hai động cơ nhỏ giúp điều chỉnh hướng của tên lửa đã không khởi động và động cơ cryogenic bị cháy, dẫn tới thất bại. Lần thất bại mới nhất diễn ra hôm 25/12 vừa qua.
“Chuyện bình thường” trong chinh phục vũ trụ?
Một số nhà phân tích đã cho rằng 2 thất bại liên tiếp của GSLV trong quãng thời gian vỏn vẹn 8 tháng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chương trình không gian tham vọng của Ấn Độ, như chinh phục Mặt trăng.
Nhà khoa học không gian M.N. Vahia, người có thời gian dài cộng tác với ISRO, nói rằng kế hoạch phóng tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan - 2 của Ấn Độ có khả năng sẽ bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu là vào năm 2013, do nó cũng được đưa lên không gian nhờ GSLV.Tuy nhiên ông U.R.Rao, cựu Chủ tịch ISRO tin rằng thất bại của GSLV không phải là thảm họa. “Tôi cũng không coi đây là một bước lùi do thất bại là chuyện diễn ra thường xuyên trong các hoạt động chinh phục không gian” - Rao nhận xét. Ông đánh giá Ấn Độ sẽ vẫn triển khai đúng kế hoạch chương trình Chandrayaan - 2 và tham vọng đưa người lên không gian vào năm 2016. Theo ông Radhakrishnan, ISRO giờ sẽ “đánh giá lại chương trình GSLV” do nó còn phụ trách việc đưa hàng loạt vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo Trái đất trong năm sau.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất