Italy thua sốc Costa Rica: Khi thất bại cũng là một điều tích cực

22/06/2014 06:35 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - Có một sự thật, là nếu Italy đã quen tự bắn vào chân và làm khó cuộc sống của mình, họ cũng quen với việc sống trong khó khăn. Điều ấy cần phải được thể hiện trong trận cuối cùng ở vòng bảng với Uruguay. Một sự thật nữa, là trận thua Costa Rica để lại những dư vị đắng ngắt cho Prandelli và các học trò, nhưng thua đúng lúc để sau đó bừng tỉnh lại là một điều tích cực. Giờ là lúc người ta chờ phản ứng của Italy cho trận đấu với Uruguay.

Costa Rica 2014 không phải CHDCND Triều Tiên năm 1966, và Ruiz, người hạ gục cả xà ngang lẫn Buffon là một cầu thủ chuyên nghiệp, không phải ông nha sĩ Park Do-Ik, người sút tung lưới Italy 48 năm về trước, nhưng thất bại trước một đội bóng được đánh giá là kém hơn Italy về mọi mặt là một cú sốc thực sự. Prandelli đã bước vào “ngôi đền” của những HLV cùng Italy trải qua những trận thua bẽ bàng, từ Foni (vòng loại World Cup 1958, thua Bắc Ireland), Fabbri (World Cup 1966), Trapattoni (World Cup 2002, thua Hàn Quốc), cho đến Lippi (World Cup 2010, hòa New Zealand và thua Slovakia). Lịch sử không ủng hộ Italy, bởi trong 3 lần thua trận thứ 2 của vòng bảng các EURO và World Cup sau khi đã thắng trận đầu ra quân, Italy chỉ một lần duy nhất vào vòng trong.

Trong những kí ức chưa xa của người hâm mộ, Italy của Prandelli đã từng hứng chịu 4 bàn trong trận chung kết EURO 2012. Nhưng đội đã sút tung lưới họ nhiều đến thế là Tây Ban Nha, không phải Costa Rica. Trên sân Recife, cái gọi là “TikItalia” tan chảy dưới trời nắng và sức nóng của Costa Rica. Trong cuộc họp báo sau trận, Prandelli đã thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng mà Italy đã gặp phải. Ông không thể nói tích cực hơn được sau tất cả những gì nghiêm trọng mà Italy đã đương đầu. Trên thực tế, những điều tích cực có thể rút ra được sau những thất bại. Cụ thể thì điều gì đã xảy ra ở Recife với Italy:

1) Tiếp cận trận đấu: Cú sút đầu tiên của Italy chỉ đến ở phút 27, trong thời điểm mà các đường chuyền của họ sai địa chỉ quá nhiều (trong khi đó, trong hiệp 2, Italy cũng chỉ sút cầu môn được 1 lần). Không phải Italy không nhìn ra được cách đá của Costa Rica, với hàng thủ dâng cao để bẫy việt vị và gia tăng áp lực ở cánh, nhưng như một nhà bình luận Ý đã viết, đội bóng của Prandelli ra sân trong một tâm trạng có vẻ nặng nề, và ngay lập tức bị cái nóng và áp lực từ lối chơi nhanh của Costa Rica đè bẹp từ đầu. Báo chí Italy đã nói đến việc cái nóng là một nguyên nhân thất bại, nhưng bản thân Cassano, vào sân ở hiệp 2 và không để lại dấu ấn nào, khẳng định: “Không hề có vấn đề về thể lực. Cái nóng ảnh hưởng đến cả đối thủ của chúng ta”. Vấn đề là ở cái đầu của những người Italy. David đã thua Goliath vì sự chủ quan, chứ không phải vì yếu hơn.

2) Phản ứng trước bàn thắng: Khiếm khuyết lớn của Italy là chơi bóng bổng, và họ bị trừng phạt chính trong một tình huống như thế. Rất nhiều cầu thủ Thiên thanh đã mắc sai lầm ở bàn thua. Abate để cho đối thủ có khoảng trống tạt bóng. Buffon không ra đấm bóng như lẽ ra phải thế. Chiellini đứng quá cao so với Ruiz (hậu vệ của Juve mắc rất nhiều lỗi vị trí và chuyền sai nhiều ở trận này). Italy phản ứng đôi chút ở đầu hiệp 2, và sau đó không còn gì hơn nữa, khi những đôi chân đã trở nên nặng nề. Những người vào sân ở hiệp 2, từ Cassano, Insigne cho đến Cerci cũng không làm cho tình hình trở nên tốt hơn. Bất chấp sự có mặt của họ, Balotelli vẫn bị cô lập. Bị việt vị nhiều, bỏ lỡ cơ hội ghi bàn 1-0, anh lại trở nên căng thẳng, dính thẻ vàng và lại trở thành kẻ phản bội. Tóm lại, so với trận gặp Anh, trận thua này là một bước lùi thê thảm trên mọi mặt.

3) Sai lầm trong bố trí đội hình: Sau một trận đấu thì ta có thể nói gì cũng được, nhưng sự thật là Prandelli đã nghĩ rằng, sơ đồ 4-1-4-1 vận hành thành công với Anh cũng sẽ có tác dụng với Costa Rica. Trên thực tế, điều đó đã không xảy ra. Những đường chuyền dài cho Balotelli không hiệu quả, trong khi Marchisio không thể đột nhập vào sâu hơn phần sân Costa Rica. Abate, được kì vọng sẽ giúp Italy gia tăng tốc độ và những quả tạt ở biên phải, đã chơi như một kẻ đi lạc đội hình.

Bây giờ, Italy đã tự đặt mình vào cửa tử. Và không chỉ cần phải đánh bại cái nóng và sự mệt mỏi (trận tới sẽ lại đá vào giữa trưa) mà còn cả tư tưởng thủ hòa. Đúng là chỉ cần một trận hòa với Uruguay là Ý sẽ vào vòng 1/8, nhưng rõ ràng, nếu xác định chơi chỉ để cầm hòa thì đấy là một sai lầm lớn. Uruguay đang tràn đầy hy vọng và tinh thần rất cao. “Khẩu súng colt xoay” Suarez đã trở lại đầy sức mạnh và hai bàn thắng của anh vào lưới đội tuyển Anh là lời khẳng định rõ ràng nhất. Trên những ý nghĩa tích cực nhất, trận thua Costa Rica có ích, bởi nó đã buộc người Ý phải dựa lưng vào tường. Giờ là lúc bản lĩnh của họ lên tiếng. Để sau trận đấu cuối cùng vòng bảng trên sân Natal (trong tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là “Giáng sinh”), họ sẽ ca vang câu “Aleluja”…

3 Đây mới là trận thua thứ 3 trong 19 trận ở các giải đấu chính thức mà Prandelli cầm quân, sau khi bị Tây Ban Nha hạ 4-0 tại chung kết EURO 2012 và thua Brazil 2-4 ở Confederations Cup năm ngoái.

4 Italy thua trận thứ 4 ở lượt đấu thứ 2 vòng bảng các EURO và World Cup sau khi đã thắng trận đầu. Trước đó, họ chỉ một lần đi tiếp trong hoàn cảnh như vậy, ở World Cup 2002. Tại World Cup 1966 và EURO 1996, Italy dừng chân ngay vòng bảng.

14 Trận Costa Rica - Italy có nhiều lỗi việt vị nhất kể từ đầu giải, với tổng cộng 14 lần (11 cho Italy, và 3 cho Costa Rica).


Anh Ngọc (từ Rio de Janeiro)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm