Nếu U23 Việt Nam chiến thắng, biệt danh lại là 'người hùng'

28/05/2015 14:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Các đội tuyển quốc gia không đáng trở thành trò cười, là đối tượng châm biếm và việc tìm ra một biệt danh còn là sự tôn vinh hình ảnh đội tuyển.

Chủ đề đi tìm biệt danh cho đội tuyển đã có khá nhiều người hâm mộ chia sẻ ý kiến. Nhưng đáng tiếc là quá nhiều “sáng kiến” với những biệt danh có thể làm đau lòng các tuyển thủ.

Tôi hiểu cái cảm giác thất vọng của mọi người sau trận Việt Nam thua Thái Lan 0-1 ở sân Rajamangala. Và nếu không nhầm, nó chính là “cảm hứng” để một số người trong chúng ta nghĩ ra những biệt danh cho đội tuyển như “Những chàng tiều phu”, “Những gã đồ tể”, “Chém đinh chặt sắt”, “Những chú trâu điên”, “Rùa đỏ”, “KFM – King of friendly match (Vua giao hữu)”, “Thử kêu đốt xịt”… 


Không chỉ vì trận thua Thái Lan 0-1 mà gọi đội tuyển Việt Nam với những cái tên như "chàng tiều phu" hay "gã đồ tể"

Cũng như thế, nếu việc đi tìm biệt danh cho đội tuyển được đặt ra sau một trận thắng của đội tuyển, hoặc mỹ mãn hơn là U23 giành được tấm HCV SEA Games ở Singapore tới đây chẳng hạn, có lẽ những đề xuất biệt danh tích cực thế nào cũng chiếm đa phần với những cái tên “những người hùng áo đỏ”, “các chiến binh dũng cảm” “cơn cuồng phong đỏ”, “lốc đỏ”…

Liệu có sai không khi tôi chủ quan khẳng định rằng hầu hết chúng ta đều yêu mến đội tuyển, đều muốn nhìn thấy đội tuyển chiến thắng. Và những biệt danh xấu xí nói trên chỉ là đã gửi gắm ở đó kỳ vọng lớn lao. Nhưng dù sao nó cũng có thể làm tổn thương các tuyển thủ.  

Họ, các tuyển thủ, đã lăn xả, đã quyết đấu và trước đó nữa là cả một giai đoạn tập luyện vất vả trong giai đoạn mà thời tiết ở miền Bắc khá khó chịu xứng đáng được ghi nhận.

Họ đáng được chia sẻ nếu chúng ta đặt trong sự so sánh với những gì đã xảy ra trước kia khi chúng ta từng chứng kiến những đội tuyển mặc cả tiền thưởng ngay trước trận đấu, và những trận đấu sau này bị phanh phui là sản phẩm của trò dàn xếp tỉ số.

Như Minh Châu, một người không còn trẻ, và việc lên tuyển không tác động nhiều tới giá trị ký hợp đồng và định mức tiền lương thì việc anh đốt cháy tất cả nhiên liệu cho trận đấu với Thái Lan là một điểm cộng. 


Là HLV trưởng, ông Miura chịu trách nhiệm trong mọi thành công hay thất bại của đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia. Ảnh: Thanh Hà

Tôi luôn giữ quan điểm là người chịu trách nhiệm cho những màn trình diễn xấu xí ấy chỉ là HLV Miura, cũng như khi một đội tuyển chiến thắng mà dấu ấn của HLV là rõ ràng thì công đầu phải thuộc về HLV trưởng.

Ông Miura rõ ràng là đã người chọn các cầu thủ với tiêu chí cao to khỏe rồi kỹ thuật mới là cuối cùng. Ông xây dựng lối chơi theo tiêu chí phải phá lối đá của người trước và trong quá trình đó rình rập cơ hội ghi bàn. Mà cách phá của ông phải là phá khỏe, phá hết sức bình sinh.

Chúng ta có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Ví von như thế có thể khập khiễng, nhưng đội tuyển của chúng ta mới là trên hết, là vĩnh viễn còn HLV chỉ tồn tại qua từng bản hợp đồng.

Những diễn giải trên cũng là một sự chia sẻ với bình luận của độc giả tên Chien, rằng “Sao lại bày trò chửi bới đội tuyển Việt Nam vậy, không biết tôn trọng tính dân tộc. Các bạn đọc xem có phải các bạn đang nói xấu dân tộc mình không”?

Còn ý kiến của độc giả VMK, viết: "Như con trâu chẳng hạn,...". "Hình tượng này có thể phù hợp với cách chơi của các đội tuyển dưới thời ông Miura, một lối chơi giàu sức mạnh, lăn xả, cày ải không ngừng nghỉ từ đầu tới cuối trận, nhưng liệu đó có phải là lối chơi xuyên suốt của các đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ?". Ông Phạm Tấn mượn lí do tìm biệt danh để chê đội tuyển dưới thời ông Miura là trâu phải không vậy???


Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV nào thì định hình phong cách chơi khác nhau. Ảnh: Bạch Dương

Đúng là như thế. HLV Miura cho đội tuyển đá với phong cách đó thì tôi có sự liên tưởng như vậy. Nhưng tôi hoàn toàn không có ý định gợi ý trâu làm biệt danh cho đội tuyển.

Sự tưởng tượng phong phú và khả năng suy diễn tài tình của người Việt chúng ta là cơ sở để nhiều người sẽ phủ quyết biệt danh trâu, dù là trâu vàng hay trâu cho đội tuyển.

Thậm chí cũng không nốt với cả việc mượn cái tên “chiến binh trâu” (buffalo soldier) như tên một ca khúc bất hủ của thiên tài nhạc Reggae Bob Marley viết về những người lính da màu trải qua hàng loạt các cuộc chiến tranh ở Mỹ.

Độc giả Hoàn Kiếm: Phạm Tấn mà cứ nói như đinh đóng cột. Ít nhất, Bồ Đào Nha cũng gọi đội tuyển của mình là Selecao, và Brazil gọi như thế vì Brazil nói tiếng Bồ. Còn Die Mannschaft đúng nghĩa đen thì là gì? Là The team, là Đội. Đơn giản thế thôi ông ạ.

Chả có mấy nền bóng đá có thực lực mà lại sợ đặt biệt danh cho đội tuyển trùng với đội khác. Chile vẫn là La Roja như Tây Ban Nha đấy thôi? Còn đã lìu tìu thì hơi đâu khán giả quốc tế người ta quan tâm xem biệt danh của cái đội bóng ấy là gì!

“Lìu tìu” như Singapore cũng có biệt danh là Lions. Các đội trẻ của họ được gọi là Young Lions. Và khu vực, châu lục vẫn gọi Singapore như thế. Bồ Đào Nhà và Chile có biệt danh giống Brazil và Tây Ban Nha, đúng thế, nhưng để tôi kể câu chuyện mà tôi trải nghiệm thế này: Khi tôi có mặt ở Brazil cho World Cup 2014, hầu hết những người Brazil mà tôi gặp đều gọi đội tuyển của họ là Selecao đầy cảm xúc.

Một số HLV Brazil mà tôi tiếp xúc ở Việt Nam cũng thế, như ông Tavares, HLV thể lực Birowicz, ông Luis Alberto đều gọi đội tuyển của họ như vậy. Còn khi nói về đội tuyển Bồ Đào Nha, ông Calisto không gọi là Selecao. Số ít CĐV Bồ Đào Nha mà tôi gặp ở World Cup cũng thế. Nó rõ ràng là một biệt danh, nhưng tầm cỡ và sự phổ biến ra thế giới của nó thì không tự nhiên và rộng lớn được. 


Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam có nét đặc trưng không thể trộn lẫn với những đội khác trong khu vực. Ảnh: Quốc Khánh

Còn với Chile và Tây Ban Nha cùng biệt danh La Roja, ở riêng tòa soạn Thể thao & Văn hóa, việc viết Chile là La Roja không được khuyến khích, vì độc giả Việt Nam sẽ mất thời gian để truy tìm nó là gì, và dễ làm lầm tưởng sang tuyển Tây Ban Nha.

Về câu chuyện biệt danh Die Mannschaft, tiếng Đức là một ngôn ngữ khó, là riêng biệt, nhưng nó cũng có một độ phủ nhất định, và viết chữ Latin mà không có dấu.

Chúng ta nếu lấy biệt danh là Đội tuyển, và cứ cho là được đông đảo chấp nhận (dù việc này khó, vì nó không nói lên tính cách gì), thì khi khu vực và quốc tế viết về chúng ta, họ sẽ viết là DOI TUYEN chăng? Hay là The Selection? Hay là The Team?

Chọn một biệt danh không chỉ là cho chúng ta, cho các cầu thủ và người hâm mộ, mà còn là để đối ngoại nữa.

Nhưng bây giờ biệt danh không phải là thứ quan trọng nhất. U23 Việt Nam đang ở Singapore có làm nên chuyện hay không mới đáng quan tâm?

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm