Kí sự Nam Phi: Lá cờ có gương mặt chiến thắng

03/07/2010 12:33 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)-  Esteban Medina hoảng hốt khi không tìm thấy lá cờ Argentina của mình đâu nữa. Chàng CĐV có gương mặt láu cá ấy tin rằng, lá cờ ấy sẽ cùng đội bóng của anh đến những chiến thắng mới, vì nó đã đi cùng anh qua 4 trận đấu thành công của Maradona và các học trò.

"Một huyền thoại thật sự"

   
Nhóm CĐV Argentina trên chuyến tàu chợ từ Johannesburg đến Cape Town ấy chỉ có 6 người, từ nhiều nơi khác nhau trên đất nước của tango và không biết nhau trước khi cùng bước chân lên con tàu, nhưng tiếng hát của họ bằng tiếng của cả đoàn tàu cộng lại. 27 tiếng đồng hồ của hành trình dài dường như vô tận, với con tàu cũ kĩ rung lên bần bật và ga nào cũng dừng ấy, trở nên thú vị và ngắn hơn rất nhiều với những người Argentina của Esteban. Họ hát những bài ca ngợi Maradona, họ gào tướng lên những câu thơ chỉ trích Pele và Blatter, họ làm bạn với tất cả các hành khách nào nói rằng Maradona còn hơn cả Chúa. Chỉ có Esteban hơi buồn. Anh không biết lá cờ Argentina, lá cờ mang gương mặt chiến thắng của anh ở đâu. Nhưng anh và những người bạn tặng tôi một chiếc áo có chân dung Maradona. Maradona của năm 1986, với chiến thắng rực rỡ của đội tuyển sọc xanh-trắng trên cao nguyên Mexico. Dòng chữ trên áo rất ấn tượng: “Vuelve la mistica” (Sự huyền ảo quay về).


Argentina đoạt Cúp vàng ở một trong những giải đấu đẹp nhất trong lịch sử bóng đá và Maradona từ “bàn tay của Chúa” vươn lên trời xanh để trở thành Chúa. Anh không bao giờ những đỉnh cao khác nữa với màu áo của ĐTQG. 24 năm Argentina sống trong những nỗi hoài niệm về Thánh Diego. 24 năm giữa 2 trận Argentina-Đức mà Diego đã tỏa sáng rực rỡ để đưa đội đến vinh quang. 20 năm giữa 2 trận chung kết Argentina-Đức khác mà Diego đã khóc như một đứa trẻ vào giờ phút mà đội bóng của anh bị FIFA dìm chết trong một âm mưu như anh nghĩ. Diego là gì đối với những người như Esteban, 24 năm sau Azteca, và 20 năm sau Olimpico?
Với Esteban (thứ 2 từ trái sang) và chiếc áo có hình Maradona

Esteban bảo, năm 1986 và 1990, Argentina là Diego Maradona cộng với 10 cầu thủ bình thường và một HLV bảo thủ không được công chúng ưa thích (Carlos Bilardo). Argentina chiến thắng ở Mexico trên thực tế là vinh quang lớn lao của riêng Maradona, khi anh bùng nổ dữ dội như một ngọn núi lửa. Argentina thất bại ở Italia 4 năm sau cũng là thất bại của riêng anh, người cho rằng mình thua khi chống lại FIFA, một thiểt chế nặng nề nhằm hãm hại anh và đội tuyển. Maradona đã làm nhiều người tin rằng, vụ dương tính doping của anh năm 1994 ở World Cup trên đất Mỹ là một âm mưu khác nhằm hủy hoại tên tuổi và hình ảnh của anh.

 “Tất cả chúng tôi đều hiểu, Maradona là một người tồi về nhân cách, có nhiều tính xấu, nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ anh ấy. Anh là người duy nhất có khả năng gắn kết các cá nhân của đội bóng lại, và giúp nó chiến thắng, không phải về mặt kĩ thuật, mà về tinh thần”. Saul, anh bạn ngồi cạnh có cái bụng phệ và gương mặt giống hệt

Maradona ở World Cup 1994, cho rằng: “Ở Argentina, chẳng ai tin Maradona là một HLV. Anh ấy học về bóng đá qua từng trận. Nhưng anh ấy có các trợ lí có thể giúp nhiều về mặt chuyên môn. Chúng tôi cần anh ấy để làm động lực kích thích và đoàn kết tất cả các cầu thủ, nhằm hướng đến chiến thắng cuối cùng”.


Messi không bao giờ là Maradona

Sự thật là không chỉ Esteban và Saul nói với tôi điều ấy. Nhiều người Argentina khác cũng thế. Nhưng họ chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng triệu người Argentina nâng anh lên thành một tượng đài, một thánh sống, và hơn thế nữa, Thượng đế. Quá khứ của anh, cuộc sống đầy màu sắc và hỗn độn của anh được gạt sang bên để nhường chỗ cho việc biến anh thành một nhân vật huyền thoại, một vị thần. Các cầu thủ Argentina cũng thế. Esteban nói rằng, họ hạnh phúc vô biên khi được anh lựa chọn, sướng mê li khi được anh vỗ vai, ôm vào lòng và vỗ về như một đứa trẻ, có thể phát khóc khi được anh ca ngợi bằng những ngôn từ âu yếm như cha dành cho con. Họ tự hào chiến đấu dưới trướng của anh, sẵn sàng hy sinh cho anh. Một sự sùng bái cá nhân thực sự lớn lao khó có thể giải thích nổi.
Saul

Esteban: “Tất cả đều biết Diego không có phép thần, nhưng vẫn ca ngợi anh và thần tượng anh. Một điều đơn giản, họ đang sống trong những giấc mơ. Họ muốn lặp lại kì tích 1986”. Ở giải đấu trên cao nguyên Mexico ấy, không ai ca ngợi tài năng của Bilardo, cũng như bây giờ, chưa có ai ca ngợi tài cầm quân của Maradona, người chưa để lại bất cứ dấu ấn nào về chuyên môn. Nhưng năm ấy họ có Maradona đeo áo số 10 trên sân, người giải quyết tất cả những rắc rối từ mọi đối thủ và đưa Argentina đến Cúp vàng. 24 năm sau, họ có một Maradona khác hóa thân trong cơ thể và nụ cười Messi. Điều khác biệt duy nhất giữa họ là Maradona 2010 chưa ghi được bàn thắng nào. Nhưng Saul bảo, rồi bàn thắng cũng sẽ đến. Nhưng Messi không bao giờ là Maradona. Năm 1986 khó lặp lại.
   
Con tàu lắc lư theo nhịp bánh lăn. Những rặng núi trên sa mạc Karoo và những vườn nho của vùng Winelands lần lượt trôi qua. Cape Town đã ở phía trước, rất gần. Marcelo vẫn kể về tình yêu của ông với Argentina và sự ghẻ lạnh của mình với Diego, người ông không cho là Thánh. Giữa sự thực tàn nhẫn về cuộc đời của một con người với sự lãng mạn và thần tượng hóa của chính anh ta có một ranh giới hết sức mong manh. Maradona vẫn chỉ là Maradona, một người bình thường, thậm chí tầm thường, mà mỗi chúng ta đều cảm thấy mình có một phần nào đấy trong đó. Anh đã từng coi mình là Chúa, và người hâm mộ đã 24 năm sống trong nỗi hoài niệm về anh ở Mexico 86, không hề phủ nhận điều ấy. Nhưng Chúa cũng phải lên đóng đinh câu rút ở thập giá và Maradona rồi cũng thất bại. Chắc là anh sẽ không khóc như ở Italia 90. Bây giờ anh không chống FIFA, mà chống lại số phận, khi bản thân số phận cũng hoài niệm Mexico 86. Tôi nói suy nghĩ ấy cho Marcelo. Ông gật gù và nhẹ nhàng mỉm cười. Ở Cape Town có đảo Robben, nơi đã từng giam giữ Mandela, một dạng nhà tù Alcatraz bất khả xâm phạm. Nơi ấy cũng giam giữ những giấc mơ của Thánh Diego.


                Bài và ảnh: Anh Ngọc
 (Đặc phái viên TTXVN tại World Cup 2010, từ Cape Town)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm