Sách giả giá cao hơn sách thật!

27/05/2010 12:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc chiến chống sách lậu - sách giả ngày càng trở nên quyết liệt khi mà hình thức làm giả, làm lậu ngày càng tinh vi hơn. Nếu không mang 2 cuốn sách đặt cạnh và so sánh với nhau thì khó có thể nhận được ra đâu là sách giả, đâu là sách thật. Một điểm mới vừa xuất hiện trong phương thức làm giả gần đây là giá bìa của những cuốn sách giả còn đắt hơn cả sách thật!

Sách giả đắt hơn sách thật


 Cuốn sách giả Nghe bố này, con gái (trái) và sách thật (phải).
Mới đây, Công ty CP Sách Thái Hà đã khai trương Nhà sách Bản quyền đầu tiên tại VN (địa chỉ 119 C5, Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN). Đây là một trong những hoạt động của Thái Hà Books nhằm bảo vệ sách thật, sách bản quyền. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ là hành động đơn phương, lẻ tẻ trong cuộc chiến chống sách lậu, sách giả. Vì hiện nay, Thái Hà Books cũng gặp phải tình trạng như các công ty sách khác tại VN. Sách của Thái Hà Books cũng đã bị làm giả, làm lậu rất nhiều, như cuốn: Tôi là con gái của mẹ tôi, Sức mạnh của lời cảm ơn..., và gần đây nhất là 3 cuốn sách Sống như Tiểu Cường, Người nam châmNghe bố này, con gái.


Với 3 cuốn sách này, đã có một điểm mới xuất hiện trong phương thức làm giả, đó là giá bìa của những cuốn sách giả cao hơn giá sách thật: cuốn Sống như Tiểu Cường giá sách giả là 85.000đ (trong khi giá sách thật là 69.000đ), cuốn Người nam châm giá sách giả 50.000đ (giá sách thật 39.000đ), còn cuốn Nghe bố này, con gái giá sách giả 40.000đ (giá sách thật 31.000đ). Phải chăng, những cuốn sách được đội giá thật cao để rồi giảm giá thật cao, để đánh vào tâm lý “ham của rẻ” của người tiêu dùng?

“Bỏ ra 30.000đ mua một cuốn sách được in với chất liệu giấy mỏng, chữ nhòe, bìa xấu, sản phẩm của công nghệ copy, scan, 30.000đ là quá đắt. Không mất tiền mua bản quyền, tiền dịch, tiền hiệu đính, biên tập, thiết kế, in ấn... mà những kẻ làm lậu vẫn bán giá bằng gần giá bìa sách thật sau khi đã chiết khấu cao. Như vậy độc giả đã bị móc túi, bị lừa một cách quá tinh vi. Chúng tôi cần sự ủng hộ của tất các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan truyền thông và độc giả trong cuộc chiến chống sách lậu, sách giả’’- một đại diện của Thái Hà Books tâm sự.

Hãy quan sát sách tỷ mỷ, và đừng tham giảm giá!

Nhưng làm thế nào để những người yêu sách không bị lừa? Lời khuyên của những người làm sách là: Hãy cảnh giác với những cuốn sách giảm giá lớn, nhất là đối với những cuốn sách “hot”. Và hãy quan sát thật tỷ mỷ cuốn sách trước khi quyết định mua. Có thể lấy cuốn sách Sống như Tiểu Cường làm ví dụ: Sách giả có bìa mỏng, màu nhạt hơn, chữ nhòe, to, không có tem chống sách giả, tên công ty sách viết thừa 1 chữ “I” thành Thaiihabooks, logo của NXB to hơn nhiều, sách mỏng và ngắn hơn sách thật còn nội dung bên trong thì y nguyên được in với giấy mỏng.

“Tôi hết sức kêu gọi các bạn không mua sách lậu, sách giả, không mua sách vỉa hè, đừng đối xử với sản phẩm văn hóa bằng cách như vậy’’ - phát biểu của ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản.

Tinh vi hơn việc làm giả cuốn Sống như Tiểu Cường, bìa cuốn Người nam châm chỉ đậm hơn cuốn sách thật và không có tem, còn cách bài trí bìa rất khó phân biệt, tuy nhiên chất liệu giấy in mỏng hơn nhiều và chữ bị nhòe. Cả hai cuốn sách giả đều không có tem và tay gấp. Đó là những điểm khác biệt có thể chỉ ra khi so sánh hai cuốn sách thật và giả với nhau, do đó rất khó để phát hiện khi đặt sách giả trên kệ sách mà độc giả không tinh ý và cẩn thận.


Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra một cuộc tọa đàm mang tên Nâng cao nhận thức về sách bản quyền tại VN. Theo kết quả khảo sát từ 350 người thuộc các độ tuổi và trình độ học vấn khác nhau tại Hà Nội và TP.HCM, thì có rất nhiều người vì nhiều lý do, phần lớn là lý do tài chính mà luôn chọn mua sách giảm giá. Bà Nguyễn Thị Lan Minh - một độc giả yêu sách và rất hay mua sách cho biết: “Tôi là một người hay đọc sách, nhưng thú thực là nhiều khi tôi cũng không biết đâu là sách thật, đâu là sách giả. Tôi chỉ thấy giá rẻ thì tôi mua, những quyển sách đó cũng không khác gì những quyển sách khác. Vì vậy, theo tôi, các công ty xuất bản nên chia sẻ nhiều hơn nữa với độc giả về sách thật, sách giả, định hướng cho độc giả thế nào là sách bản quyền...”.

Như Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm