Khi Nasri “minh oan” cho ông Blanc

13/06/2012 11:00 GMT+7 | Bảng D

(TT&VH) - “Đôi khi bạn phải biết kiên nhẫn với một cầu thủ tài năng” – HLV Laurent Blanc phát biểu sau trận hòa 1-1 với tuyển Anh. “Cầu thủ tài năng” mà ông đề cập ở đây là Samir Nasri, người đã “minh oan” cho người thầy của mình bằng màn trình diễn xuất sắc và một cú sút sắc bén đem về bàn thắng gỡ hòa cho đội Pháp.



Samir Nasri: Ai chỉ trích thầy tôi thì im ngay nhé!- Ảnh Getty

Tài năng của Nasri là không phải bàn cãi, nhưng tài năng ở cấp CLB chưa được chuyển lên cấp ĐTQG một cách thỏa đáng. HLV Blanc đã rất kiên nhẫn với anh: Ông thử nghiệm tiền vệ của Man City ở rất nhiều vị trí, từ một cầu thủ đá con thoi ở tuyến giữa ba người, rồi hộ công, tiền đạo trái, và thường xuyên nhất là vị trí tiền đạo phải. “Đó là vị trí cậu ấy thường chơi ở CLB” – Ông Blanc tiết lộ. “Có thể là cậu ấy sẽ thoải mái ở biên phải hơn là tại khu vực vòng tròn giữa sân”.

Nhưng bất chấp sự “chiều chuộng” ấy của ông Blanc, trong hai trận giao hữu thử nghiệm cuối trước khi EURO khởi tranh, Nasri tiếp tục chơi mờ nhạt. Báo chí Pháp lại tự hỏi, với áp lực ngày càng tăng, rằng tại sao Jeremy Menez, Hatem Ben Arfa và Mathieu Valbuena không được sử dụng thường xuyên hơn?

Nhưng ông Blanc không thay đổi quan điểm, và tiếp tục tin tưởng vào Nasri, bằng lý luận về tính liên tục: “Nếu tôi cứ nghi ngờ các cầu thủ sau mỗi trận đấu, thì chắc là tôi cứ phải thay đổi xoành xoạch mất”. Tương tự, màn trình diễn tuyệt vời của Koscielny và Clichy ở các trận giao hữu cũng không khiến vị trí của Mexes và Evra bị đe dọa lập tức.

Hiệu ứng được tạo ra: Những cầu thủ biết được rằng họ được HLV tin tưởng tuyệt đối, và đó là động lực để họ cố gắng biện minh cho đức tin của ông Blanc. Cả Mexes, Evra, và tất nhiên, đặc biệt là Nasri, là những bài học sống động về thành quả của sự kiên nhẫn trên Donetsk. Màn trình diễn của Nasri không chỉ gói gọn trong bàn thắng tuyệt đẹp anh ghi được, mà còn ở những đóng góp tích cực vào lối chơi. Tiền vệ của Man City cầm bóng khôn khéo, hợp lý trong những cú qua người và rất thông minh trong việc phát hiện các khoảng trống.

Cách anh kết hợp một cách hoàn hảo với Mathieu Debuchy cũng đáng được khích lệ: Đáng ra hướng tấn công chủ đạo của đội Pháp “nên” là cánh trái, nơi có sự hiện diện của Ribery và Evra (Benzema thậm chí cũng rất ưa thích chơi dạt biên trái). Nhưng trước đội tuyển Anh, thì hành lang tấn công chủ đạo ấy của đội Pháp đã chuyển sang phía đối diện, của một Debuchy còn thiếu kinh nghiệm quốc tế và Nasri đang bị đặt trong tầm ngắm của sự nghi ngờ.

Lối chơi có xu hướng di chuyển vào trung lộ của Nasri đã tạo ra rất nhiều khoảng trống cho Debuchy, tàn phá hiệu quả hành lang được trấn giữ bởi một trong những hậu vệ biên giỏi nhất thế giới hiện nay là Ashley Cole. Tính bất ngờ được tạo ra: Cánh tấn công bị coi là yếu nhất của đội Pháp trước khi trận đấu diễn ra lại trở thành hướng công kích khủng khiếp nhất của họ, và làm khu vực phòng ngự trên lý thuyết là an toàn nhất của đối phương bị nung chảy.

Cú sút thành bàn của Nasri cũng là một bất ngờ khác: Phải mất 8 năm, đội Pháp mới có cầu thủ thứ hai ghi bàn từ ngoài vòng cấm, sau Zinedine Zidane năm 2004, đều là những cú đá vào lưới đội tuyển Anh. Ở trận này, Pháp đã sút xa đến 15 lần, nhiều nhất từ đầu giải đến giờ, và chỉ mình Nasri thành công.

Đó là điều thú vị của bóng đá và cả cuộc sống: Bất ngờ và điều kỳ diệu chỉ có thể được tạo ra từ đức tin. Hãy tin tưởng đến tận cùng, rồi sẽ có người biện minh cho đức tin của anh. Blanc đã tin, và Nasri đã biện minh cho đức tin tưởng chừng mù quáng (trong mắt những người mù quáng?) của ông.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm