Nên khôi phục lễ hội Xuống đồng trong Giỗ tổ Hùng Vương

13/04/2016 07:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên ở Việt Trì, Phú Thọ đã gửi cho Thể thao & Văn hóa bài viết nêu ý kiến “nên khôi phục lại lễ hội Xuống đồng ở đàn Thần Nông Đồng Lú nhằm tôn vinh công ơn của các Vua Hùng”.

Là người từng đi điền dã nghiên cứu về phong tục lập đàn cầu Thần Nông bên bờ ruộng ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, ông Biên khẳng định rằng đây là một nghi lễ “tối cổ” gắn liền với nghề trồng lúa nước, một phát kiến của văn minh nhân loại từ thời Hùng Vương.

Lúa nước - phát kiến của văn minh nhân loại

Cách đây khoảng 5.000 năm, trong khi các bộ lạc Hoa Hạ tụ cư ở bờ sông Hoàng Hà phát triển cây lúa tắc (lúa mì) trồng trọt trên đất khô, thì ở ta, Vua Hùng lại tìm cách đưa cây lúa đạo từ trên cạn xuống đồng nước đáp ứng nhu cầu sinh lý của nó là nước.

Cây lúa đạo tự nhiên vốn mọc ở nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam Á. Cách đây 1 vạn năm người nguyên thủy đã biết dùng hạt thóc ăn, còn để lại trấu ở di chỉ hang Xóm Trại thuộc văn hóa Hòa Bình.


Cần thiết khôi phục Lễ hội Xuống đồng trong Giỗ tổ để tôn vinh cây lúa nước. Ảnh có tính chất minh họa

Giả thiết rằng người nguyên thủy cũng đã trồng lúa, nhưng chỉ là gieo hạt ra bãi phù sa ven sông suối, hay đốt nương chọc lỗ tra hạt mà thôi. Còn quy trình phức tạp đưa cây lúa đạo xuống đồng nước tạo ra vụ lúa chiêm thực sự chỉ diễn ra dưới thời Hùng Vương.

Sở dĩ khẳng định thời Hùng Vương chỉ cấy lúa chiêm là dựa trên nhiều nguồn tư liệu làm căn cứ soi chiếu lẫn nhau: Sách Lĩnh Nam trích quái của hai ông Vũ Quỳnh - Kiều Phú thế kỷ XV viết rằng “Lạc Long Quân dạy dân cầy cấy nông trang...”.

Truyền thuyết Âu Cơ cũng nói mẫu dẫn 50 người con lên núi, đến trang Hiền Lương thì dừng lại dạy dân cấy lúa trồng dâu dệt vải. Sử cũ viết Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của Bách Việt.

Ứng với các truyền thuyết đó, trong các di chỉ Hùng Vương thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.500 năm thấy có than tro trấu thóc và dọi xe sợi bằng đất nung, riêng di chỉ Đồng Đậu cách nay 3500 năm tìm thấy cả cục thóc vón thành than ước 1 dm3.

Đặc biệt có hai nguồn tư liệu hết sức quan trọng cho việc nghiên cứu cây lúa nước là đoạn ghi trong sách Giao Châu Ngoại Vực Ký của tác giả Tăng Cổn thế kỷ III, và lễ thức xuống đồng của nông dân làng xã, điển hình là ở làng Lú có cánh đồng Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Cánh đồng Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Muốn sử dụng được đồng chiêm vào sản xuất lúa, ít nhất phải giải quyết được hai vấn đề: Làm thế nào đưa được hạt thóc giống xuống đồng ruộng ngâm nước, và làm thế nào kết hợp được các điều kiện khí hậu thủy văn rất phức tạp nhưng lại rất có lợi với sinh trưởng của cây lúa chiêm. Hai vấn đề này đã được vua Hùng xử lý và để lại kinh nghiệm cho dân ta.

Ở thập niên 70 thế kỷ XX chúng tôi đã tiến hành các đợt điền dã trên địa bàn Vĩnh Phú cũ (này là Phú Thọ và Vĩnh Phúc) thu thập được các tư liệu văn hóa dân gian. Được biết tất cả các làng từ đồng bằng đến miền núi, ở đâu cũng có đàn cầu Thần Nông bên bờ ruộng.

Đàn chỉ là một doi đất bằng vài chiếc chiếu đắp cao hơn xung quanh, để khi vào vụ cấy thì đem xôi thịt ra đàn cúng Thần Nông. Cúng xong ông thủ từ (đồng bào Mường gọi là thầy mo) lội xuống ruộng cấy lấy khước, ngụ ý Vua Hùng đã xuống đồng chỉ dẫn, mở đầu vụ cấy cho dân làng.

Giỗ tổ Hùng Vương 2016: Thử nghiệm đồng loạt dâng hương trên toàn quốc

Giỗ tổ Hùng Vương 2016: Thử nghiệm đồng loạt dâng hương trên toàn quốc

Toàn bộ các điểm thờ vua Hùng trên toàn quốc sẽ cùng tổ chức lễ dâng hương vào 7h30 sáng ngày 10/3 âm lịch.


Cũng có làng không đắp đàn Thần Nông, mà đến vụ cấy đem xôi thịt ra đình cúng, rồi ông từ lấy mấy bó mạ cấy ngay ở thửa ruộng trước cửa đình, để cho dân làng vào vụ cấy, trước đó không ai được tự ý đi cấy ở ruộng của mình.

Riêng ở làng Lú xã Minh Nông thành phố Việt Trì có cánh đồng chiêm 50 mẫu tên là Đồng Lú (tiếng Việt cổ Lú là lúa) tương truyền là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa có di tích đàn Thần Nông do vua Hùng lập ra để cầu cúng Thần Nông. Nhà vua quan sát bầu trời chiêm nghiệm thấy chòm sao Thần Nông hình người ở phía Tây Nam vào đêm rằm tháng 8 nếu hiện ra rõ ràng lấp lánh thì vụ chiêm đó được mùa, nếu lu mờ thì mất mùa, vì vậy lập đàn cầu cúng nhìn về hướng Tây Nam.

Có câu: “Muốn ăn lúa tháng 5 thì phải trông sao rằm tháng 8”.

Hằng năm Vua cúng Thần Nông vào ngày mồng một tháng một ta, để mở đầu vụ cấy chiêm cho toàn dân.

Lễ tế Thần Nông

Sau khi triều đại Hùng Vương kết thúc, dân làng Lú tiếp tục cầu cúng ở đàn Thần Nông và tiến hành một nghi thức nữa gọi là làm hèm Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Có thể nói nghi lễ nông nghiệp ở làng Lú là quy củ hoành tráng nhất.

Đội tế y như tế đình làng áo mũ hia bốt chỉnh tề, đủ cả chủ tế, bồi tế, chấp sự, đông tây xướng. Vào làm lễ là tất cả chức sắc và 14 trưởng giáp. Gần như cả làng kéo ra xem hội xuống đồng.

Tế Thần Nông xong ông chủ tế để nguyên lễ phục tiến ra thửa ruộng trước đàn, lúc này ông được che lọng và tấu nhạc bát âm đi theo. Ông đóng Vua Hùng lội xuống cấy mấy chục khóm mạ cho dân làng cấy theo. Từ đó chính thức mở đầu vụ cấy, không ai được tự ý đi cấy trước, quy định này được thực hiện rất nghiêm túc.

Chính quy trình kỹ thuật trồng lúa nước từ Đồng Lú mà các Vua Hùng truyền dạy cho dân rồi nhân rộng đi khắp nơi. Hễ nơi nào canh tác theo cách gieo mạ cấy lúa và tín ngưỡng Thần Nông là nơi đó đã tiếp thu phát kiến của Vua Hùng.

Nhân dịp giỗ Tổ 10/3 Bính Thân, chúng tôi đã có đề xuất gửi đến các cơ quan chức trách, là nên khôi phục lại lễ hội Xuống đồng ở đàn Thần Nông Đồng Lú nhằm tôn vinh công ơn của các Vua Hùng. Vì ở đây ghi đậm dấu ấn lịch sử và văn minh nhân loại, mới chính thức là nghi lễ nông nghiệp của cả dân tộc Việt Nam.

Vũ Kim Biên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm