19/06/2022 15:57 GMT+7 | Thời tiết
Đề cập đến tình hình nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng ngày càng cực đoan hơn.
"Đề phòng trong tháng 7 có thể xuất hiện giá trị cực đoan liên quan đến nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo xác suất 70-80% khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021", Giám đốc Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Chia sẻ về tình hình nắng nóng trong thời gian tới, ông Khiêm cho rằng, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 8-9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Từ tháng 10-12 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.
Khu vực Trung Bộ, nhiệt độ trung bình tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 8-9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; từ tháng 10-12 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 7-9, nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Tháng 10-12, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Thông tin về tình hình nóng nóng thời gian trước mắt, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho rằng, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 20/6, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40-60%.
Thủ đô Hà Nội ngày 20/6, có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
"Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21/6, từ ngày 22/6 nắng nóng có xu hướng giảm dần. Khu vực Trung Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 22-23/6, sau nắng nóng có khả năng dịu dần", ông Khiêm lưu ý.
Anh Trần Ngọc Minh, thợ xây người Vĩnh Phúc, đang thi công công trình nhà dân ở huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, nắng nóng những ngày qua đã gây ảnh hưởng lớn đến những người làm việc ngoài trời như anh.
Ngay từ khoảng 10 giờ, nắng gắt cùng nhiệt độ lên cao đã khiến anh và những người cùng làm không thể chịu nổi, phải tạm dừng các công việc ngoài trời để chuyển vào thi công nội thất bên trong căn nhà đang xây. Giờ làm việc của nhóm thợ cũng được đẩy lên sớm hơn từ 5 giờ đến 11 giờ. Đến buổi chiều, do là thời điểm nhiệt độ lên cao nhất trong ngày (khoảng 40 độ C ở ngoài trời) nên nhóm thợ của anh dành thêm thời giân nghỉ trưa, bắt đầu làm việc từ 15 giờ đến 19 giờ để tránh nóng.
Đối với anh Vũ Hoàng Tùng (42 tuổi) làm nghề giao hàng kết hợp chạy xe ôm công nghệ tại Hà Nội, nắng nóng những ngày qua giúp anh nhận được nhiều đơn hàng hơn do nhiều người ngại ra đường vào thời điểm nắng gắt.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến anh mất nhiều sức hơn khi di chuyển ngoài trời, đồng thời phải áp dụng nhiều biện pháp để giảm nhiệt cho cơ thể như: mặc áo khoác dài tay để giảm lượng nhiệt xâm nhập vào cơ thể, lót một chiếc khăn mát dưới mũ bảo hiểm mỗi khi di chuyển trong trong thời gian dài, luôn mang theo đủ nước uống và kính mát, khẩu trang... Mặc dù vậy, anh Tùng cho biết đã phải hạn chế nhận đơn hàng vào khoảng thời điểm 12 giờ đến 16 giờ do nhiệt độ lên cao nhất trong ngày, dễ bị sốc nhiệt và say nắng.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng đang ở cấp 1.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn. Người dân nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Người dân nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...) để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt... Ngoài ra, người dân cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Thắng Trung - Hoàng Nam/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất