09/08/2023 10:25 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà trong 15 năm qua diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực đáng trân trọng. Những khó khăn, trở ngại đối với văn học, nghệ đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển, hòa nhập sâu hơn với văn học, nghệ thuật thế giới.
Sáng 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”.
Tham gia hội nghị tập huấn gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy; cán bộ quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật; lãnh đạo Hội Văn học-nghệ thuật Trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản; giảng viên các trường đại học, cao đẳng đào tạo về văn học, nghệ thuật ở khu vực phía nam.
Dự Hội nghị, có đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới đã thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật.
Thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà trong 15 năm qua diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực đáng trân trọng. Những khó khăn, trở ngại đối với văn học, nghệ đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển, hòa nhập sâu hơn với văn học, nghệ thuật thế giới.
Hoạt động của các ban, bộ, ngành, địa phương; của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động, năng động, thiết thực và hiệu quả hơn…
Tuy nhiên, qua khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ở các tỉnh, thành phố, các ban, bộ, ngành... Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận thấy bên cạnh những ưu điểm, kết quả quan trọng, ở một số tỉnh, thành phố, lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, yếu kém ở các khía cạnh khác nhau của đời sống văn học, nghệ thuật.
Cụ thể, mặc dù có sự chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản về nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống của đất nước; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm; sự gia tăng của xu hướng giải trí đơn thuần trong sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật.
Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhưng lại có những phát ngôn, lối sống thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng, nhất là giới trẻ. Công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức.
Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật có đổi mới nhưng chưa nhiều, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Các hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín, có chuyên môn, năng khiếu chuyên ngành; chưa thu hút được một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ có tài vào hội; cơ cấu của đội ngũ văn nghệ sĩ còn có chỗ bất hợp lý, phân bố không đồng đều ở các chuyên ngành cũng như vùng miền. Vai trò tư vấn, phản biện xã hội của các Hội Văn học-nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được phát huy tối đa.
Công tác lãnh đạo, quản lý chưa thật sự chú trọng, quan tâm đúng mức đến tính đặc thù của văn học, nghệ thuật; chưa thu hút được người có năng lực vào các cơ quan tham mưu, cơ quan hoạt động văn học, nghệ thuật. Việc sáp nhập một cách cơ học các đoàn nghệ thuật truyền thống ở khá nhiều địa phương gây khó khăn cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật, dẫn đến tình trạng “nghiệp dư hóa” nghệ thuật chuyên nghiệp…
Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn năm 2023 với chủ đề “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, gồm 6 chuyên đề nhằm giúp các học viên củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước; kết quả và những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; nắm bắt đầy đủ và sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay...
Trên cơ sở đó trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm xử lý một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị.
Đây là những yêu cầu cơ bản, cần thiết, trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn, quản lý công tác văn học, nghệ thuật, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong văn học, nghệ thuật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới... Hội nghị tập huấn diễn ra từ ngày 8 đến 11/8/2023.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất