Vụ Đình Đồng: Xã hội bạo lực & Văn hóa của những cái rìu

01/03/2014 22:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Phạt là hình thức để người ta cảm thấy sợ mà không dám vi phạm, nhưng giáo dục tốt mới là cốt lõi của vấn đề. Hậu vệ Đình Đồng có thể vừa nhận một án phạt xứng đáng với hành vi của anh ta, nhưng phạt mới là chặt đi cái ngọn và dù là chặt đi một cách thô bạo chăng nữa, thì cái gốc bị sâu đục vẫn còn nguyên.

Mức phạt 20 triệu đồng và cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá Việt Nam đồng nghĩa với việc Đình Đồng sẽ không chơi bất cứ trận nào trong 18 vòng còn lại của V-League, cũng như không tập trung các ĐTQG cho đến hết ngày 31/12 năm nay. Tính chi li, anh có thể sẽ phải bỏ lỡ… 28 trận ở tất cả các giải cấp CLB lẫn ĐTQG.

Đó có lẽ là án phạt đủ khiến những “cây rìu vàng” của BĐVN phải chùn chân. Và thế là từ nay, bất kỳ cầu thủ nào có ý định kết liễu sự nghiệp của người khác bằng những cú vào bóng man rợ, cũng sẽ phải nghĩ đến khả năng chính sự nghiệp của anh ta cũng có thể bị gián đoạn hoặc thậm chí là chấm dứt, vì những án phạt.

Nhưng suy cho cùng, dù vì nghĩ đến miếng cơm manh áo của chính mình mà chùn chân, thì đó vẫn chỉ là sự đối phó. Đình Đồng và rất nhiều những đồng nghiệp khác của anh có thể vì sợ hãi cái án phạt khủng khiếp vừa qua mà tạm cất những chiếc rìu đi, thì bạo lực chỉ tạm lánh đi, chứ nó không chết.


Đình Đồng (phải) sẽ bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức cho đến hết năm 2014


Đình Đồng trần tình sau khi sự việc kết thúc rằng anh luôn “coi Anh Hùng (người mà đã kết thúc mùa giải vì cú vào bóng của Đồng) là người em của mình”. Nếu lời đó là đúng (Anh Hùng cũng đã bảo rằng Đình Đồng “chỉ ham bóng), thì cú vào bóng chết chóc ấy giống như sự phơi bày bản chất của bóng đá Việt Nam: Thời điểm ấy, không một luân lý nào có thể là chiếc phanh hãm bạo lực.

Xã hội nào thì bóng đá nấy

Chúng thậm chí đang bị bạo lực xô đổ hàng loạt. Khi một thày giáo tát bôm bốp vào mặt học trò và hệ quả là học trò cũng lao vào đánh thày, thì luân lý đã bị ném vào sọt rác.

Khi những bảo mẫu sẵn sàng đánh và uy hiếp tinh thần của những đứa trẻ con chỉ để ép chúng ăn, thì nhân tính đang bật còi báo động.  Khi một người cha có thể đánh con đến chết chỉ vì một bao hồ tiêu (xem tại đây), thì cả luân lý lẫn nhân tính đều đã bị giẫm nát.



Bảo mẫu đánh trẻ ở Thủ Đức. Nguồn ảnh: Tri thức trực tuyến.


Chúng ta thấy bạo lực ở khắp nơi: Bố mẹ đánh chửi con, vợ chồng, thày trò đánh nhau, clip học sinh “xử” nhau giữa đường phố nhan nhản trên mạng, ra đường chỉ cần “nhìn đểu” là lao vào nhau, thậm chí giết nhau chỉ vì những lý do lãng nhác, như vì chê nhau… chơi guitar dở (xem ở đây).

Tất cả có xu hướng hành xử kiểu dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, từ nhỏ đến lớn. Và bóng đá chỉ là một phần của xã hội. Xã hội bạo lực cũng sản sinh bóng đá bạo lực. Các cầu thủ trước khi hành nghề trong môi trường bóng đá là những thực thể lớn lên trong xã hội bạo lực.

Phải “biết” chơi bạo lực mới tồn tại

Bóng đá Việt Nam không phải môi trường ghìm cương bạo lực hình thành từ ảnh hưởng xã hội. Thậm chí, bóng đá Việt Nam, ở một chừng mực nào đó, còn khuyến khích, và cổ vũ bạo lực, không trực tiếp, nhưng từ trong trứng nước.

Bài học vỡ lòng khi chơi bóng của rất nhiều cầu thủ phủi lẫn các lò đào tạo bóng đá là… tự vệ. Các cầu thủ phải biết tự bảo vệ mình trước những cú giật chỏ, lao gầm giày, đánh nguội, và thậm chí là phải “chơi” lại được đối thủ. Và “chơi” lại được đồng nghĩa với sự hả hê, còn bị chấn thương là thơ ngây, nói phủi là “ngu”.

Đa số các lò đào tạo của BĐVN hay coi đá rắn là “đặc sản” của họ, và bóng đá nói chung cũng luôn cần tinh thần hết mình, nhưng đôi khi, sự hết mình ấy lại vượt quá giới hạn. Và đôi khi, sự hết mình lại được đem ra làm thứ nhân danh để bào chữa cho bạo lực.

Có lẽ cũng chưa ai quên lời kể của danh thủ Đặng Phương Nam trong một bài viết trên TT&VH vào năm 2009 về ký ức trận đấu Thể Công – SLNA năm 1998. HLV Nguyễn Thành Vinh ra sân hò hét: “Đá chết chúng nó đi!”. Trên sân, tiền vệ Ngô Quang Trường đấm thẳng vào mặt hậu vệ Hải Biên và nhận thẻ đỏ rời sân.

Các cầu thủ châu Âu cũng biết đánh nguội và dùng tiểu xảo (HLV của U19 AS Roma còn từng chia sẻ rằng các cầu thủ trẻ của ông biết cách dùng tiểu xảo mà vẫn qua mắt được trọng tài), nhưng xã hội phương Tây nói chung là môi trường không biến bạo lực thành thứ phản cảm. Và ở đó, “biết” chơi bạo lực, tiểu xảo là yếu tố cuối cùng được cho là một cầu thủ cần phải có, thay vì là một yếu tố tiên quyết để tồn tại trong môi trường BĐVN.

Án phạt áp dụng cho Đình Đồng được cho là phản ứng của VFF khi cơn sóng dư luận đã lên rất cao trước lối chơi bạo lực. Đó là chuyển biến tích cực: Dư luận đã không còn thờ ơ với những cú vào bóng man rợ trên sân cỏ. Bạo lực sân cỏ ở V-League thật ra là vấn đề không mới, nhưng khán giả có lẽ cũng đã quá chán ngán với sự tái diễn của nó để mà lên tiếng.

U19 VN & Vấn đề giáo dục trong bóng đá

Những khán đài chật ních khán giả ở giải U19 Tứ hùng ở TP.HCM và sự yêu mến của các CĐV với đội U19 Việt Nam đã nói lên tất cả, trong cơn “đói khát” một thứ bóng đá đẹp và tử tế của người hâm mộ.

Ai đó có thể cho rằng đó là hiệu ứng số đông, nhưng đội U19 VN, dù chưa phải một đội tuyển có thể thi đấu vì thành tích, vẫn đã chơi đẹp. Dù các em đá thật ngây thơ, nhưng sự ngây thơ ấy dù có thể bị coi là không thể “sống sót” ở V-League, vẫn còn tử tế hơn rất nhiều thứ bóng đá đầy bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến hàng tuần trên sân cỏ Việt Nam.


Hậu vệ Hoàng Văn Khánh (số 5) đã từng bị loại khỏi đội U19 VN vì một pha vào bóng bạo lực


Chúng ta nhìn thấy ở đội U19 một mô hình có thể ghìm cương bạo lực từ ảnh hưởng xã hội: Các em được đưa vào đây từ khi tối thiểu là 8 tuổi, được học chu đáo về văn hóa (thông thạo tiếng Anh và thậm chí là giao tiếp bằng tiếng Pháp). HA.GL JMG cũng bắt buộc học viên phải tốt nghiệp Đại học.

Sự kiện U19 VN loại trung vệ Hoàng Văn Khánh khỏi đội tuyển vì một pha vào bóng thô bạo với cầu thủ của U19 Tottenham ở giải Tứ hùng TP.HCM cũng được xem như một động thái dập tắt bạo lực, dù chỉ ở một phạm vi nhỏ là đội tuyển U19 Quốc gia.

Sự trừng phạt mạnh tay ngày hôm nay có thể làm những cái rìu chùn bước, nhưng mấu chốt của việc đẩy lùi bạo lực trong bóng đá nói riêng và xã hội nói chung nằm ở giáo dục. Trừng phạt có thể khiến người ta sợ hãi mà không dám dùng bạo lực, nhưng giáo dục làm cho người ta tự thay đổi và không còn dùng bạo lực để hành xử với nhau.

Án phạt vừa qua là một lời cảnh tình, nhưng suy cho cùng, đó cũng là một biện pháp “bạo lực”. Để không còn những cú vào bóng như của Đình Đồng vừa qua, hãy bắt đầu từ giáo dục cầu thủ trẻ. Phạt nặng là đúng, nhưng giáo dục tốt còn đúng hơn.

Bạn đọc Trung Kiên (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm