Có nên bỏ phát ấn Đền Trần?

16/06/2010 11:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngay từ những phút khai mạc Hội nghị Đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 (diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm là: Có nên duy trì việc phát ấn ở đền Trần (Nam Định), đốt vàng mã tại Phủ Giầy hay đền Bà Chúa Kho.

1. Năm 2010 đã có khoảng 50.000 lượt người tham dự Lễ khai ấn đền Trần, tạo cảnh tượng chen lấn, xô đẩy rất hỗn loạn mà dư luận xã hội cũng như báo chí đã từng lên tiếng là “cướp ấn” chứ không phải “xin ấn”...

Trong số hàng vạn người đổ về đền Trần xin ấn hằng năm, có không ít người là quan chức, công chức ở những tỉnh, thành phố lớn.


Cảnh chen lấn ở Lễ khai ấn đền Trần
Nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề có nên tiếp tục duy trì phát ấn đền Trần hay không trong đó có Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Nam Định, ông Đỗ Thanh Xuân. Ông Xuân cho rằng: Nhiều tờ báo đã phản ánh “hơi quá” về những vụ việc ở đền Trần và cả Phủ Giày. Phát ấn đền Trần đã là “thương hiệu”, nhu cầu tất yếu của nhân dân Nam Định và công luận cần phải hiểu tường tận tại sao cần duy trì việc phát ấn từ xưa tới nay. Lễ khai ấn đền Trần diễn ra hằng năm là sản phẩm văn hóa có từ thời nhà Trần, nhằm tôn vinh giá trị truyền thống và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Ông Xuân cũng khẳng định rằng cá nhân ông chưa thể trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái về việc có nên hay không nên tiếp tục phát ấn đền Trần...  

2. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Phát triển, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội thì khẳng định rằng ông đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng hàng ngàn người cùng chen lấn, xô đẩy tại lễ khai ấn, phát ấn ở đền Trần (Nam Định). Và ông cho rằng việc này không nên tiếp tục phát triển rộng rãi bởi “cảnh tượng chen lấn xô đẩy đó thật thảm hại” và việc phát ấn diễn ra vào ban đêm như thế không hợp lý.

Nhân dịp GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng lên tiếng nói rằng: Không nên nhìn lễ hội một cách bất biến, các lễ hội sẽ có biến đổi nhưng phải dựa trên cái gốc lịch sử vững chắc, nếu không sẽ thành ra “đánh lừa, nhạo báng” lịch sử.

Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Vũ Xuân Thành cho rằng, thay vì “phát ấn” như hiện tại chỉ cần thực hiện nghiêm trang nghi lễ khai ấn. Sau đó đem bản in duy nhất này dâng lên ban thờ trong đền để người dân lần lượt vào hành lễ, tránh các hoạt động vụ lợi, chen lấn, xô đẩy của dòng người đông đúc đổ về đền Trần như những năm qua. Còn TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật cho rằng không nên can thiệp quá sâu vào lễ hội của người dân, ông mong muốn việc phát ấn sẽ tiến hành rộng rãi cho người dân có nhu cầu xin ấn, không phân biệt tuổi tác, chức vụ. Và ông Nguyễn Chí Bền cũng đề xuất: Thay vì việc thu tiền, bán ấn thì nên phát miễn phí cho người dân có nhu cầu.

Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm