Doanh nghiệp phát hành sách "kêu trời" vì SGK

29/04/2009 09:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua (28/4), các doanh nghiệp phát hành sách TP.HCM đã có buổi họp mặt với báo giới để phản đối những bất cập trong việc phát hành sách giáo khoa (SGK) hiện nay.

NXB Giáo dục “bắt chẹt” doanh nghiệp phát hành?!

Hàng loạt doanh nghiệp phát hành sách hàng đầu hiện nay tại TP.HCM như: FAHASA, Phương Nam, Nhân Văn, Thành Nghĩa, Việt Văn... đã phản đối gay gắt NXB Giáo dục độc quyền việc phát hành SGK. Theo đó, NXB Giáo dục có hai cơ chế giá dành cho đơn vị trực thuộc của mình là Công ty Phát hành sách Thiết bị trường học và những đơn vị phát hành bên ngoài. Với những doanh nghiệp phát hành không thuộc NXB Giáo dục, thì phí phát hành mà NXB dành cho họ chỉ có 11% đối với SGK và sách bổ trợ là 12% (mua dưới 500 triệu).
 
Đại biểu các doanh nghiệp phát hành sách tại TP.HCM

Trong khi theo ông Dương Quốc Trị - Tổng giám đốc doanh nghiệp Nhân Văn, thì mức chiết khấu trung bình hiện nay dành cho các loại sách khác thường khoảng 40%. Việc cũng chẳng có gì đáng nói nếu NXB Giáo dục không tuyên bố giảm giá 10% cho người mua sách. Như vậy, nếu phải giảm giá 10% đúng như tuyên bố của NXB Giáo dục, thì lợi nhuận các doanh nghiệp còn lại chỉ có 1%.

Ông Nguyễn Đức Hào - Phó phòng Kinh doanh nội địa của FAHASA kêu trời: “1% thì không đủ phí vận chuyển chứ nói gì đến có lãi”. Còn ông Ngô Xuân Biển - Nhà sách Thăng Long thì: "Như vậy, NXB Giáo dục coi các đại lý như chúng tôi là “đầy tớ” của họ, uống nước lã để đi phục vụ “các cụ độc quyền”.

Con đường để SGK từ NXB Giáo dục đến các đại lý, doanh nghiệp phát hành sách phải thông qua “trung gian” là các Công ty sách Thiết bị trường học.

Tại sao phải thông qua một công ty của NXB Giáo dục mà các doanh nghiệp phát hành không được mua trực tiếp từ NXB? Câu hỏi này cũng chính là thắc mắc chưa có lời giải của các doanh nghiệp phát hành sách TP.HCM. Ông Dương Quốc Trị cho biết: “Để giá SGK hợp lý hơn thì phải xóa trung gian, nghĩa là các doanh nghiệp được mua trực tiếp từ NXB. Vì trung gian không thể nào không kiếm lãi từ việc độc quyền bán SGK cho các doanh nghiệp”.

Do độc quyền phát hành SGK như vậy, nên mới có chuyện NXB chơi trò “tung hứng”: Tăng giá bìa rồi lại bày trò giảm 10%. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu muốn giảm giá thì NXB Giáo dục cứ in thẳng lên bìa sách, việc gì phải hô tăng rồi hô giảm, để lấy “tiếng thơm”.

Miếng lợi khổng lồ

Nói đi thì phải nói lại, tỷ lệ chiết khấu SGK cho các doanh nghiệp phát hành không cao hơn các loại sách khác, nhưng vẫn lôi cuốn nhiều đơn vị tham gia là vì đâu? Ai cũng biết SGK là mặc hàng đặc biệt mà không người đi học nào không thể không mua. Ông Nguyễn Văn Thắng - FAHASA cho biết: Cao điểm của những tháng có bán SGK lượng phát hành sách trên toàn hệ thống của FAHASA tăng 30%. Như vậy, dù tỷ lệ chiết khấu cho phát hành SGK “mới nghe” không hấp dẫn bằng các loại sách khác, song nếu đem nhân với số lượng sách khổng lồ được bán ra thì lợi nhuận thu về quả là không nhỏ.
 
SGK là mặc hàng đặc biệt mà không người đi học nào không thể không mua

Tuy vậy, các doanh nghiệp phát hành sách tại TP.HCM phải lên tiếng phản đối vì NXB Giáo dục đã “triệt con đường sống” của họ bằng cách tuyên bố giảm giá 10% trong khi phí phát hành vẫn chỉ 11%. Từ thực tế ở các doanh nghiệp phát hành ngoài hệ thống của NXB Giáo dục mà tính, thì Công ty sách Thiết bị trường học nếu hoàn toàn độc quyền thì con số lợi nhuận thật không thể... tưởng tượng!

Khổ ải vì SGK

Lâu nay, các doanh nghiệp ngoài hệ thống của NXB Giáo dục muốn phát hành SGK cũng trải qua không ít khổ ải.

Ông Dương Quốc Trị - doanh nghiệp Nhân Văn cho biết, để mua được một xe SGK vài chục triệu đồng, doanh nghiệp ông phải “xếp hàng” chầu chực rất cực. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành đều tỏ ra khó chịu khi cũng là SGK do NXB Giáo dục in ra nhưng bị cấm phát hành trái tuyến. Nghĩa là doanh nghiệp ở TP.HCM thì chỉ được phép phát hành SGK trên địa bàn này, cấm bán SGK ở tỉnh khác. Trong khi, các doanh nghiệp phát hành sách tại TP.HCM hiện nay đều có hệ thống nhà sách phủ sóng toàn quốc. Cấm phát hành SGK trái tuyến có khác nào “ngăn sông cấm chợ” nếu hiểu SGK như một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Nhiều doanh nghiệp phát hành ví “thị trường” SGK hiện nay như lịch bloc một thời. Hiện phí phát hành lịch bloc đã lên đến trên 50% thay vì 10% như thuở còn “độc quyền”. Tạm bỏ qua các con số “phần trăm”, rõ ràng rằng, nếu phát hành SGK không “quy về một mối” như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ cạnh tranh, cũng như lịch bloc hiện nay vậy.
 
Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm