(TT&VH) -
Mục tiêu cổ phần hoá CLB (CPH) để chuyển sang mô hình doanh nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của Nam Định, đến thời điểm hiện tại, coi như đã phá sản hoàn toàn. Ngày 9/8 vừa qua, Nam Định đã nhận được văn bản chính thức của Megastar, thông báo sẽ rút khỏi hợp đồng tài trợ cho đội bóng, ngay sau khi V-League kết thúc. Đây chỉ là một động thái mang tính chất thủ tục, bởi những ai hiểu chuyện đều đã sớm lường trước kết cục trên. Có hai lý do để Megastar rút lui khỏi Nam Định, như trong bản công văn gửi đội bóng thành Nam. Một là sự chậm trễ của phía Nam Định trong quá trình chuyển giao CLB. Hai là
thành tích của CLB kém. Nói
đúng ra là quá kém, vì phải xuống hạng. Phía Nam Định cũng ít nhiều thừa nhận điểm này. Như đồng chủ tịch CLB Nguyễn Hưng Thái thì, “Megastar đầu tư vào đội bóng, thì dĩ nhiên cũng phải có tính toán riêng, khó có thể trách được họ”.
Với Nam Định (phải) thì ngay cả có cổ phần hóa thành công thì chưa chắc những bất cập trong cách làm bóng đá tại đây sẽ bị triệt tiêu. Ảnh : VSI Nói thì vậy, nhưng dường như Nam Định vẫn không thật sự thoải mái với việc bị Megastar “chào” giữa chừng. Không chỉ vì chuyện mấy tỷ đồng nhà tài trợ này còn chưa chuyển vào két của Nam Định. Vấn đề là cách rút lui, và cái lý do chậm trễ của Nam Định mà Megastar viện ra, dường như ít nhiều khiến Nam Định kém vui. Ông Thái phân trần là, khi nhận được công văn yêu cầu chuyển giao CLB của Megastar, và sau khi được lãnh đạo tỉnh thông qua, Nam Định đã gửi công văn trả lời đối tác. Thời điểm là vào tháng 7. “Theo tính toán của chúng tôi, chỉ cần chưa đến 10 ngày, việc chuyển giao sẽ được hoàn tất, nếu áp dụng theo cách làm của SLNA. Không có gì là khó khăn cả. Hoàn toàn không có chuyện Nam Định muốn giữ đội. Cổ phần hoá đã nằm trong lộ trình rồi, chúng tôi đã xác định đằng nào cũng phải làm. Nhưng đến khi ấy, Megastar lại kêu chậm. Thêm nữa khi còn chưa thông báo chính thức cho Nam Định, Megastar lại thông tin đi các nơi như thế, theo kiểu “dọn đường” là không nên”, ông Thái nói.
Trong chừng mực nào đấy, cũng có cơ sở để tin, Nam Định thực sự muốn cổ phần hoá. Riêng việc bỏ công đi khảo sát cách làm của các CLB khác, rồi thuê đơn vị định giá tài sản… cũng ít nhiều phản ánh điều đó.
Chỉ có đôi chút khó hiểu, là vì sao trong quãng thời gian dài như vậy, Nam Định lại tỏ ra có phần quá kém mặn mà, đến mức Megastar sau các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nam Định, đều trở về Hà Nội với “một đống” bất an. Nói như một lãnh đạo Megastar, “xuống Nam Định làm việc cứ như giữa người xa lạ với nhau”.
Ở đây thấy cần nhắc lại, là công văn yêu cầu chuyển giao đội bóng của Megastar đã được gửi cho Nam Định từ đầu tháng 6, nhưng chỉ đến tháng 7, phía Nam Định mới có hồi đáp. Hoàn toàn không giống như cách của một đội bóng mang khát vọng đổi mới, lên chuyên (trong bối cảnh quỹ thời gian hạn hẹp). Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong thời điểm trên, Megastar phải loay hoay tìm hiểu, xem nguyên nhân sự chậm trễ của Nam Định là từ đâu. Những nguồn tin báo về Megastar đều cho biết, một lãnh đạo thuộc hàng “cốp” của Nam Định khi ấy, đã phán “xanh rờn”, rằng phải xem xét lại việc nên hay không chuyển giao CLB cho nhà tài trợ. Đấy chắc chắn (và đã như vậy), không bao giờ là cách để làm yên lòng đối tác. Đấy cũng là lý do khiến cho những người có thói quen nghĩ quá xa xôi càng thêm cơ sở để tin vào những nghi ngờ, rằng đang có những mưu cầu trục lợi xung quanh quá trình chuyển giao đội bóng. Và đây mới là mấu chốt quyết định thành bại của quá trình chuyển giao ở một CLB không kém truyền thống như Nam Định.
Trò chuyện với chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cách đây không lâu, thấy ông Hỷ không giấu được sự ưu tư. Theo người đứng đầu VFF, không riêng gì CPH, quá trình phát triển bóng đá ở các địa phương hiện nay, phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo. Lãnh đạo “máu” thì bóng đá tiến nhanh. Và ngược lại. Ông Hỷ lấy luôn như trường hợp của ĐT.LA, hay B.Bình Dương, hai đội bóng thay nhau thống trị V-League cách đây chưa lâu.
Chuyển giao đội bóng tưởng như phải là chuyện tất yếu trong tiến trình chuyên nghiệp hóa, nhưng ở góc độ nào đấy, hóa ra lại không phải xuất phát từ yêu cầu tự thân của các địa phương. Và Nam Định, hình như ở trong trường hợp này.
Vĩnh Xuân