12/08/2019 12:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Đây là 100 triệu đồng của Hội đồng hương Nam Định ở Sơn La gửi tặng đội bóng. Thay mặt BHL và toàn đội, cảm ơn những người con vùng biên xa xứ”, trợ lý HLV CLB DNH Nam Định, Nguyễn Văn Sỹ, dõng dạc trong phòng thay đồ, sau trận hoà HAGL 2-2 ở lượt trận thứ 19 V-League 2019. Đấy là trận đấu mà thầy trò Nguyễn Văn Sỹ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành lại 1 điểm ở chảo lửa Thiên Trường.
Người Nam Định, bóng đá Nam Định và khán giả - CĐV Nam Định, rất đặc biệt. Họ đã biến Thiên Trường nguội ngắt suốt non chục năm trở thành kinh đô của bóng đá Việt Nam trong 2 mùa qua.
“Với tư cách một người con Nam Định, tôi sẽ hỗ trợ miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt cho đội bóng trong 3 tuần tập huấn tại Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh”, một cánh tay khác đưa lên. À, giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao thi thoảng đội bóng thành Nam lại ngược lên địa đầu Tổ quốc Móng Cái để tập huấn trước và giữa mùa giải. Chuyện tương tự khi đội bóng vào Nha Trang, Khánh Hoà và thậm chí cả Cần Thơ, chứ đừng nói TP.HCM, nơi mà cộng đồng người Nam Định xa xứ chiếm đa số.
Cổ nhân dạy, khéo co thì ấm. Nam Định trong quá khứ và cả hiện tại, không phải là đội bóng dư dả so với mặt bằng chung. Nhiều thời điểm, họ rơi vào tình cảnh túng quẫn, giật gấu vá vai. Không có tiềm lực tài chính và không có tham vọng lớn, thành Nam từng trải qua rất nhiều cuộc chảy máu nhân tài, chay máu chất xám, không chỉ ở địa hạt bóng đá.
Mùa Thu thay áo mới, với 80 tỷ từ Công ty Dược Hà Nam và một đơn vị kinh tế thuộc hàng “tay to” giấu mặt, đảm bảo cho bóng đá Nam Định sống tốt trong 2 mùa giải 2019-2020. Cộng với một số Mạnh Thường Quân, như đã nhắc ở trên, tiền kinh doanh bảng biển quảng cáo, tiền bán vé, DHN Nam Định thu về không dưới 50 tỷ đồng và đây là một con số đáng mơ ước trong lịch sử đội bóng suốt 20 năm kỷ nguyên lên chuyên. Nhạc trưởng Lê Sỹ Minh được gọi về từ Quảng Ninh, Lâm Anh Quang theo lời hiệu triệu đã rời Đà Nẵng...
Chỉ ở Thiên Trường, cầu thủ Nam Định mới có nhiều cơ may toả sáng, nó như một lời nguyền vậy. Trong trận hoà 2-2 trước HAGL, Lâm Anh Quang đã ghi bàn mở điểm bằng pha lên bóng lắc đầu hoàn hảo; còn Lê Sỹ Minh được tung vào sân khi đội chủ nhà đang bị dẫn 1-2, để rồi tổ chức pha lên bóng cuối cùng của trận đấu, kéo lại 1 điểm ở lại Thiên Trường.
Có về thành Nam, hoặc thi thoảng theo bước đội bóng thành Nam chinh chiến đâu đó, chúng ta mới cảm nhận được “Hào khí Đông A”. CĐV Nam Định, phân nửa là người già và trung niên, tuổi ô mai không nhiều như các Hội nhóm CĐV HAGL hay CLB Hà Nội. Lý là bởi họ yêu quá khứ, yêu truyền thống, từ cái thời bao cấp khi đội bóng còn mang tên Công nghiệp Hà Nam Ninh, Dệt Nam Định. Có truyền thống, có lịch sử, thì mới có hiện tại và tương lai. Đây là điều mà chỉ còn rất ít các đội bóng ở Việt Nam lưu giữ được. Ngoài Nam Định, có lẽ chỉ còn SLNA và Thanh Hoá...
Vì là đội bóng của nhân dân, nên họ chiến đấu trước là vì niềm tự hào bản địa, xứ sở. Nhiều trận đấu, DHN Nam Định chơi với hơn 100% khả năng tốt nhất, cũng là bởi họ được tựa lưng vào khán đài để chiến đấu. Về tài chính, tuy vẫn là ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng theo chia sẻ của Văn Sỹ, cứ là năng nhặt chặt bị, mỗi người một chút, chung tay là thành. Tinh thần đoàn kết của người Nam Định vốn đã là truyền thống, giờ lên cao trào, với chỉ bằng thứ ngôn ngữ duy nhất và phổ quát nhất: Bóng đá.
“Nam Định, quê hương ai đó, rất đẹp và đáng yêu”, đấy là câu hát cửa miệng của CĐV Nam Định và của người Nam Định. Bóng đá thật diệu kỳ.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất