(TT&VH cuối tuần) -
Vĩ đại. Huyền thoại. Có thể trở thành người xuất sắc nhất mọi thời đại. Thế nhưng, làm thế nào để Nadal vươn tới tầm mức ấy? Vĩ đại? Đúng! Nadal vô địch Mỹ mở rộng 2010, Ảnh Getty |
Trước Nadal, chỉ có sáu người trong số hàng chục ngàn tay vợt chuyên nghiệp suốt chiều dài lịch sử của thế giới banh nỉ sưu tập đủ trọn bộ bốn danh hiệu Grand Slam. Đạt được điều kỳ diệu ở tuổi 24, Nadal trẻ thứ ba trong số ấy. Huyền thoại như Andre Agassi và Roger Federer cũng phải chờ tới khi họ 30 và 28 tuổi.
Trong lịch sử cũng chỉ có ba người giành được Roland Garros, Wimbledon và US Open trong cùng một năm. Nadal là người thứ tư, và là người duy nhất làm được điều đó trong suốt 40 năm qua.
Nadal cũng chỉ cảm thấy mình… hơi chậm, nếu như so với Bjorn Borg, người giành được Grand Slam thứ chín (trong tổng số 11) khi mới 22 tuổi. Còn Federer, khi ấy tay vợt người Thụy Sĩ đã 28, và Agassi đã 31.
Quần vợt thế giới còn có một khái niệm nữa: Sự nghiệp vàng, để nói về những người thâu tóm được cả Davis Cup, bốn Grand Slam và huy chương vàng Olympic. Nadal là người thứ hai trên thế giới, sau Agassi (huy chương Vàng Olympic Atlanta 1996).
Và những kỷ lục đã trở nên “cũ” của riêng Nadal nữa, như là người đầu tiên và duy nhất thâu tóm được ba Master 1000 trên sân đất nện, rồi có 18 danh hiệu Master (hơn Agassi một).
Những bí mật của NadalTrở lại với câu hỏi làm thế nào để Nadal trở thành vĩ đại như thế, TT&VH Cuối tuần năm 2008 từng lý giải bí quyết để Nadal chiến thắng Federer trên sân cỏ ở Wimbledon. Giờ bí quyết phải công phu hơn, nhất là khi Nadal trải qua chấn thương năm 2009 với nghi ngờ rằng anh sẽ không bao giờ trở lại được như trước. Dưới đây là một vài, vâng, chỉ một vài thôi, chứ chắc chắn, nhà vô địch vẫn còn giấu những bí mật khác.
Ngôi nhà Nadal ở quảng trường Ruby Rector, nhìn ngay sang bên nhà thờ Virgen de los Dolores nổi tiếng ở Manacor, Mallorca, suốt 12 năm qua đã được biến thành một phòng tập thể lực hiện đại với gần 100m2 sàn, khoảng 50 máy móc hiện đại nhất. Trên sân thượng nhà Nadal cũng xếp đầy trang thiết bị tập luyện. Đó là nơi mà Nadal sau khi thức giấc vào khoảng 8h sáng, thực hiện các bài tập nhảy dây và căng cơ.
Rafael Mayo, một trong ba huấn luyện viên thể lực của Nadal, yêu cầu mỗi ngày anh phải bỏ ra vài giờ đồng hồ cho các bước tập luyện này, trong đó có cả hồi phục. Nadal căng cơ bằng một quả bóng cao su to và cả một chiếc máy đặc biệt để đo các thông số về cơ.
Nhà Nadal còn có hai bể bơi, một bể nóng và một bể lạnh có pha nước đá. Nadal sau khi căng cơ, ngâm mình trong cả hai bể này, đầu tiên là nóng. Ngay trong thời gian ở dưới nước, Nadal cũng được Mayo yêu cầu tiếp tục căng cơ.
Khác với phần lớn các tay vợt khác, trong đó có Andy Murray, Nadal không tập các bài chạy 400m. Anh thực hiện nhiều hơn các bài tập aerobic, và đầu gối của Nadal được chú ý nhiều nhất. Mục tiêu của huấn luyện viên thể lực thứ hai, Joan Forcades, là làm sao để Nadal có thể linh hoạt, thay đổi tốc độ, và đổi hướng di chuyển đột ngột một cách mềm mại nhất. Nếu như trong thời gian diễn ra giải, Nadal thường chỉ tập khoảng 3h/ngày. Thì trong gian đoạn chuẩn bị, Nadal nhiều khi chỉ kết thúc tập luyện lúc 11h tối.
Độ dẻo dai là quan trọng nhất trong cơ chế tập luyện của Nadal. Anh tập với một tấm bảng cân bằng, nâng cao khả năng phản ứng của cơ và tăng hiệu quả trong thời gian hồi phục. Các trận đấu của Nadal, không chỉ trên sân đất nện, đường bóng thường kéo dài với hơn 10 lần chạm vợt là bình thường, vì thế độ dẻo dai mang tính quyết định.
Chính vì tập thể lực rất nặng, Nadal còn có một huấn luyện viên thể lực khác nữa, Angel Ruiz Cortorro, và một bác sĩ riêng, tiến sĩ Cotorro, đến từ Barcelona. Tiến sĩ Cotorro chính là người đã chẩn trị chấn thương đầu gối của Nadal và tham gia xây dựng giáo án tập luyện cho “quái vật” người Tây Ban Nha.
Rèn luyện ý chí, nghiêm khắc với bản thânNadal thuận tay phải, nhưng chú và huấn luyện viên Toni Nadal của anh yêu cầu Nadal cầm vợt tay trái để tận dụng những ưu điểm của một “tay chiêu” trước các đối thủ cầm vợt tay phải. Đó không phải là điều duy nhất mà Nadal phải làm.
Nadal vô địch giải U10 Tây Ban Nha. Thành tích đầu tiên ấy khiến cậu bé có mái tóc lúc ấy còn để ngắn hạnh phúc và có chút vênh váo. Nhưng Toni Nadal đã chìa ra một tờ giấy có tên 25 người vô địch U10 Tây Ban Nha qua các năm khác nhau, và hỏi Nadal có biết ai trong số đó? Nadal chỉ biết duy nhất một người, Alex Corretja, tay vợt sau đó từng lọt vào chung kết Grand Slam. Còn 24 người khác, Nadal chịu. Không phải Nadal lười không chịu tìm hiểu, mà 24 người ấy không làm nên trò trống gì về sau. Nadal rút ra bài học: đó mới chỉ là bắt đầu và phải học, phải tập.
Gần đây, Nadal có một câu trả lời được rất nhiều ông bố bà mẹ có con theo học quần vợt in ra và dán vào túi đựng vợt: “Tôi ra sân tập không phải để tập, mà là để học cái mới và nâng cao những cái đã có”. Nadal khi còn bé, dù tập luyện nghiêm túc và miệt mài, nhưng không bao giờ quên đọc sách. Vừa cầm vợt, vừa học kiến thức, nên chỉ tắt đèn đi ngủ lúc 11h đêm.
Nadal chưa bao giờ đập vợt. Trận chung kết Mỹ mở rộng 2010, trước Novak Djokovic chơi với hơn 100% khả năng và quyết tâm, Nadal đôi khi đã lúng túng và xử lý sai ở cả những cú thuận tay sở trường. Nhưng Nadal cũng chỉ lấy tay trái đấm nhẹ vào vợt, còn Djokovic thì vụt vợt xuống cả hai đế giày, rồi nện xuống mặt sân cho tới khi gãy.
Murray tập yoga để rèn sự tập trung, và cố gắng có được sự kiềm chế, lạnh lùng cần thiết, mà anh vẫn chưa đạt được. Nadal không tập yoga, nhưng anh phải ngồi nghe ông chú Toni giảng dạy với những lý lẽ hết sức đơn giản: không được đập vợt, vì vợt không phải là nguyên nhân đánh hỏng, mà chính là do người cầm vợt, và rất nhiều người trên thế giới muốn có một cây vợt để chơi mà không thể. Có một lần, Nadal thua James Blake, rồi phàn nàn, bóng quá mềm, ông Toni đã quát: “Thua. Đi về. Đừng có phàn nàn nữa”, tức là điều kiện thi đấu như nhau, đối thủ cũng thế nên không được phép “đổ vạ”.
Trận chung kết Mỹ mở rộng 2010 bị hoãn một ngày và đứt đoạn một tiếng 35 phút vì trời mưa, nhưng Nadal hầu như không bị ảnh hưởng, dù Djokovic là người được hưởng lợi nhiều hơn từ sự cố khách quan đó. Nadal chỉ thua set hai, rồi thắng nốt set ba và bốn và lên ngôi.
Nadal có thể bắt kịp Federer?Nadal là số một thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng Nadal không ngừng tiến bộ. Điều này có vẻ khác so với Federer, người đã hoàn thiện từ khi 24-25 tuổi và hầu như không thay đổi trong suốt ba, bốn năm qua. Tay vợt người Thụy Sĩ sẽ thi đấu Grand Slam tiếp theo khi đã 30 tuổi.
Thế nên, chí ít, Nadal cũng sẽ thu ngắn được khoảng cách về số danh hiệu Grand Slam (9 so với 16) của Federer.
Những tiến bộ mà Nadal thể hiện trong năm 2010, và tại Mỹ mở rộng vừa kết thúc có thể coi là phi thường, bởi tính trung bình, tốc độ giao bóng đã tăng khoảng 10km so với năm 2009, việc giao bóng trên 200km/h được thực hiện thường xuyên. Cú trái tay của Nadal giờ không kém Murray, Nicolay Davydenko, những người chơi trái tay hàng đầu thế giới. Nadal lên lưới giờ đây cũng hiệu quả và chính xác như một người chuyên bắt volley.
Mà đó đều là những kỹ năng mà người ta từng coi là không thể, giống như việc chấn thương của anh từng bị cho là không thể bình phục hoàn toàn. Thế thì, việc Nadal bắt kịp 16 danh hiệu Grand Slam của Federer cũng không phải là không thể, một khi FedEx cứ dừng lại ở đó.
Phạm Tấn