Sau thảm sát, người Mỹ đổ xô mua… súng!

30/12/2012 08:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cảm giác mất an ninh sau vụ thảm sát trường học mới diễn ra, nỗi sợ về một lệnh cấm súng trường tấn công do chính quyền ban hành... đã là những động lực khiến người Mỹ đổ xô đi mua súng, tạo nên một cơn sốt súng đạn lớn chưa từng thấy ở nước này.

Những chiếc điện thoại tại Red's Trading Post không ngừng đổ chuông. Các khách hàng tiềm năng từ xa xôi tới tận New York muốn biết cửa hàng súng nằm ở Twin Falls, Idaho này còn hàng trong kho hay không. Những người khác gọi tới để tìm hiểu xem hàng của họ đã được chuyển hay chưa.

Ngừng kinh doanh vì khách mua quá đông

Choáng ngợp với nhu cầu khổng lồ, giám đốc cửa hàng Ryan Horsley đã làm điều mà các nhân viên của ông chưa từng mơ tới: ông rút giắc điện thoại và ngừng giao dịch trong 3 ngày trời.

"Chúng tôi phải ngừng mọi thứ. Người ta đã xô nhau tới cửa hàng của tôi và đơn đặt hàng qua mạng cũng liên tục được gửi tới" - Horsley, người có gia đình sở hữu  tiệm bán súng cổ nhất bang này kể từ năm 1936 - cho biết.

Dân Mỹ đổ xô đi sắm súng vì lo ngại an ninh và vì sợ chính quyền tăng cường kiểm soát

Thực tế, điện thoại không chỉ rung lên ở cửa hàng của Horsley mà còn tại mọi tiệm súng khác ở nước Mỹ. Nhu cầu mua súng, đạn, quần áo chống đạn đã tăng lên mạnh kể từ sau vụ thảm sát Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, vào ngày 14/12 làm 20 đứa trẻ và 6 người lớn thiệt mạng.

Bullet Blocker, nơi sản xuất áo giáp, vali và ba lô chống đạn, đã chứng kiến doanh số tăng vọt ngay sau vụ thảm sát. Elmar Uy, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh của công ty ở Massachussets, nói rằng công ty đang bán từ 50-100 chiếc ba lô chống đạn mỗi ngày trong khi bình thường chỉ bán được từ 10 - 15 chiếc mỗi tuần.

"Tôi chưa từng thấy con số như thế này xuất hiện trước đây"- Elmar Uy nói.

Trong khi đó James Zimmerman ở trang web bán súng SelwayArmory.com cho biết doanh số thực sự đã tăng mạnh từ ngày 19/12, khi Tổng thống Barack Obama tổ chức một cuộc họp báo ở Nhà Trắng để thông báo rằng Phó Tổng thống Joe Biden sẽ lãnh đạo một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ đưa ra các "đề xuất vững chắc" để ngăn chặn tình trạng bạo lực do súng gây ra.

Riêng trong ngày đó, một khách hàng đã đặt mua hết 32.000 viên đạn từ SelwayArmory.com, với tổng số tiền là 18.000 USD. Để chuyển hàng cho khách, công ty đã phải thuê một xe container và chở số đạn từ Montana tới Kentucky.

"Trong một tuần sau ngày 19, tôi tiếp tục bán được lượng hàng nhiều hơn cả năm kinh doanh" - Zimmerman nói.

Tiệm súng lẫn chính quyền đều quá tải

Vụ nổ súng ở Newtown đã làm dấy lên những lời kêu gọi kiểm soát súng, đặc biệt là các loại súng tấn công kiểu Bushmaster AR-15 và những khẩu súng ngắn với băng đạn chứa nhiều viên mà sát thủ sử dụng tại Newtown và trong vụ thảm sát rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado hồi đầu năm. Viễn cảnh bị cấm vũ khí đã khiến những người mê súng trên toàn Mỹ đổ xô nhau đi mua gom tích trữ.

Hậu quả là các khẩu súng trường hiện đang được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt tại Mỹ. Trong khi đó các viên đạn cỡ 5,56mm, giống loại sử dụng trong khẩu Bushmaster AR-15, đã trở nên rất khan hiếm. Các cửa hàng thì chật vật tìm nguồn cung. Tình hình càng thêm tồi tệ khi các nhà sản xuất súng đạn cho các đại lý biết rằng họ phải chờ hàng tháng mới có thêm hàng để bán.

Các chủ cửa hàng đã bán súng trong nhiều năm nói rằng họ chưa từng thấy dân Mỹ sốt súng kinh khủng như thế này. Khi được hỏi doanh số đã tăng lên bao nhiêu trong vòng mấy tuần qua, Horsley chỉ cười. "Chúng tôi thậm chí còn chẳng có cơ hội nào để nhìn vào sổ sách" - ông nói.

Horsley cho biết giờ đây ông đang rất bận rộn với việc gọi điện tới các nhà sản xuất ở Mỹ để tìm cách mua thêm súng đạn cho cửa hàng. Thương thì họ sẽ bảo ông phải chờ.

“Người ta hiện đang thèm súng hơn bao giờ hết” - chủ cửa hàng Lady Liberty, Guy Petinga, nhận xét

Franklin Armory, một công ty sản xuất súng tại Morgan Hill, California, đã thông báo với các đại lý rằng sẽ phải mất 6 tháng công ty mới hoàn thành được các đơn đặt hàng của khách. Chủ tịch Franklin Armory Jay Jacobson tiết lộ rằng công ty đã có kế hoạch thuê thêm nhân công và mua thêm máy móc để đáp ứng cho nhu cầu tăng lên đột biến.

Không nơi nào công bố công khai thông tin bán súng. Cách duy nhất để đo đếm số lượng súng bán được là thông qua hoạt động kiểm tra lý lịch, đã diễn ra khi ai đó muốn mua súng. Các con số này được Cục Điều tra Liên bang (FBI) công bố mỗi tháng. Dữ liệu trong tháng 12 chưa được công bố, nhưng FBI nói rằng họ đã thực hiện 16,8 cuộc kiểm tra lý lịch trong cuối tháng 11, tăng 2% so với 1 năm trước đây.

Cục điều tra Colorado, nơi chịu trách nhiệm kiểm tra lý lịch tại bang, đã bị quá tải trước số lượng khổng lồ các đề nghị kiểm tra gửi tới. Cục đã phải rút thêm người từ các đơn vị khác và tăng giờ làm việc để đáp ứng với nhu cầu của người dân.

"Thèm súng hơn bao giờ hết"

Tình trạng thiếu hàng đã khiến nhiều người mê súng phải hậm hực chịu cảnh tay không rời tiệm súng.

William Kotis là một ví dụ. Ông đã tới một hội chợ súng ở Winston-Salem, Bắc Carolina, vào cuối tuần trước với hy vọng mua được một khẩu súng trường về tập bắn. Nhưng gần như mọi cây súng trường ở hội chợ đều đã bán sạch sẽ.

"Súng trường được bán nhanh kinh khủng khiếp. Mọi người đều đang tích trữ" - Kotis, người là chủ tịch một công ty bất động sản cho biết. Ông đã phải chấp nhận rời hội chợ mà chẳng mua được thứ gì.

Trong một ví dụ điển hình cho thấy cơn sốt súng đã cao tới đâu, Hãng tin AP cho biết tại cửa hàng súng Lady Liberty Gunsmithing LLC ở Atlantic City, New Jersey, một khách hàng đã gọi tới đây trong tuần trước để hỏi xem có còn khẩu súng ngắn anh ta thích hay không. Khi nhận được câu trả lời rằng chỉ còn có mỗi một khẩu nữa là hết, anh ta đã không ngần ngại lái xe liền 2 giờ đồng hồ từ Newark tới để trả tiền và mang súng về nhà ngay trong ngày.

"Người ta hiện đang thèm súng hơn bao giờ hết" - chủ cửa hàng Lady Liberty, Guy Petinga, nhận xét.

Tường Linh (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm