Châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất

28/12/2021 08:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 28/12, thế giới đã ghi nhận 281.636.237 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 5.422.116 ca tử vong. Hiện có 250.858.345 ca đã bình phục. Trong số hơn 25,3 triệu ca đang điều trị, có 88.767 ca bệnh nặng.   

Mỹ cảnh báo biến thể Omicron có thể khiến các bệnh viện quá tải

Mỹ cảnh báo biến thể Omicron có thể khiến các bệnh viện quá tải

Cố vấn y tế Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 26/12 dự báo làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra có thể làm tiêu tan những nhận định cho rằng biến thể này gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, thậm chí khiến cho các bệnh viện trở nên quá tải.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khiến số ca COVID-19 tại một số nước tăng cao và nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới ghi nhận ngày 27/12 tại nước này đã vượt 2.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng và hiện đã chiếm 50% tổng số ca bệnh đang điều trị.

Chính phủ Israel đã yêu cầu các bệnh viện trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng quá tải do biến thể Omicron vẫn có nhiều dấu hiệu tiếp lan truyền, đặc biệt là trẻ em từ 5-11, đối tượng có tỷ lệ được tiêm phòng thấp nhất hiện nay. Các bệnh viện đã được lệnh bổ sung 300 giường bệnh, cộng thêm 40 giường chăm sóc tích cực.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường các biện pháp khống chế sự lây lan biến thể Omicron trong cộng đồng nhưng vẫn linh hoạt một số giải pháp để không ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh biện pháp tầm soát để sớm phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.

Chính phủ đã cấp phép xét nghiệm miễn phí tại khu vực lân cận với các địa phương đã xác định có ca nhiễm biến thể Omircon trong cộng đồng. Do đó, người dân tại các tỉnh giáp với Tokyo, Osaka, Kyoto, Fukuoka, Okinawa nếu cảm thấy nghi ngờ mắc COVID-19, sẽ được khuyến khích đến các cơ sở y tế để xét nghiệm PCR và toàn bộ chi phí xét nghiệm được nhà nước chi trả.   

Trong khi đó, Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào đúng dịp lễ Giáng sinh, khi số người mắc mới đã tăng rất mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, giới chức đã quyết định không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học..., thay vào đó, Pháp sẽ mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện. Cụ thể, trong vòng 3 tuần kể từ ngày 3/1/2022, các sự kiện quy mô lớn sẽ chỉ được giới hạn ở mức 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời.

Các buổi hòa nhạc ngoài trời hoàn toàn bị cấm. Việc tiêu thụ đồ ăn và thức uống trong rạp hát, rạp chiếu phim và trên phương tiện giao thông (kể cả khi đi đường dài) cũng không được phép. Tùy tình hình diễn biến dịch, lãnh đạo các địa phương có thể quyết định việc bắt buộc sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hay không. Đối với các cơ quan, công sở hay công ty, doanh nghiệp, hình thức làm việc từ xa phải được áp dụng với mức tối thiểu là 3 ngày/tuần, thậm chí 4 ngày nếu như có thể sắp xếp được.   

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bologna, Italy. THX/TTXVN

Chính phủ Italy đang xem xét việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Theo quy định hiện nay, những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phải tự cách ly trong 7 ngày nếu họ đã tiêm vaccine và trong 10 ngày nếu họ chưa tiêm phòng.

Từ ngày 10/1 tới, thời gian giữa mũi thứ 2 và mũi tăng cường giảm từ 6 tháng, xuống còn 4 tháng. Giới chuyên gia Italy dự báo số ca COVID-19 tại nước này sẽ tăng trong tháng 1/2022 và nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 4 phòng COVID-19 cho người dân sớm nhất vào tháng 5/2022.   

Tương tự, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly được khuyến nghị đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. CDC Mỹ khuyến cáo sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cập nhật khuyến nghị về thời gian cách ly đối với những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã tiêm được 6 tháng liều vaccine theo công nghệ mRNA thứ hai, hoặc hơn 2 tháng sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson loại một mũi. Cụ thể, trong trường hợp những người này bị phơi nhiễm COVID-19, họ phải cách ly 5 ngày và sử dụng khẩu trang nghiêm ngặt trong 5 ngày tiếp theo. Đối với những người đã tiêm chủng và tiêm liều tăng cường, CDC Mỹ cho biết không cần phải cách ly, nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm.   

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hiện châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với 100,5 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 36% số ca bệnh trên toàn thế giới và 2,4 triệu trường hợp tử vong, chiếm 45% tổng số ca tử vong trên thế giới.

Trần Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm