Gia đình Anh Quân - Mỹ Linh rời phố ra ngoại thành để sống chậm và gần gũi thiên nhiên trong không gian khu vườn 13.000m2. Bỏ lại những hư danh ngoài cánh cổng, trong ngôi nhà tràn ánh sáng trời và nồng nàn hoa cỏ, gia đình năm người của họ an hòa trong niềm hạnh phúc rất đỗi bình dị.
Mỹ Linh tự ví mình như góc bếp giữ cho ngôi nhà luôn ấm. Nhìn chị làm vườn, dọn nhà, nấu cơm, chăm chút chồng con như mọi người đàn bà tảo tần, tôi tin lời chị: “Thành tựu của đời tôi là các con chứ không phải chuyện ca hát”.
Không có công thức cho hạnh phúc
* Khi kết hôn với nhạc sĩ Anh Quân, Mỹ Linh mới 23 tuổi: quá trẻ, lại vừa bắt đầu khẳng định vị trí ngôi sao số một của nhạc nhẹ. Vì thế, nhiều người đã nghĩ chị dại, khi lấy một người từng có con riêng. Mẹ chị đã phản ứng thế nào trước lựa chọn hôn nhân của con gái mình?
- Tôi luôn tin rằng để hai con người đến được với nhau, chia sẻ cuộc đời cùng nhau là do duyên phận.
Tôi không lấy chồng theo tiêu chí giàu có hay nổi tiếng. Tôi chọn anh Anh Quân đơn giản vì tôi yêu anh ấy, yêu âm nhạc của anh ấy, yêu những vẻ đẹp trong anh mà tôi nhìn thấy và tin cậy.
Một điều quan trọng nữa là tôi thấy anh rất yêu Anna. Một người đàn ông yêu con chắc chắn sẽ là người đàn ông tốt của gia đình.
Mẹ tôi chỉ nói: “Mẹ tin người chí thú với con cái như Anh Quân không phải dạng người “mây gió”, cậu ấy sẽ tận tụy với gia đình. Đàn ông như thế lấy làm chồng được”. Sau này, thực tế hôn nhân đã xác nhận những linh cảm của tôi và mẹ là đúng.
* Hôn nhân của Mỹ Linh - Anh Quân đã được 12 năm, giai đoạn khó khăn nhất là khi nào? Anh chị đã làm gì để vượt qua?
- Sau khi mới kết hôn là giai đoạn cam go nhất. Cả hai còn đang nhìn nhau đầy màu hồng, sống chung bỗng phát hiện “đối phương” cũng có nhiều tật xấu, rồi xung đột về cá tính đến mức kinh hoàng.
May là chúng tôi được sự vun đắp của gia đình và những người bạn lớn tuổi.
Họ có trải nghiệm để chia sẻ với mình cách nhìn cuộc sống độ lượng, rộng rãi hơn. Sau mỗi va chạm, chúng tôi thấm thía hơn về nghệ thuật chung sống, sự nhường nhịn, biết ứng xử với “đối phương” thế nào cho phải.
Phải hiểu, vợ chồng xung đột là tất nhiên, để yêu thương hơn chứ không phải để tan nát.
Mỹ Linh và các con gái
* So sánh này có thể khập khiễng: làm mẹ và làm vợ, cũng như việc hát, ngoài bản năng tốt còn cần sự thông minh và kỹ thuật. Mỹ Linh đã học để giữ ngọn lửa ấm trong gia đình như thế nào?
- Đời sống hôn nhân rất phức tạp, không thể có công thức cho hạnh phúc, bởi mỗi chặng đường của đời người và của một gia đình là những khó khăn khác nhau.
Tôi luôn tin, để giữ gìn lửa ấm trong gia đình, phu thê phải tương kính như tân, lúc nào cũng trân trọng giữ lễ với nhau, chứ không thể đã là vợ chồng rồi thì đầu bù tóc rối, cư xử suồng sã.
Những việc nghĩ đến nhau có khi rất đơn giản: phần mình là mâm cơm ngon khi chồng về muộn, mang cốc nước mát khi anh ấy mải làm…
Còn tôi, thỉnh thoảng “lịm người” vì những quan tâm nho nhỏ thế này: một sáng thức dậy thấy bên đầu giường đĩa CD của ca sĩ mình đang thích. Vợ chồng tỏ bày tình yêu, có khi chỉ yên lặng thế.
Học làm vợ, nuôi mỗi đứa con cũng là những trải nghiệm khác nhau, không thể lấy ứng xử và kinh nghiệm của con lớn áp vào con bé, bởi mỗi đứa trẻ là một cá nhân khác biệt, không lặp lại. Tôi nhận ra, khi mình mong muốn và thực sự yêu thương, trái tim sẽ hướng dẫn mình làm được mọi điều.
* Hôn nhân đã dạy chị điều gì?
- Hôn nhân cho tôi hiểu, trên đời không có ai là người hoàn hảo. Chỉ có thể có được một gia đình tốt đẹp khi những cá nhân không hoàn hảo tìm được cách hòa hợp với nhau.
Hòa hợp chỉ có được khi sự thấu hiểu, cảm thông và hy sinh đến từ mỗi người. Tình yêu thương giữa hai người bạn đời không thể đến một phía, mà là sự tương tác, nâng đỡ nhau.
Từ hôn nhân, nhìn ra những mối quan hệ khác, tôi đã có cách ứng xử độ lượng và rộng rãi hơn, không còn những đòi hỏi ích kỷ, vô lý.
Tôi và anh ấy đều rất khó tính và kỹ lưỡng, chúng tôi cùng đòi hỏi “đối phương” phải chỉn chu và tốt hơn trong quá trình chung sống.
Bản thân tôi được như ngày hôm nay là nhờ “áp lực” khó tính của chồng. Những cái chi li trong đời sống hàng ngày thì tôi uốn các con, nhưng nếp nhà có được là do chồng tôi - anh ấy nghiêm khắc, là “rường cột” để bốn mẹ con nương tựa, nghe theo.
Nhìn cuộc đời qua đôi mắt các con
* Mỗi bậc bố mẹ đều có “tính xấu”, người lớn có nên tiết lộ với con trẻ “chân dung thực” của mình hay không?
- Tôi phản đối chuyện che giấu. Con cái nên nhìn nhận bố mẹ đúng như con người họ vốn có. Không nên tô hồng mọi thứ để ngày nào đó con mình phải thất vọng vì mọi chuyện không đẹp như nó đã nghĩ.
Tôi chọn cách cho con mình nhìn nhận mọi sự đa chiều, hay - dở; yêu - ghét đều có trong nhau như hai mặt của đồng xu.
Tôi bảo các con, trong cuộc sống chỉ có thể chọn cái ít xấu hơn, chứ không thể chọn được cái hoàn hảo.
* Chị có thấy yêu một đứa bé khi mình chưa làm mẹ dễ hơn khi mình phải dành tình yêu cho các con đẻ của mình?
- Điều này lại rất sai!
Chỉ khi mình làm mẹ, mình mới yêu con trẻ được trọn vẹn.
Khi có con, tôi mới hiểu Anna thiệt thòi như thế nào khi thiếu hơi ấm của mẹ đẻ.
Đặc biệt, khi sinh bé Mỹ Anh tôi mới biết với bé gái - người mẹ cần phải như thế nào và đứa con cần gì ở người mẹ.
Nên sau khi có con, xu hướng tình cảm tự nhiên của tôi là muốn bù đắp thương yêu cho Anna.
* Chị có phải tỏ ra công bằng với các con, trong khi lẽ thường bố mẹ hay thiên vị một đứa con nào đó?
- Đầu tiên thì cũng có “chỉ đạo” trong đầu là phải công bằng nhưng khi tình cảm đã đạt tới mức máu thịt, giản dị là phải yêu thương như thế - tự dưng mọi giữ kẽ sẽ biến mất.
Tất nhiên ứng xử luôn cần sự tinh tế, trong hoàn cảnh của tôi càng khó khăn. Tôi đã chọn cách dạy các con nghiêm khắc từ khi chúng rất bé, yêu không có nghĩa là được chiều chuộng vô lối, mắng không có nghĩa là ghét bỏ.
Cũng có những lúc tôi mắng oan đứa nọ đứa kia, nhưng khi nhận ra mình sai, tôi xin lỗi con ngay. Các con tôi hiểu vì lý do nào đấy mà có lúc bị mẹ quát, nhưng chúng luôn biết mẹ rất yêu chúng.
* Chị muốn hai con gái mình trở thành người phụ nữ như thế nào?
- Nữ tính là điều đầu tiên. Chúng phải biết mình muốn gì và thực hiện điều mình muốn như thế nào.
Đối với mỗi cá nhân, nhận thức là quan trọng nhất, khi biết điều đúng - người ta sẽ đi đường đúng.
Tôi cũng dạy con phải biết thu vén, những gì có thể tiết kiệm được thì cần tiết kiệm.
Tiết kiệm không phải cho mình, nhìn xuống những người khổ hơn, mình hoang phí là có tội.
Sống chia sẻ và biết ơn là điều vợ chồng tôi cố gắng hướng các cháu đến. Nếu con mình là người ích kỷ, chúng sẽ vô cùng bất hạnh, vì người ích kỷ đáng ghét lắm, không ai sống chung được.
Ra đời, đâu có ai yêu chúng vô điều kiện như bố mẹ để bỏ qua tính ích kỷ, khó chịu của chúng.
* Các bé nhà chị hẳn rất biết “quyền lực” của bố mẹ chúng?
- Các con tôi trong sáng đến… ngố, chúng chỉ biết bố là nhạc sĩ, mẹ là ca sĩ, chứ hoàn toàn không nghĩ bố mẹ mình là sao này sao nọ.
Tôi thường chia sẻ với các con những khó khăn của bố mẹ, như mọi gia đình khác. Vợ chồng tôi cố gắng cho con học mức tốt nhất, còn ăn mặc và sinh hoạt thì giản dị. Anna đã là thiếu nữ mà chưa biết quan tâm đến quần áo đắt tiền, cần tiêu gì mới rụt rè xin mẹ vài trăm ngàn. Mỹ Anh thì thấy việc mình mặc thừa đồ của chị là hết sức bình thường.
* Với điều kiện kinh tế của anh chị, có nhất thiết phải “sắt đá” với bọn trẻ đến mức ấy?
- Chính Anna có lần hỏi tôi: “Nhà mình có cần phải khó đến mức đó không mẹ?”.
Nhưng tôi muốn các con phải biết quý trọng đồng tiền lao động của bố mẹ và biết được giá trị thực của đời sống.
Để trẻ con nghĩ vật chất là niềm vui thì chết!
Một đứa trẻ được đáp ứng hết mọi yêu cầu, luôn đầy đủ, chưa kịp thèm đã được bố mẹ dâng tận tay, chưa kịp đói đã có người cho ăn… sẽ bị rơi vào một bất hạnh khác: bất hạnh của người không biết đến thiếu thốn.
Tôi nhớ hồi bé, tôi chờ đợi cả năm để được may một chiếc quần mới, khi có chiếc quần, tôi hạnh phúc đến hàng tháng.
Ngược lại, nếu hồi bé, tôi nhiều quần áo không kể xiết, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có được niềm vui sướng khi được mặc quần áo mới.
Cuộc sống phải có thiếu thốn để biết ước mơ và để có được cảm giác hạnh phúc khi ta đạt tới ước mơ của mình.
Khi bố mẹ tìm cách đáp ứng hết mọi nhu cầu của trẻ, cũng là khi bố mẹ đã tước đoạt đi niềm vui được nhận, được thèm thuồng và ước mơ của con. Vì thế, vợ chồng tôi đã đồng lòng: không bao giờ cho con điều gì dễ dàng.
* Anna, Anh Duy, Mỹ Anh hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành “em bé của showbiz”. Xét ở góc độ nào đó thì hình ảnh “em bé showbiz” rất có lợi trong việc PR cho bố mẹ và không ít nghệ sĩ đã dùng chiêu này để làm nóng tên tuổi. Chị nghĩ thế nào khi quyết định “rào giậu” con thật kỹ để chúng là những đứa trẻ bình thường?
- Tôi sống trong môi trường showbiz nên hiểu sự kinh khủng của dư luận - nó có thể nâng người ta lên và cũng có thể vùi người ta xuống bùn đen.
Khi con tôi chưa đủ sức tự vệ, chắc chắn tôi chưa cho xuất hiện. Dấn thân sớm vào showbiz tội nghiệp lắm, hay ho gì đâu.
Những em bé bị quan tâm quá sớm, sống trong hào quang ảo tưởng quá sớm rất nguy hiểm. Không biết mình là ai đã là điều đáng sợ, nhưng tưởng mình là ai càng đáng sợ hơn.
* Làm mẹ cho chị điều gì?
- Người phụ nữ sung sướng hơn đàn ông là họ được làm mẹ.
Được mang thai, được đau đẻ, được chứng kiến con mình lớn lên từng ngày - đó là hạnh phúc ông Trời tặng riêng cho người đàn bà.
Khi có con, với người mẹ, cả thế giới thay đổi - tôi nhìn cuộc đời qua đôi mắt các con.
Vì thế, tôi được thấy đời sống đẹp hơn, đáng tin yêu hơn. Từ hạnh phúc của các con mình, tôi nhìn xuống thiếu thốn của những em bé khác để sống rộng lượng và có trách nhiệm.
Theo Phụ nữ