Mỹ Linh: Từ hiện tượng đến Diva

12/07/2011 09:22 GMT+7 | Âm nhạc

Từng là một hiện tượng gây cơn “địa chấn” âm nhạc trong Nam ngoài Bắc với “Trên đỉnh Phù Vân”. Cũng từng nếm đòn đau dư luận trước khi yên vị trên chiếc ghế diva nhạc Việt. 15 năm với nghề và 15 năm Mỹ Linh tồn tại như một ngôi sao bền bỉ.


Trái tim nóng và cái đầu lạnh

- Đã hơn 15 năm thành danh, chị cảm thấy điều gì đáng được gọi là kinh nghiệm quý giá nhất của một giọng ca - ngoài  giọng hát bẩm sinh?

- Kinh nghiệm tôi có được sau chừng ấy năm có lẽ là sự tỉnh táo để biết mình muốn gì. Nói như vậy nghe có vẻ hơi nghịch lý vì ai cũng nghĩ nghề này luôn cần sự bay bổng, nhưng với riêng tôi, sự bay bổng là cần thiết chỉ khi bạn ở trên sân khấu hay trong phòng thu. Còn nói chung, khi tôi làm việc thì điều quan trọng mà tôi rút ra được là luôn cần biết và hiểu rõ mình muốn gì để chọn êkíp phù hợp. Nghề hát hay nghề trình diễn luôn cần một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Trái tim nóng để bạn hát với nhiều xúc cảm, còn cái đầu lạnh để bạn có thể biết mình đang làm gì và có thể tiết chế được sự thái quá trong cảm xúc. Sự thái quá này có thể đến với bất cứ ai, và riêng với nghệ sỹ như chúng tôi thì đến rất thường xuyên. Chính vì lẽ đó, sự cân bằng luôn là cần thiết.

- Khi còn vô danh, chị đã nghĩ đến những con đường nào để dấn thân vào âm nhạc?

- Khởi đầu của tôi cũng không khác với các bạn trẻ bây giờ, tham dự những cuộc thi hát, tham gia các ban nhạc trẻ. Nói chung cũng phải tìm kiếm từng cơ hội cho mình. Thế nhưng tôi không nghĩ mình đã đủ khôn ngoan, chín chắn và có nhiều điều kiện như các bạn trẻ bây giờ đâu. Mặc dầu vậy, cái được của tôi khi đó và cả bây giờ nữa là tôi luôn giữ được sự trong sáng trong tính cách cũng như giọng hát. Tôi nghĩ chính điều đó làm cho tôi hay gặp may mắn, để gặp được những người thầy lớn giúp tôi lựa chọn những gì đúng đắn cho mình vào những thời điểm quan trọng làm thay đổi cuộc đời tôi.

- Lúc đó ngoài những yếu tố bẩm sinh, chị chọn cách nào để nuôi dưỡng giọng hát?

- Tôi chọn vào học thanh nhạc một cách bài bản trong Nhạc viện Hà Nội (bây giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia). Tuy thế, ngay cả trong lúc học, không phải tôi đã vội tin ngay những gì thầy cô dạy tôi đâu. Đấy là bản tính ham học hỏi và bướng bỉnh của tôi. Cũng với bản tính ngang bướng đấy mà tôi được nhiều nhưng cũng phải trả giá nhiều lần. Nhưng tôi thích thử thách bản thân. Và nói chung nếu phấn đấu đường dài để được một cái lớn mà bền lâu, tôi sẽ sung sướng hơn là được những cái nhỏ nhưng chóng qua.

- Chị đã từng được nhắc đến như một hiện tượng, được tung hô và cũng... được nhiều lần nếm đòn dư luận. Vượt qua nó chị đã cần đến những điều gì?

- Tôi nghĩ không thể dễ dàng mà học ngay được việc chung sống với dư luận trong nghề nghiệp của tôi. Bây giờ tôi đủ lớn để biết mình ở chỗ nào và giá trị của mình ở đâu, thành ra cũng dần tránh được những cú sốc kiểu như vậy.

Tôi nghĩ người nghệ sỹ cũng cần biết cách tự bảo vệ mình trong thời đại mà mọi thứ dù chưa biết thật hay giả, cứ tất tật được phơi bày trên mặt báo mỗi ngày. Cách người ta làm truyền thông bây giờ quả là nguy hiểm. Đôi khi những gia đình hạnh phúc có thể lập tức tan vỡ hoặc những cá nhân bị ném đá tơi bời chỉ vì những thông tin thiếu kiểm chứng. Tôi vẫn luôn tự nhủ cần phải giữ gìn cho bản thân và cho gia đình, đặc biệt là trong thời buổi bây giờ.

- Quãng đường từ một "hiện tượng" trở thành một diva, theo chị cần gì?

- Tôi nghĩ cái khó nhất có lẽ là tôi đã dám làm điều mình muốn. Tôi làm gì luôn theo sự mách bảo của trái tim trước rồi mới tới sự cân nhắc lý trí.

Phải học cách chờ đợi

- Chị có bao giờ bị choáng bởi hào quang? Bởi những "Trái tim không ngủ yên", "Chị tôi", "Hà Nội đêm trở gió" và đỉnh điểm là "Trên đỉnh Phù Vân" đã cho chị đủ thứ: danh vọng và tiền bạc?

- Tôi không nhớ lắm rằng có lúc nào mình từng bị choáng hay không, nhưng mọi thứ đến với tôi cho dù nhanh cũng chưa bao giờ đủ biến đổi tôi thành con người khác. Tôi cũng muốn nói thêm là những bài hát mà anh nói lúc đó khiến tôi rất nổi tiếng nhưng nó không mang lại tiền bạc cho tôi đâu. Tôi kết hôn với Anh Quân lúc đó, tài sản giá trị nhất mà tôi có là một chiếc xe máy Dream II. Chúng tôi lấy nhau có thể coi là bắt đầu từ con số 1 (Nói là số 0 thì không đúng nhưng số 1 thì chính xác). Anh Quân lúc đó mới về nước, đã mang hết những gì anh ấy hiểu biết và học được từ châu Âu để áp dụng vào trường hợp của tôi.

Những gì mà lúc đó chúng tôi bắt đầu gọi là sự chuyên nghiệp. CD nhạc có ngôn ngữ, phong cách riêng, những tour diễn mang tên tôi và ban nhạc. Khởi đầu chúng tôi bị phản ứng dữ dội lắm chứ, nhưng chúng tôi cứ kiên trì. Cứ đi rồi sẽ thành đường. Tất cả những bước đầu tiên đó, ý tưởng luôn bắt đầu từ Anh Quân bởi anh ấy là chồng tôi và lo lắng cho sự nghiệp của vợ mình. Rồi anh ấy mang Huy Tuấn đến và chúng tôi hình thành êkíp đầu tiên.

Kể từ đó, chúng tôi không đi làm thuê cho các hãng đĩa nữa mà tự xây dựng êkíp và sự nghiệp cho mình. Việc tách ra làm riêng đó có cái khó là mình phải tự bỏ tiền túi đầu tư, có nghĩa là lời thì ăn mà lỗ thì tự chịu. Nhưng cái được là mình được làm những gì mình ấp ủ, không bị chi phối bởi người bỏ vốn. Như vậy là sản phẩm âm nhạc nó là của mình từ ý tưởng tới khi hoàn thành. Cái đó rất quan trọng trong việc định hình một phong cách nhạc. Đến bây giờ tôi vẫn rất tự hào vì những bước đi đầu tiên ấy.

- Phải chia tay với những gì đã tạo ra tên tuổi của mình trước đó, quyết định ấy với chị có khó khăn không?

- Tôi đã từng tìm kiếm những gì phù hợp với mình để có sự khác biệt, có một tiếng nói khác trong ngôn ngữ âm nhạc lúc đó. Nên khi gặp được êkíp của mình thì cái khó của tôi không phải từ phía tôi chưa tin tưởng ở bản thân mình, mà cái khó hơn là tôi phải thuyết phục để anh Quân và anh Tuấn tin rằng, tôi không chỉ hát thành công nhạc dân gian đương đại mà còn có thể hát thể loại soul và funky nữa.



- Một cuộc chuyển mình quyết liệt đến mức phải chịu không ít “đòn oan”! Xin hỏi, giờ đây nhìn lại, chị có thấy… “giận” công chúng?

- Tôi nghĩ công chúng luôn có sức mạnh để tạo nên các hiện tượng. Bản thân tôi cũng trưởng thành từ tình yêu của công chúng. Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ khán giả thì luôn nhiều chiều, mà nghệ sỹ lại rất cần thể hiện bản sắc riêng để khẳng định sự khác biệt. Và nói cho cùng, nếu không có sự khác biệt ấy thì người nghệ sỹ cũng chỉ là những bản copy mờ nhạt mà thôi.

- Phải công nhận một điều rằng, nếu không có cuộc chuyển mình dũng cảm ấy, chị đã không được công nhận một vị trí vững chắc của một diva Việt. Vị trí ấy hẳn mang lại cho chị một thành quả tinh thần đấy chứ?

- Đúng là như vậy! Sau những gì trải qua, tôi đã học được nhiều điều và bài học lớn nhất theo tôi là cần phải biết chờ đợi. Mọi thứ cần có thời gian, tôi và êkíp đã biết đợi đến ngày khán giả nghe nhạc của mình. Điều đó quả là nhiều ý nghĩa!

- Có một điều đặc biệt trong 4 diva, chỉ có mình chị là từng vươn đến vị trí số 1 cả trong thị trường âm nhạc nói chung (nếu chọn thước đo là cát-sê của những Phương Thanh hay Mỹ Tâm sau này). Và ngay cả bây giờ, khi tôi thấy các diva khác rất kén khách thì chị vẫn là một ca sĩ đắt show bậc nhất. Xin hỏi, cách chị đã dung hòa hai con đường chuyên môn và thị hiếu là gì?

- Chúng tôi chưa bao giờ tính toán xem làm thế nào để dung hòa giữa chuyên môn và thị trường như anh nói đâu. Thực tế không có sự khác biệt ấy. Phương Thanh hay Mỹ Tâm có lượng khán giả hùng hậu và cái các bạn ấy nhận lại là phần thưởng đúng với giá trị riêng của mình vì các bạn ấy luôn có khán giả riêng của mình. Và tôi cũng vậy, một khi tôi vẫn là ca sỹ đắt show bậc nhất là bởi vì khán giả vẫn còn muốn nghe tôi hát, không thể là cái gì khác. Nhà sản xuất họ không mời tôi hoặc Mỹ Tâm, Phương Thanh hay nhiều ca sỹ khác nữa… chỉ vì chúng tôi dễ thương. Họ mời chúng tôi vì chúng tôi có công chúng của mình và họ có thể kiếm lời từ việc đó.

Tôi nhận thấy trong công việc mình, hãy cứ làm hết sức mình, hết tâm mình rồi thì tiền bạc, vật chất sẽ đến sau, khi bạn có sản phẩm tốt và có khách hàng của mình. Với nghề của tôi thì đó chính là người nghe nhạc. Chính vì thế, tôi luôn biết ơn người nghe nhạc, biết ơn khán giả của mình. Vì không có khán giả làm sao có ngôi sao được!

Đôi khi cũng tự cho mình được quyền “đỏng đảnh”

- Trong quãng thời gian 3 năm trở lại đây, chị làm việc với một tinh thần rất mệt mỏi nhưng vẫn chạy show đều đặn. Xin hỏi, chị đang gắng gượng một điều gì cho cá nhân và cho người xem?

- Tôi nghĩ ai cũng có lúc có những tâm trạng khác nhau, lên và xuống, lúc này lúc khác, âu cũng là chuyện thường. Tôi có một nghề hát và không làm nghề ấy thì tôi còn biết làm gì? Đó là niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, cuộc sống của tôi, và cả sự chán chường đôi lúc nữa. Đôi khi tôi cũng tự cho mình quyền đỏng đảnh với bản thân một chút, để thấy mình cũng còn nhỏ bé một tí và đáng yêu một tí. Phụ nữ thỉnh thoảng kêu ca một tí, có khi không phải sự chán nản thật sự đâu mà có thể chỉ là sự hờn mát để gây chú ý với người bên cạnh.

- Từng nỗ lực “mang chuông đi đấm” và đạt được những thành quả nhất định, chị nhìn nhận thế nào về những bước đi khó khăn ấy, không chỉ với chị?

- Là người đã thực sự đi, thực sự đến, tôi hiểu rằng: Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Và để làm được thì còn khó hơn vô vàn.

Có thể coi là người đi trước, trải qua những khó khăn và đòi hỏi khắt khe để có thể có 3 đĩa hát phát hành tại thị trường Nhật Bản, chúng tôi rất tự hào với những thành quả tuy không lớn với mọi người (có thể) nhưng vô cùng ý nghĩa với chúng tôi.

- Bây giờ chị không còn trẻ, không còn nhiều năng lượng như thời còn đôi mươi. Xin hỏi sự trải nghiệm, đằm thắm của một diva và sự năng nổ nhiệt huyết cống hiến của một tài năng trẻ, bên nào nặng ký hơn?

- Có câu nói "khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già". Vậy cho nên, mỗi thời điểm lại có cái hay riêng, làm sao nói cái nào hay, cái nào kém hay hơn được?



- Những cuộc trình làng album mới của chị hao tốn năng lượng thế nào, có là xa xỉ không khi mà như chị nói: Không hy vọng thu được lời từ việc bán đĩa?

- Đúng là chúng tôi không kiếm tiền được bằng việc bán CD. Trong thực tế, nếu bản quyền được bảo vệ thì tôi đã giàu rồi. Này nhé, nếu mỗi album ít nhất bọn tôi được 15.000 đồng thì thử hỏi suốt hơn mười năm qua với lượng CD phát hành đến cả hàng trăm ngàn bản, có thể còn gấp nhiều lần hơn thế thì liệu tôi có cần chạy show nhiều đến thế hay không?

Hay là tôi chỉ cần nhận hát trong những chương trình nghệ thuật thôi, và để dành thời gian, tâm sức cho những CD tiếp? Tôi cũng muốn ngồi trong phòng thu, hát nắn nót những bài hát mới thật hay rồi nghỉ ngơi lắm chứ, hơn là tối nào cũng phải chạy Nam chạy Bắc hát đi hát lại bằng cổ họng của mình.

Muốn được làm chú rùa cần mẫn

- Tôi cảm thấy dường như con đường của chị ngày càng chậm lại vì chị khó khăn tìm kiếm những ca khúc mới vừa vặn với con đường, phong cách âm nhạc chị theo đuổi?

- Nếu đó là sự thật thì là quy luật rồi. Tôi là người duy lý và tôi không thích mình đi ngược lại quy luật mà không ai có thể ra ngoài quy luật ấy. Tre già măng mọc mà! Tôi luôn hiểu rất rõ ràng điều đó nên tôi không bao giờ vội vàng chạy đua với các bạn trẻ. Thì đã bảo “khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già” mà! Chắc anh còn nhớ chuyện ngụ ngôn “Thỏ và rùa” chứ? Tôi muốn được làm chú rùa cần mẫn ấy đấy!

- Chị nghĩ nếu để chị hát đủ thứ như thời mới vào nghề, liệu chị tồn tại được đến bây giờ với nghề không? Theo chị, tác phẩm nào trong giai đoạn trước là có giá trị thực sự về âm nhạc để sau này chị vẫn có thể hát lại?

- Để có một ngày đủ tự tin để không hát đủ thứ thập cẩm thì tôi cũng phải trải qua giai đoạn tìm kiếm những gì mình yêu thích. Tôi trân trọng những gì mình đã có, đang có bởi vì tất cả những cái đó đều làm nên tôi bây giờ, không thể thiếu bất cứ phần nào cả. Giờ tôi vẫn thường hát lại những bài hát xưa khi khán giả yêu cầu. Có bài tôi thấy mình hát hay hơn xưa, cũng có bài không hay bằng trước bởi tôi không có được cái ngô nghê mà khán giả yêu thích của những ngày đầu tiên. Vậy thì nên hạn chế hát những bài như thế để thành công cũ nó không bị phai màu.

- Chị có thấy thị trường âm nhạc bây giờ hướng ngoại nhiều hơn, nếu so với những bước đi đầu của chị? Bây giờ người ta coi sự “mới” là hay, còn ngày xưa chị "mới" thì biết bao nhiêu là trở ngại!

- Tôi nghĩ người mở đường bao giờ chả gặp khó khăn hơn nhưng thành công lại được nhớ lâu hơn. Thôi thế cũng công bằng rồi còn gì!

- Thời đại công nghệ, không chỉ ở Việt Nam mà quốc tế cũng vậy, những giọng ca vàng đang bị cạnh tranh bởi những ca sĩ giải trí, những giọng hát được nhào nặn? Theo chị, giá trị giọng hát đẹp phải làm gì để giữ được bản lĩnh và vị trí trong sự phát triển công nghệ ghi âm và biểu diễn này?

- Tôi vẫn nghĩ cần phải biết mình để không đứng nhầm chỗ. Thị trường rộng lớn luôn có nhiều chỗ khác nhau cho những người khác nhau. Có điều bạn phải xác định và dám đi đến cùng với cái mình đã chọn thôi, thay vì cứ mãi hoang mang vì còn mải loay hoay chẳng biết mình đang ở chỗ nào.



- Một điều tôi luôn thắc mắc, vị trí của các diva Việt Nam dường như đã quá vững chắc rồi, các chị có phấn đấu nữa thì cũng không còn vị trí nào cao hơn để bước lên ở Việt Nam nữa. Vậy từ vị trí của chị, chị đang nhìn lên đâu?

- Chúng tôi có một nghề và đơn giản là đang làm nghề của mình. Tôi không đặt nặng tâm lý phải ganh đua này khác. Vẫn biết là làm nghề luôn cần có sự cạnh tranh lành mạnh, có đích để đến nhưng chúng tôi không coi nặng các loại danh hiệu như vậy. Với tôi, việc ra mắt những album nhạc mà người nghe luôn tìm để nghe, rồi những đêm diễn mà khán giả đợi chờ tôi đến và cảm thấy vui khi ra về luôn là những gì có ý nghĩa nhất, hơn mọi danh hiệu ở trên đời.

Không bao giờ có thể yêu một người đàn ông hèn

- Album mới của chị vẫn được chờ đợi, và chị vẫn tâm huyết. Nó mang một tham vọng nào không như tiếp tục chặng đường quốc tế hóa của chị hay khẳng định bản lĩnh Mỹ Linh trên con đường 15 năm?

- Không 1 và cũng không 2. Đơn giản hơn nhiều là đã đến lúc mọi thứ đủ chín để ra mắt sản phẩm âm nhạc mới. Album “Tóc ngắn Acoustic” này mang đậm nhất những dấu ấn cá nhân của tôi từ trước tới nay.

Vì tôi nghĩ mình đã đủ độ chín trong cảm xúc cũng như trong cách diễn đạt chúng để viết ra những suy nghĩ của mình. Có những quan sát cuộc sống mà chính tôi là người trải nghiệm. Hy vọng khán giả sẽ hiểu rõ hơn về tôi qua album này.

- Ở độ tuổi nghề nghiệp bây giờ, đương nhiên phong cách là phải định hình. Vậy theo chị, nếu ai cũng khăng khăng đòi hỏi cái mới mẻ thì những ca sĩ như chị có. cảm thấy... bất công? Vậy nếu gọi là mới thì nhìn nhận bằng cách nào?

- Mới theo cách mà tôi và êkíp của mình đang làm, là đào sâu chứ không hẳn là cứ thay đổi phong cách liên tục. Tôi nghĩ việc thay đổi liên tục phong cách không thể coi là chuyên nghiệp. Vì như thế những gì anh làm một lần chưa tới, anh đã lại đổi kiểu khác. Rồi rốt cuộc khán giả không đánh giá được phong cách riêng của anh ở đâu.

Hơn nữa, nói thẳng ra, ở Việt Nam thì trình độ của nghệ sỹ ta còn rất hạn chế (trong đó đương nhiên có cả tôi nữa) và đào tạo lại không bài bản. Thậm chí còn có phần lớn ca sỹ không được học tí nào. Vậy cho nên việc các ca sỹ luôn lên báo nói đổi phong cách này hay phong cách khác thực ra cũng chỉ là cách để làm sang. Cũng như cách người ta thay bình mới cho rượu cũ mà thôi. Khi đang hoàn tất album “Acoustic” này, chúng tôi càng hiểu vì sao mình cần phải có đủ thời gian để đào sâu một phong cách.

Bởi chỉ có thế, chúng tôi mới khám phá được hết sự cảm thụ của mình cho con đường âm nhạc mình theo đuổi. Thậm chí khi hoàn thành nó xong, chúng tôi biết rằng con đường mình hiện đang đi vẫn còn dài.

- Người ta công nhận sự đồng hành của chồng chị, nhạc sĩ Anh Quân đóng góp quá lớn cho sự nghiệp của chị. Nhưng một mặt, người ta lại cũng... không chịu khi chỉ có anh ấy được đồng hành với chị. Vậy nếu không là chồng mình, liệu chị có thể trông cậy vào nhà sản xuất nào hiện tại ở thị trường Việt Nam?

- Tôi nghĩ luôn có những nhạc sỹ tài năng ở cả hai miền Nam, Bắc mà chúng tôi vẫn luôn cộng tác cùng như chú Dương Thụ, anh Bảo Chấn, anh Huy Tuấn, anh Hoài Sa, anh Quốc Trung hay Hồng Kiên... Xu hướng hiện nay là cộng tác với nhiều tài năng để tập hợp được sức mạnh của trí tuệ mở. Trong thực tế có rất nhiều kiểu cộng tác khác nhau như hòa âm, phối khí, viết lời ca khúc, cộng tác trong lĩnh vực thu âm… chứ không nhất thiết phải sáng tác ca khúc mới là cộng tác chung. Chúng tôi vẫn luôn làm như vậy, chỉ có điều không phải ai cũng đủ hiểu biết để nhận ra điều đó. Hoặc không thì cũng là một kiểu định kiến rất Việt Nam đấy!



- Tôi nhìn thấy Anh Quân có lợi thế chính là sự bảo thủ và kiên nhẫn. Đức tính ấy hẳn ảnh hưởng đến chị? Nhưng xin hỏi, chị có "phải" phục tùng tuyệt đối hay cũng có sự tranh luận dựa trên kinh nghiệm thị trường để có một con đường đúng nhất?

- Câu này tôi đã từng trả lời nhiều lần rồi. Anh đã gặp tôi và anh có thấy tôi giống người mà anh nói đến không? Nghề này cần nhất là cá tính và khi album nhạc mang tên tôi thì nó luôn mang đậm dấu ấn cá nhân của tôi. Con người tôi trong công việc cũng như trong gia đình luôn hướng tới sự hòa hợp nhưng phục tùng thì không bao giờ.

- Chị thì cũng chật vật để có một đĩa nhạc. Anh ấy thì cũng phải làm nghề, cũng xuất hiện và sản xuất cho người này người kia? Có bao giờ chị quan sát công việc riêng của anh ấy, một cách khách quan mà nhận xét?

- Khách quan mà nói Anh Quân là người yêu nghề, kỹ càng và sâu sắc. Nhưng hơn hết, ở anh ấy luôn có sự chân thành và công bằng. Cho dù cộng tác với ai thì ở anh ấy cũng chỉ một thái độ làm việc ấy mà thôi. Đấy cũng chính là điểm mà tôi thấy yêu và nể phục anh ấy. Tôi không bao giờ có thể yêu một người đàn ông hèn. Tôi nghĩ nếu buộc phải chọn giữa việc bị người ta ghét hoặc bị người ta khinh thì anh Quân sẽ luôn chọn cái thứ nhất.

Con tôi phải học làm một người bình thường cái đã!

- Giờ đây, trách nhiệm của Anh Quân không chỉ là chỗ dựa nghề nghiệp cho vợ nữa mà còn cho cả các con, khi chúng được định hướng tiếp nối nghề của cha mẹ. Chị chia sẻ được gì với anh ấy và các con trong công việc nghệ thuật này?

- Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều thứ. Trong đó, việc dạy con chính là ưu tiên số một.

- Nhiều ca sĩ bị coi là bản sao của chị. Vậy phải làm thế nào để Anna hay Mỹ Anh không phải là bản sao của mẹ - một diva lớn của Việt Nam?

- Tôi nghĩ mỗi thời mỗi khác, nhạc trẻ bây giờ cũng khác lắm nên các con tôi cũng khó lòng trở thành bản sao của tôi được.

- Có thể chúng sẽ khó khăn hơn những người trẻ khác khi rất dễ bị cái bóng của chị vô hình che khuất?

- Cái này thì cũng có phần đúng. Như vậy muốn đạt được thành công, các con tôi sẽ phải cố gắng hơn bình thường. Sinh ra từ gia đình truyền thống có nhiều thuận lợi nhưng lại cũng có nhiều thách thức. Các con tôi chịu ảnh hưởng từ tính bướng bỉnh, cứng đầu, ưa thử thách của mẹ, nhưng lại có sự chín chắn, kỹ càng của bố. Tôi tin rằng các con sẽ tìm thấy con đường riêng để đi tới đích.

- Chị kỳ vọng gì ở thế hệ tương lai, khi người ta nói con cái chính là tương lai của bố mẹ?

- Tôi không đặt kỳ vọng hay nâng cao quan điểm này nọ để gây áp lực lên các con mình. Tất cả những gì tôi muốn là dành cho các con tôi điều kiện để các cháu có thể phát huy những sở trường của mình, nhưng hơn hết phải học làm một người bình thường cái đã.

- 10 năm nữa, khi con cái chị có thể vững vàng ở sân khấu chẳng hạn, lúc đó liệu chị có còn hát đầy cống hiến như bây giờ hay sẽ rút lui để… “nhường sân” cho con và bù đắp cho thời tuổi trẻ “mệt nhoài chinh chiến”?

- Tôi chưa biết được, cũng còn sớm để quyết định một việc lớn như vậy. Tôi càng ngày càng nhận thấy tôi đã yêu nghề của mình như thế nào, lúc được hát là lúc tôi thấy mình được là mình nhất. Có lẽ chính vì vậy mà tôi mới có thể sống trong nghề lâu như vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới điều anh vừa nói. Và tôi nghĩ chuẩn bị cho mình dù cái gì cũng không bao giờ là thừa.

- Trong sự rút lui ấy, có món quà nào chị có thể để lại cho lớp trẻ, ngoài các con của mình?

- Điều ấy là chắc chắn rồi! Tôi nhận được tất cả những gì tinh túy từ những người thầy của mình thì không có lẽ nào tôi lại không mang tặng lại cho thế hệ sau để họ tiếp tục gìn giữ?

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm