Cục diện Clinton và Trump khi bước vào trận 'so găng' quyết định

20/10/2016 08:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tối ngày 19/10 (tức sáng ngày 20/10 theo giờ Việt Nam) tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas, hai ứng cử viên tranh chức Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa, đã bước vào cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba và cũng là cuối cùng.

Dự kiến, cuộc "so găng" cuối cùng này giữa bà Clinton và ông Trump sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, di cư, Tòa án tối cao, nợ và những chuẩn mực pháp luật, những điểm nóng ngoài nước Mỹ và tiêu chuẩn Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chủ đề có thể linh hoạt theo thời sự.

Bà Hilary Clinton chiếm ưu thế trong thăm dò dư luận

Ngay từ trước thềm sự kiện này, dư luận đều cho rằng bà Clinton đang giành được nhiều ưu thế hơn ông Trump.

Hầu hết các cuộc thăm dò công bố trong hai ngày 17 và 18/10 đều cho thấy bà Clinton đang tiếp tục chiếm ưu thế trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump với khoảng cách từ 1 đến 11 điểm. Chỉ duy nhất cuộc điều tra của tờ Los Angeles Times cho thấy ông Trump đang dẫn trước bà Clinton 2 điểm.

Kể từ đầu tuần đến nay, bà Clinton đã bắt đầu mở rộng các cuộc vận động tranh cử sang những bang thường thiên về đảng Cộng hoà như Arizona để giành thêm phiếu bầu.


Trước thềm cuộc tranh luận vòng 3, bà Clinton (trái) đã giành được nhiều lợi thế trong các cuộc thăm dò hơn đối thủ Trump.

Theo kết quả thăm dò của tờ The Washington Post ngày 18/10 tại 15 bang mà cử tri còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cho thấy, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton đang chiếm ưu thế lớn và có thể dễ dàng giành được hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống Mỹ.

Hiện bà Clinton đang chiếm được ưu thế tại 9 bang do dự là New Hampshire, Virginia, Michigan, New Mexico, Colorado, Bắc Carolina, Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, cân bằng tại 4 bang là Florida, Texas, Arizona, Ohio và chỉ thua tại 2 bang là Nevada, Iowa.

Mặc dù vượt lên dẫn trước với điểm số cách biệt so với ông Trump, song bà Clinton cũng không hẳn đã chiếm được thiện cảm tuyệt đối của cử tri. Chỉ có 38% cử tri có cái nhìn tích cực về bà, so với 52% cử tri có ý kiến ngược lại. Tỷ lệ cử tri đánh giá tốt ông Trump cũng giảm xuống còn 26%, so với 61% cử tri phản đối ông (giảm so với tỷ lệ 32%-57% của tháng trước). Tuy nhiên, lại có đến 60% cử tri nói rằng bà Clinton có "tính khí thẳng thắn" phù hợp trở thành tổng thống, trong khi tỷ lệ này bên phía ông Trump chỉ là 31%.

Bất lợi cho ông Donald Trump

Cuộc tranh luận lần 3 này diễn ra trong bối cảnh có khá nhiều bất lợi đối với ông Trump. Trong những ngày qua, ông Trump liên tục lặp lại tuyên bố cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay bị “gian lận”, khiến nhiều quan chức cấp cao trong đảng Cộng hòa phải cũng phải lên tiếng phản đối.

Ngày 18/10, tại buổi diễn thuyết ở Colorado Springs, bang Colorado, tỷ phú Trump đã tiếp tục bài tấn công của mình khi nói rằng "báo chí đã tạo ra một hệ thống gian lận và đầu độc tâm trí của cử tri". Nhân dịp nay, vị doanh nhân-chính khách này cũng công bố một sáng kiến mới, theo đó khẳng định sẽ thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp quy định về giới hạn nhiệm kỳ của các thành viên Quốc hội nếu đắc cử.

Theo sáng kiến của ông Trump, các nghị sĩ tại Hạ viện chỉ nên hoạt động tối đa trong 6 năm, trong khi các nghị sĩ tại Thượng viện chỉ nên giữ cương vị tối đa là 12 năm.

Trước những tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích việc ông Trump “than vãn” về việc cuộc bầu cử tổng thống bị “gian lận” ngay cả trước khi cuộc bầu cử diễn ra và "ông trùm" bất động sản nên chấm dứt ngay những cáo buộc không có cơ sở này.

Trước những tuyên bố ông Trump đưa ra ngay trước thềm cuộc tranh luận lần 3, dư luận báo chí cho rằng những cáo buộc này của ông Trump sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền chính trị Mỹ, ngay cả khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, khiến người dân mất lòng tin vào hệ thống bầu cử.

Theo Trọng Đức - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm