Mạng xã hội nhân rộng nỗi sợ Ebola

16/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài một số vụ nhỏ lẻ ở Mỹ và Tây Ban Nha, vùng dịch Ebola vẫn chỉ nằm gọn trong khu vực Tây Phi. Tuy nhiên điều này đã không thể ngăn cản hàng loạt tin đồn, báo động giả xuất hiện trên nhiều mạng xã hội, khiến nỗi sợ theo đó đang được phát tán.

Trong buổi chiều Chủ Nhật vừa qua, tại một trong những bệnh viện lớn nhất Chile, một thông báo phát trên hệ thống loa của bệnh viện đã thu hút sự chú ý của những người có mặt: “Bà con chú ý! Chúng tôi có 1 bệnh nhân nghi nhiễm Ebola. Làm ơn rời phòng tới một bệnh viện khác”.

Hoảng loạn vì một thông báo

Các bệnh nhân lập tức lấy tay che miệng và bắt đầu chạy trốn. Tuy nhiên hoạt động loan tin và cảnh tượng nhốn nháo tiếp theo đã được một người phụ nữ có mặt trong bệnh viện ghi lại. Cô tiếp tục tải đoạn video lên mạng xã hội YouTube dưới tiêu đề “Khả năng có trường hợp nhiễm Ebola ở Chile”. Hiển nhiên là đoạn video đã thu hút đông đảo người xem. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, đã có hơn 120.000 người xem video này.

Từ YouTube, tin đồn lan mạnh sang Twitter. Đoạn tin với tiêu đề #EbolaenChile (Ebola ở Chile) đã gây sốt ngay khi nó vừa xuất hiện. Hãng tin BBC cho biết chỉ một ngày sau thời điểm xuất hiện trên Twitter, tin tweet về Ebola đã được người dùng chia sẻ hơn 20.000 lần.


Hình ảnh trích từ đoạn video tung tin Ebola tới Chile đã được tải lên YouTube

Các hãng tin lớn nhìn thấy những dòng tweet đã vội vã loan tin rằng Chile có một trường hợp nhiễm Ebola. Khi họ gọi điện tìm hiểu thông tin, bệnh viện cũng xác nhận đang có 1 trường hợp nghi nhiễm bệnh. Phải thêm vài giờ nữa, Bộ Y tế Chile mới vào cuộc và tháo gỡ sự hiểu lầm.

Hóa ra bệnh nhân nghi nhiễm Ebola kể trên đã từng tới Guinea xích đạo, một đất nước chưa từng phát hiện ca nhiễm Ebola nào cả. Tuy nhiên nhiều người ở Chile đã nhầm lẫn Guinea xích đạo với Guinea, quốc gia đang bị bệnh Ebola hoành hành, dù 2 nước nằm cách nhau tới hàng ngàn cây số.

"Thông tin sai lệch kia phát tán rất nhanh và chính quyền Chile đã không phản ứng kịp thời với những gì diễn ra trên mạng xã hội” - Eduardo Arriagada, một nhà báo và nhà phân tích truyền thông xã hội có tiếng tăm ở Chile đánh giá – “Người ta đã để quá lâu trước khi ra tuyên bố nói rằng bệnh nhân đã về Chile từ 1 quốc gia không bị nhiễm Ebola”. Bộ Y tế Chile sau đó thừa nhận bệnh nhân chỉ bị sốt rét.

Sợ hãi châm ngòi phân biệt chủng tộc

Tuy nhiên đây không phải trường hợp duy nhất tin đồn thất thiệt về Ebola phát tán ra ngoài  gây sợ hãi lan rộng. Sau khi một nữ y tá Tây Ban Nha trở thành người đầu tiên nhiễm virus ở ngoài Tây Phi, hàng loạt tin đồn đã hình thành.

Nhiều người Tây Ban Nha đã nhận được một tin nhắn qua điện thoại, cho biết chính quyền đang bí mật lập vùng cách ly tại Madrid và đã có thêm 2 nhân viên y tế khác bộc lộ triệu chứng nhiễm bệnh. Những kẻ tung tin đồn còn tạo ra các tít báo giả mạo và phát tán chúng thông qua dịch vụ Whatsapp và mạng xã hội Facebook. “Người ta đã phát hiện một trường hợp nhiễm Ebola tại quán Burger King" – một tiêu đề giả viết như thế. Tuy nhiên các thông tin đều được chứng minh là không đúng.


Kiểm tra sức khỏe du khách để phát hiện Ebola tại Anh

Tương tự, khi Bộ Y tế Brazil thông báo về phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm Ebola, tin này đã lập tức gây ra làn sóng sợ hãi trên mạng. Theo BBC, từ "Ebola" viết bằng tiếng Bồ Đào Nha đã được sử dụng hơn 120.000 lần trên Twitter chỉ trong vòng có 1 ngày. Biên tập viên truyền thông xã hội của BBC Brasil là  Bruno Garcez nói rằng hoạt động phân biệt chủng tộc cũng đã diễn ra ngay sau đó.

"Người ta lập tức gắn virus chết người này với màu da của một người đàn ông Guinea được cho là đang nhiễm bệnh” – ông nói  và dẫn ví dụ cho biết một người dùng Twitter đã nhắn tin nói rằng Ebola là “bệnh của dân da đen”. "Liệu ai đó có thể nói cho tôi biết vì sao những gã da đen tới từ châu Phi và mang virus trong người lại có thể sống ở đây?” – cư dân mạng khác viết.

Theo Garcez, cả 2 tin tweet trên hiện đã bị xóa. Tuy nhiên người ta vẫn có thể dễ dàng thấy rằng từ “da đen” thường xuất hiện cạnh từ “Ebola” trong các bài viết của người dùng trên Facebook.

Gây hại cho cả châu lục

Theo các chuyên gia, tin đồn lan qua mạng xã hội hiện mới chỉ khiến nỗi sợ hãi tăng mạnh trong xã hội Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên chính nỗi sợ hãi này sẽ mang tới tác động tiêu cực cho châu Phi. “Tôi thấy sự hoảng loạn và sợ hãi còn lây lan mạnh hơn bệnh dịch” – nhà kinh tế Carlos Lopes tới từ Guinea-Bissau, người đang lãnh đạo Hội đồng Kinh tế LHQ về châu Phi nhận xét.

Với việc một số chính trị gia Mỹ kêu gọi cách ly châu Phi, sau khi một du khách Liberia mang bệnh Ebola tới Mỹ, Lopes cùng các nhà kinh tế, chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp khác lo sợ khu vực Châu Phi Cận Sahara sẽ đối mặt với nạn “kỳ thị” liên quan tới Ebola.

Trước đợt bùng dịch, châu Phi là điểm đến đầu tư và du lịch sáng sủa. Khu vực này, với quy mô dân số hơn 1 tỷ người và giàu tài nguyên thiên nhiên, đã bắt đầu được xem như môi trường hứa hẹn để phát triển kinh tế. Quá khứ nghèo đói, nhiều xung đột đã bắt đầu lùi lại phía sau và tương lai sáng sủa hiện dần ra trước mắt. Tuy nhiên bệnh dịch Ebola đã đe dọa cản trở tiến trình này. “Có 2 đại dịch, một là đại dịch y tế và thứ còn lại là dịch sợ hãi” – nhà đầu tư Mark Weinberger của công ty Ernst & Young nhận xét.

Phản ứng sợ hãi khiến du khách hủy vé máy bay, hủy kế hoạch du lịch ở Tây Phi – nơi là tâm dịch Ebola. Các doanh nhân cũng sẽ ngán ngại khi tới đây làm ăn. Hàng loạt quyết định đầu tư sẽ bị đảo ngược, các biên giới bị đóng cửa, hoạt động giao thương đình trệ. Những điều này sẽ nhân lên gấp bội thiệt hại kinh tế mà đại dịch Ebola gây ra.

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng ngoài việc gây thiệt hại lớn về kinh tế cho 3 quốc gia bùng dịch là Sierra Leone, Liberia và Guinea (2 nước sau được dự báo giảm nửa tăng trưởng GDP), khu vực Tây Phi có thể chịu thiệt hại kinh tế tới 32 tỷ USD vì Ebola. Thiệt hại sẽ tăng lên tới 40 tỷ USD nếu dịch bệnh lan sang Nigeria, Bờ Biển Ngà và Senegal.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm