Dịch Covid-19: Thế giới ghi nhận gần 4,5 triệu bệnh nhân đã tử vong

28/08/2021 08:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 28/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 216,16 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,49 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 193,14 triệu người và những người vẫn đang phải điều trị là hơn 18,51 triệu người.

Dịch Covid-19 thế giới ngày 27/8: Châu Á vẫn là khu vực có số ca bệnh cao nhất

Dịch Covid-19 thế giới ngày 27/8: Châu Á vẫn là khu vực có số ca bệnh cao nhất

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam) ngày 27/8, thế giới đã ghi nhận hơn 215,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4,5 triệu ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có hơn 709.300 ca nhiễm mới và hơn 9.880 ca tử vong. Trong đó, Mỹ cao nhất khi chiếm tới hơn 189.100 ca mắc mới, tiếp sau là Ấn Độ (46.805 ca), Anh (38.046 ca), Iran (36.279 ca), Brazil (27.345 ca)...

Về số ca tử vong do COVID-19, trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là quốc gia có số bệnh nhân không qua khỏi cao nhất với 1.296 ca, sau đó là Mexico (835 ca), Nga (798 ca), Indonesia (599 ca)...   

Tại châu Âu, Italy tuyên bố tái áp đặt một số hạn chế để phòng dịch COVID-19 tại vùng Sicily. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết ông “vừa ký một sắc lệnh mới xếp Sicily thành 'vùng vàng', xác nhận COVID-19 vẫn chưa bị đánh bại”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, cũng như hành vi cá nhân như giãn cách xã hội. Đây là lần đầu tiên các biện pháp như vậy được tái áp đặt ở cấp vùng kể từ đầu mùa Hè năm nay.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, từ ngày 30/8, người dân Sicily sẽ lại được yêu cầu phải đeo khẩu trang ở ngoài trời cũng như trong nhà, thực khách tại nhà hàng sẽ giới hạn ở nhóm 4 người sau khi số ca mắc COVID-19 tăng lên. Sicily sẽ được xếp thành vùng "màu vàng", cấp độ thấp thứ hai trong hệ thống phân loại 4 cấp độ dựa trên tỷ lệ lây nhiễm và số ca nhập viện.

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bị đại dịch COVID-19 tấn công và tính đến nay đã có hơn 129.000 ca tử vong, cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine tại Italy đã được tiến hành nhanh chóng, với gần 69% dân số trên 12 tuổi hiện đã được tiêm chủng đầy đủ và chỉ khoảng 13% dân số trên 12 tuổi chưa tiêm mũi nào.   

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định khôi phục một số hạn chế để phòng, chống COVID-19, trong đó có các yêu cầu cách ly và xét nghiệm đối với những người chưa tiêm vaccine đến từ Mỹ và 5 nước khác.

Theo đó, các quốc gia EU đã bắt đầu loại Mỹ khỏi danh sách các nước có công dân có thể đi đến 27 nước trong khối mà không phải chịu hạn chế bổ sung liên quan đến COVID-19. Danh sách không ràng buộc hiện có 23 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Qatar và Ukraine. Hiện một số nước thành viên EU cũng đã áp đặt hạn chế riêng đối với các du khách đến từ Mỹ. Nếu không có nước nào phản đối, quyết định về hạn chế đi lại mới của EU đối với người nước ngoài sẽ chính thức được ban hành vào ngày 30/8 tới.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Doha, Qatar. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết nước này đang xem xét việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh các chuyên gia đang lo ngại về tình trạng người dân còn do dự có tiêm vaccine hay không. Phát biểu trước báo giới, ông Phaahla cho biết dù hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức, nhưng cơ quan y tế đang thảo luận về các điều kiện để có thể áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine. Ông Phaahla nêu quan điểm cá nhân rằng không chắc sẽ có một quy định chính thức được đưa ra, tuy nhiên, một số công việc nhất định như lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực giải trí có thể yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19.   

Nam Sudan ngày 27/8 cho biết 100.000 liều vaccine phòng COVID-19 của công ty dược phẩm Sinopharm đến từ Trung Quốc này sẽ giúp ích cho quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.     

Thứ trưởng Ngoại giao Nam Sudan Deng Dau Deng Malek cho biết Bắc Kinh đã chấp thuận việc chuyển giao vaccine cho nước này, nơi lượng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca đã được sử dụng hết vào tháng trước. Ông Malek nói thêm rằng số vaccine này sẽ giúp Bộ Y tế Nam Sudan có thể tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 ở quốc gia này.    

Trong khi đó, Phó Tổng thống Uganda, bà Jessica Alupo cho biết nước này này sẽ nhận thêm khoảng 300.000 liều vaccine COVID-19 từ Trung Quốc. Theo bà Alupo, Chính phủ Uganda hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ song phương bền chặt với quốc gia châu Á này.     

Trước đó, Uganda đã nhận được khoảng 300.000 liều vaccine của công ty Sinovac từ Chính phủ Trung Quốc. Các cửa hàng y tế quốc gia của Uganda ngày 25/8 cho biết họ đã bắt đầu phân phối vaccine của Sinovac trên toàn quốc. Theo Bộ Y tế Uganda, nước này dự kiến nhận được ít nhất 12,3 triệu liều vaccine COVID-19 vào đầu năm 2022. Uganda đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 22 triệu người, tức gần một nửa dân số, như một biện pháp để dập tắt đại dịch.    

Về vấn đề chia sẻ vaccine toàn cầu, một nhóm các nhà hoạch định chính sách, có nhiệm vụ ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, đã kêu gọi các quốc gia có nguồn dự trữ vaccine lớn chia sẻ “vũ khí hữu hiệu” trong cuộc chiến chống COVID-19 với các chương trình phân phối tới các nước có thu nhập thấp hơn.

Trong một tuyên bố chung, Nhóm các nhà lãnh đạo đa phương, bao gồm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lưu ý rằng hiện mới có chưa đầy 2% số người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Con số này quá thấp so với mức gần 50% ở các nước có thu nhập cao.

Nhóm trên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bất bình đẳng vaccine đang tạo ra “khoảng cách nguy hiểm” về tỷ lệ sống sót trong COVID-19, cũng như trong nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, nhóm các nhà lãnh đạo đa phương kêu gọi Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) "khẩn trương" thực hiện các cam kết chia sẻ vaccine, bởi hiện mới có chưa đầy 10% số liều vaccine được cam kết chia sẻ được chuyển đi. Bên cạnh đó, nhóm này còn kêu gọi các nước loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vaccine ngừa COVID-19.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm