10/04/2023 16:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
"Công xưởng của thế giới" Trung Quốc đang gặp khó khăn, phải đối mặt với một số thách thức bên trong và bên ngoài: hạn chế về công nghệ và thay đổi nhân khẩu học. Nước này cần phải giải quyết những vấn đề này nếu muốn duy trì lợi thế trong lĩnh vực sản xuất.
Hạn chế về công nghệ
Tại một nhà máy ở Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, một miếng kim loại tráng phủ đưa vào lò đốt cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Độ chính xác của công đoạn thấm cacbon này rất quan trọng, vì nó có thể xác định xem bộ phận đó – trong trường hợp này là hộp số công nghiệp – sẽ tồn tại trong 10 năm hay 50 năm.
Tuy nhiên, dữ liệu được ghi nhận từ bên trong lò không được xử lý tại chỗ. Thay vào đó, nó được truyền đến Đức - nơi các kỹ sư ở trụ sở của chủ sở hữu nhà máy - giám sát quy trình kỹ thuật cao.
Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng" (SCMP), một rào cản quan trọng mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật trong môi trường thương mại toàn cầu ngày càng cạnh tranh.
"Một số lượng lớn các công nghệ cốt lõi và phần mềm trung gian quan trọng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài", một báo cáo của công ty chứng khoán Zheshang (Trung Quốc) cho biết vào tháng 3 năm ngoái.
Thay đổi nhân khẩu học
Theo SCMP, rào cản lớn thứ hai liên quan đến nhân lực. Trong khi Trung Quốc tiếp tục cung cấp nguồn lao động tương đối rẻ, chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn diện, và chính sách hỗ trợ, nhưng chính những thay đổi về nhân khẩu học và xã hội đang gây ra tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề.
Mặc dù tự động hóa đang trở nên phổ biến hơn trong sản xuất, nhưng các chuyên gia kỹ thuật như vậy vẫn rất cần thiết trong việc vận hành máy móc và sửa chữa chúng – từ phần cứng đến phần mềm.
Và nếu các nhà sản xuất không thể tuyển dụng những công nhân lành nghề này, hậu quả là cuộc khủng hoảng lao động có thể buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng. Ở quy mô toàn quốc, điều này có thể có những tác động sâu rộng khi Trung Quốc cố gắng phục hồi kinh tế sau 3 năm khó khăn với chính sách zero-Covid.
Theo SCMP, điều này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn ở Trung Quốc, đó là sự không phù hợp giữa công việc mà những người trẻ tuổi đang tìm kiếm và những công việc đang có nhu cầu cao.
Ngay cả khi 95% sinh viên tốt nghiệp trường nghề của Trung Quốc có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, các nhà sản xuất đã phàn nàn về những khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân, đặc biệt là những người có tay nghề cao.
Phát biểu tại một sự kiện của Phòng Thương mại Châu Âu ở Thiên Tân vào ngày 10/3, Cindy Zheng - Giám đốc tài chính của công ty Wago Electric Tianjin, một nhà sản xuất đầu nối điện có trụ sở chính tại Đức - cho biết, cơ sở ở Thiên Tân của bà đã phải vật lộn để tuyển dụng những công nhân lành nghề trong một thời gian ngắn vào năm ngoái khi họ cần giải quyết các đơn hàng tồn đọng do nhiều năm phong tỏa bởi dịch bệnh COVID-19.
Bà Zheng nói thêm, những người trẻ tuổi ngày nay thích làm những công việc linh hoạt, chẳng hạn như công việc giao hàng, trong khi những người lao động trẻ ở độ tuổi 20 có xu hướng ngại làm việc tại một công ty sản xuất.
Nhưng cũng theo bà Zheng, xu hướng này "cũng rất rủi ro", đặc biệt là về cách nó ảnh hưởng đến kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc – một chiến lược của Bắc Kinh nhằm nâng cấp các ngành công nghệ cao tương đương trình độ phương Tây, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu.
"Chúng ta đang nói nhiều hơn về sản xuất cao cấp và sản xuất thông minh. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần một số lượng lớn công nhân lành nghề để đáp ứng sự thay đổi này và trở thành một trung tâm sản xuất [nghiên cứu và phát triển] cao cấp", bà Zheng nói.
Theo Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội Trung Quốc, đến năm 2025, gần 30 triệu công việc trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc sẽ không có người làm, chiếm gần một nửa số công việc trong lĩnh vực này. Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực sản xuất là vào nửa cuối năm ngoái.
"Chính phủ nên hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp và các hiệp hội trong ngành để biết quan điểm và xu hướng của các công ty sản xuất như chúng tôi", bà Zheng nói, đồng thời đề nghị mở thêm các trường dạy nghề để tăng cường nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động có kỹ năng.
Christoph Schrempp - Tổng giám đốc của Trung tâm hoàn thiện và giao hàng của Airbus ở Thiên Tân - cho biết, chính quyền trung ương cũng nên tạo cơ hội cho những công nhân có tay nghề cao thăng tiến hơn trong nghề nghiệp, có nhiều địa vị trong xã hội hơn và được công chúng tôn trọng hơn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Ông Schrempp nói: "Điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của công chúng và để mọi người biết rằng công nhân không còn giống như 50 năm trước."
Theo một báo cáo về việc làm của giới công nhân được công bố vào cuối tháng 12/2022, Trung Quốc có hơn 400 triệu công nhân vào năm 2021, chiếm hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc. Nhưng phần lớn trong số hàng triệu người đó không có các kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của lĩnh vực sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến hơn của Trung Quốc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất