Mức lương tiếp viên hàng không ở Việt Nam là bao nhiêu?

21/03/2023 08:42 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Tiếp viên hàng không là một nghề hấp dẫn với các bạn trẻ và được biết đến là một nghề chẳng còn xa lạ gì với nhiều người.

Được biết đến là một nghề siêu khó với những yêu cầu kỹ năng cao về ngoại hình  (như chiều cao, cân nặng, không được có vết sẹo,...), trình độ học vấn, ngoại ngữ, độ tuổi, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống,… Tuỳ vào từng hãng bay mà sẽ có những quy định khác nhau cho tiếp viên hàng không. Cũng vì thế mà tiếp viên hàng không từ lâu được cho là một trong những nghề nghiệp được trả lương “khủng” nhất.

Tại Việt Nam, các hãng bay cũng đưa ra những yêu cầu khắt khe khi tuyển dụng tiếp viên hàng không. Đơn cử, Vietnam Airlines yêu cầu về ngoại hình, ứng viên nữ có chiều cao tối thiểu 1m62, ứng viên nam có chiều cao tối thiểu 1m72, ưa nhìn, không xăm trổ, sẹo lớn, cân nặng chuẩn BMI, thị lực 10/10… Độ tuổi tuyển dụng từ 20 đến 28, cả nam và nữ.

Mức lương tiếp viên hàng không ở Việt Nam là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

 

Ứng viên bắt buộc phải có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ sau: TOEIC Official (tối thiểu 600 điểm), TOEFL ibt (từ 71 điểm), IELTS (từ 5,5 điểm). 

Các yêu cầu khác như ưu tiên biết từ 2 ngoại ngữ trở lên như Pháp, Đức, Nhật, Nga, Hàn, Hoa… 

Với Bamboo Airways, các tiếp viên hàng không phải trải qua 4 vòng kiểm tra, gồm: Phỏng vấn sơ tuyển, kiểm tra ngoại hình chi tiết, kiểm tra tổng thể và kiểm tra sức khỏe; sau đó là vòng thi tiếng Anh viết và phỏng vấn.

Đặc biệt, do đặc thù công việc nên tuổi nghề của tiếp viên hàng không cũng rất ngắn, ở hầu hết các hãng bay, khi đến 40 tuổi bạn sẽ không được ở vị trí này nữa.

Mức lương trung bình của tiếp viên hàng không

Trên thực tế, ngành tiếp viên hàng không không yêu cầu phải tốt nghiệp từ một trường cụ thể nào. Ở Việt Nam hiện chỉ có Học viện Hàng không Việt Nam là nơi duy nhất đào tạo chuyên sâu về ngành hàng không, nhưng vẫn chưa đào tạo ngành tiếp viên hàng không.

Lương tiếp viên hàng không có lẽ là điều rất nhiều người tò mò về ngành nghề này. Lương của các tiếp viên hàng không bình quân sẽ khởi điểm từ 4.500.000 đồng/tháng. Đây là mức lương cơ bản chưa cộng thêm các phúc lợi, trợ cấp khác. Với những tiếp viên mới vào nghề thường sẽ phải bay 70 – 100 giờ một tháng.

Vì vậy, khi cộng hết trợ cấp và các phúc lợi thì mức lương tiếp viên trung bình sẽ ở khoảng 21.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các tiếp viên sẽ có công tác phí từ 2 đến 10 triệu một tháng.

Hãng hàng không nào có mức lương cao nhất?

Theo số liệu thống kê của tổng công ty hàng không Việt nam công bố thì mức lương của tiếp viên có nhiều sự thay đổi. Hiện nay, trong tất cả các hãng hàng không của Việt Nam thì mức lương của VietNam Airlines đang nằm ở mức cao nhất. Mức lương bình quân của tiếp viên vào khoảng 25,5 triệu/tháng.

Mức lương tiếp viên hàng không ở Việt Nam là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Vietnam Airlines công bố năm 2021, mức lương bình quân của người lao động Vietnam Airlines chưa bao gồm phụ cấp lưu trú lần lượt theo các năm 2019; 2020; 6 tháng 2021 đối với tiếp viên hàng không Vietnam Airlines lần lượt là 24,5 triệu đồng; 13 triệu đồng; 11,3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tiếp viên còn được nhận các loại tiền phụ cấp khác như: ăn uống, trang điểm, trang phục, tiền theo giờ bay...

Với các tiếp viên hàng không hạng phổ thông của Vietnam Airlines, khoản thù lao sẽ là 220.000 đồng/giờ bay. Trong khi đó, khoản thù lao cho tiếp viên hàng không hạng thương gia là 230.000 đồng cho mỗi giờ bay.

Tiếp viên trưởng tại hạng thương gia sẽ nhận 400.000 – 580.000 đồng cho mỗi giờ bay.

Vì vậy, thu nhập trung bình của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines dao động khoảng 22- 45 triệu đồng/tháng.

Mức lương của tiếp viên hàng không Bamboo Airways, được tính theo tháng và phụ thuộc vào cấp bậc.

Cấp bậc thấp nhất là Trainee (Thực tập) có mức lương cố định là 5.700.000 đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp, bay ngoài giờ sẽ có mức thu nhập từ 7.000.000 đến 9.500.000 đồng/tháng.

Tiếp theo, khi đã trở thành nhân viên chính thức, mức lương cố định ở vị trí này là 16.700.000 đồng/tháng, cộng thêm các khoản hỗ trợ, làm việc ngoài giờ khác thì thu nhập dao động từ 26.000.000 đến 30.000.000 đồng/tháng.

Nếu trở thành tiếp viên phó, mức lương sẽ là 33.000.000 đồng/tháng; tiếp viên trưởng chia ra làm nhiều cấp, cấp 5 là 35.000.000 đồng/tháng; cấp 4 là 40.000.000 đồng/tháng; cấp 3: 45.000.000 đồng/tháng và cao nhất là cấp 2 với 50.000.000 đồng/tháng.

Mức lương tiếp viên hàng không ở Việt Nam là bao nhiêu? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Mức lương của các hãng hàng không khác cũng tương đương. Theo số liệu do Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiến hành tổng kết, thì đến năm 2014, mức lương tiếp viên hàng không Vietjet Air trung bình 30.000.000 đồng/tháng. Đến năm 2015, với sự tăng cường phát triển thêm số lượng tàu bay cũng như chất lượng đội ngũ tiếp viên, mức lương tiếp viên hàng không Vietjet Air cũng đã tăng lên rõ rệt và rơi vào khoảng 39.500.000 đồng/tháng. Trung bình hằng năm, mức lương tiếp viên hàng không Vietjet Air sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng song song với sự phát triển của hãng, đến năm 2016, mức lương tiếp viên hàng không Vietjet Air đã tăng lên đến 42.600.000 đồng/tháng.

Trong những năm 2019 đến 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng chung của tất cả các hãng hàng bay đó là cắt giảm tiền lương bởi số lượng giờ bay đã giảm xuống rất nhiều. Mức lương trung bình trong giai đoạn nghỉ dịch của tiếp viên khoảng 15 triệu đồng/tháng

Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, lương tiếp viên của Vietjet Air giao động trong khoảng từ 19 - 25 triệu đồng/tháng; Jetstar Pacific trước khi tái cơ cấu trở thành một thành viên của Vietnam Airlines Group và đổi tên thành Pacific Airlines thì thông tin mức lương cho tiếp viên từ 18 - 20 triệu đồng/tháng.

Nghề tiếp viên hàng không được xem là một nghề “hot” với mức lương cao, có nhiều đặc quyền về đãi ngộ so với các công việc khác và có cơ hội đi đến nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên công việc tiếp viên hàng không cũng phải chịu khá nhiều áp lực. 

Các tiếp viên sẽ gặp nhiều thách thức khi phải thích nghi nhu cầu thể chất của công việc, bao gồm làm quen với áp suất không khí trong cabin, các bệnh về tai trong, say máy bay và bệnh về đường hô hấp.

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm