Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới USS Nautilus và cuộc chạy đua dưới lớp băng vĩnh cửu

05/08/2015 07:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên một tàu ngầm luồn được qua dưới lớp băng Bắc Cực. Ngày 5/8/1958 tàu USS Nautilus không chỉ lập kỷ lục hy hữu về kỹ nghệ và lòng quả cảm, mà còn đánh dấu một mốc đáng buồn trong cuộc chạy đua vũ trang.

Hơn 100 mét

… trên đầu thủy thủ đoàn liên tục có tiếng băng chuyển mình răng rắc, từ nhiều ngày. Quả là một hình dung vô cùng khiếp đảm, nếu đột nhiên chết máy hay hỏng la bàn trong cõi âm u lạnh giá này. Nhưng giờ đây mọi lo ngại đã qua, ống kính viễn vọng chọc lên khỏi mặt nước để đón ánh dương rực rỡ, và chiếc USS Nautilus lừ lừ nổi lên sau sau 96 giờ và 3.400km hồi hộp.

Thuyền trưởng William Anderson cho phép mình ghi một dòng đầy thơ mộng vào nhật ký hải trình - trái ngược với không khí tù hãm luôn ngự trị trong tàu - trước khi đưa tàu về hướng Greenland, hòn đảo lớn nhất Trái đất.


Nautilus hạ thủy ngày 21/1/1954

Một điệp vụ phiêu lưu mang dấu ấn Chiến tranh lạnh. Một năm trước đó, Hoa Kỳ gần như tê liệt khi Liên Xô đưa được vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo, và họ dồn hết tài lực lẫn trí lực cho một cú “báo thù”, nếu không phải trên vũ trụ thì cũng dưới mặt biển, đồng thời cũng ngấm ngầm cảnh báo là hải quân Mỹ có đủ khả năng đem vũ khí nguyên tử đến tận bờ biển Siberia vốn được coi là sân sau an toàn của đế chế Xô Viết.   

Mục đích của Tổng thống đương nhiệm Dwight D.Eisenhower là bắn một mũi tên trúng nhiều đích: ngoài hành vi lên gân với đối phương, Ngũ Giác Đài còn muốn xin Nghị viện phê chuẩn ngân sách quân sự ngày càng cao, nhân thể quảng cáo cho vũ khí nguyên tử.

Ở thời điểm đó, năng lượng nguyên tử gây nhiều bàn cãi trong dư luận Mỹ. Báo chí luôn phanh phui những vụ chết người vì thử bom nguyên tử dưới lòng đất hoặc mây phóng xạ bao phủ Chicago.

Nautilus được gửi gắm nhiệm vụ xóa tan nỗi hoài nghi đó: cơ quan thông tấn United States Information Agency lập tức được Tổng thống Eisenhower ra lệnh bắt đầu một chiến dịch đánh bóng kỷ nguyên hạt nhân, thậm chí kéo cả xưởng phim Disney vào cuộc với phim truyền hình nhiều tập Our Friend The Atom (Nguyên tử - bạn ta) “tình cờ” được đồng tài trợ bởi nhà sản xuất tàu ngầm nguyên tử General Dynamics.

Phim Hai vạn dặm dưới đáy biển dựa trên tiểu thuyết của Jules Verne cũng ra rạp rất đúng dịp, nhân vật chính là tàu ngầm mang tên Nautilus!


Thuyền trưởng Anderson và thủy thủ tạm biệt ánh sáng trước khi lặn xuyên dưới Bắc Cực

Dự án tàu ngầm chạy uranium

… đã được Nghị viện Mỹ phê chuẩn từ năm 1951. Hè 1952, Tổng thống Harry S. Truman đích thân tham dự lễ khởi công. Sau 18 tháng thi công, chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên ra đời như một phép thần kỹ nghệ. Do hai lò phản ứng chiếm ít chỗ hơn động cơ diesel truyền thống và không cần kho dự trữ hàng trăm tấn dầu, Nautilus rộng rãi gần như một du thuyền viễn dương.

Gần giống như tàu Nautilus của Jules Verne, ở đây có mọi thứ làm cuộc sống dễ chịu như thư viện, rạp phim, hàng chục máy tự động bán kem, cà phê, nước ngọt... thậm chí cả Mặt trời nhân tạo cho nhóm thủy thủ luôn mắc bệnh cớm nắng. Trong tàu luôn giữ nhiệt độ 22 độ C và thủy thủ còn được phép hút thuốc nhờ hệ thống phin lọc tối tân, có thể biến nước thành dưỡng khí.  

Chuyến lặn xuyên Bắc Cực có thể bắt đầu. Cũng phải nói thêm là đã nhiều quốc gia thất bại trong thử nghiệm tương tự, như nhà thám hiểm vùng cực người Anh Hubert Wilkins năm 1931, hay Fridjof Nansen người Na Uy mấy năm trước đó...

Người Mỹ nỗ lực giữ bí mật vì ngại mất mặt nếu Nautilus thất bại. Do đó ngoài tổng thống, chỉ có chừng một chục tướng tá Mỹ biết đến dự án này. Thuyền trưởng WilliamAnderson cũng đã hai lần kém may mắn khi lên đường tới Bắc Cực.

Lần đầu, 8/1957, Anderson chỉ còn cách Bắc Cực 333km thì la bàn bị nhiễu liên tục. Sợ bị lạc dưới trần băng, ông hạ lệnh quay về. 6/1958 ông thử lại với 2 la bàn tối tân hơn và vượt eo biển Bering. Không ngờ khoảng cách giữa trần băng và đáy biển cực nhỏ, khiến Anderson tháo lui lần nữa. “Chúng tôi học được một điều: băng là kẻ thù mà ta phải tôn trọng”, Anderson viết trong hồi ký Nautilus 90 North.


Lễ đón tiếp tưng bừng ở cảng New York ngày 25/8/1958

Chiến dịch Ánh Dương

… bắt đầu ngày 23/7/1958 ở Trân Châu Cảng (Hawaii). Nautilus giữ tốc độ 57 km/h khi vượt Thái Bình Dương về hướng Bắc và nổi lên một lần để 116 thủy thủ tạm biệt ánh sáng ban ngày, trước khi đi vào vực sâu u tối 130m dưới lớp băng của vùng cực.

Trong khi thủy thủ tụ họp trong rạp phim hoặc chơi bài, các sĩ quan hoa tiêu khéo léo đưa tàu luồn qua một hành lang cực mỏng manh do máy dò tiếng vọng tìm ra. Ít nhất thì đến đây người ta có thể cảm nhận được trí tưởng tượng vô cùng phong phú của Jules Verne khi ông miêu tả những núi lửa như trên Mặt trăng, duy chỉ lộn ngược.

Sau ba ngày, Nautilus cán mức vĩ tuyến 87 là kỷ lục được lập trước đó một năm. Chỉ còn vài tiếng nữa là tàu chạm vĩ tuyến 90 - lần này không còn là vòng tròn, mà chỉ là một điểm: Cực Bắc của Trái đất!

“Tất cả máy nghe nhạc im bặt. Bầu không khí im lặng trang trọng bao phủ cả tàu. Chỉ còn tiếng vọng của máy đo độ sâu luôn hoạt động. Tôi đếm ngược cho cả tàu nghe. Đến rồi! Tôi nhìn vào đồng hồ. 23 giờ 15” Anderson kể lại.

Mãi mấy hôm sau Liên Xô và thế giới mới biết đến sự kiện này, chỉ để vòng xoáy chạy đua vũ trang ngày càng khốc liệt hơn: Ngay trong mùa Hè ấy, Liên Xô hạ thủy tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của mình, và tiếp đó là hơn 500 tàu ngầm và tàu chiến được lắp 800 lò phản ứng hạt nhân xuất hiện khắp thế giới. Hôm nay vẫn còn lại chừng 300 chiếc hoạt động.  

Nautilus không có mặt trong số đó. Sau nửa triệu hải lý, nó được thải ra làm bảo tàng và dập dềnh đón khách tại US Navy Submarine Force Museum ở Groton (Connecticut).

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm