17/01/2018 07:17 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi mọi người hối hả chuẩn bị Tết nguyên đán cũng là lúc nhiều địa phương của Hà Nội tất bật chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018.
Với gần 1.100 lễ hội lớn nhỏ diễn ra mỗi năm, công tác tổ chức lễ hội tại Hà Nội không đơn thuần đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân mà còn tạo ra môi trường văn hóa văn minh, an toàn, nhất là trong bối cảnh tình trạng thương mại hóa, bạo lực trong lễ hội đang được nhắc đến nhiều.
Sẵn sàng cho mùa khai hội
Đến thời điểm này, các lễ hội diễn ra đầu năm như: lễ hội Đống Đa, chùa Hương, đền Sóc, đền Phù Đổng, đền Hai Bà Trưng, chùa Trăm Gian… đã sẵn sàng các phương án chuẩn bị. Đây là các lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài nên công tác đảm bảo văn minh, an toàn được Ban tổ chức các lễ hội đặc biệt coi trọng.
Công tác đảm an toàn an toàn, văn minh tại lễ hội chùa Hương Xuân Mậu Tất được đặt lên hàng đầu. Ban tổ chức lễ hội cử người hướng dẫn khách tham quan đặt lễ đúng nơi quy định, thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm những vi phạm, không để tồn tại các tệ nạn như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan…
Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội: Những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách, tranh giành khách, dẫn khách trốn vé sẽ bị xử lý nghiêm. Đối với các chủ hộ kinh doanh thực phẩm, Ban tổ chức lễ hội yêu cầu không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không treo móc thịt các loại trước cửa hàng gây phản cảm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại lễ hội Phù Đổng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), hoạt động văn hóa tưởng nhớ công đức của Thánh Gióng với tục cướp lộc hoa tre được dư luận đặc biệt quan tâm. Mặc dù các mùa lễ hội gần đây, các đoàn rước được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, hạn chế tình trạng tranh cướp lộc song cũng không tránh khỏi những xô đẩy hỗn loạn.
Năm nay, Ban tổ chức lễ hội tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội, có phương án bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và trầu cau thôn Đan Tảo theo đúng nghi thức, xử lý ngiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Hàng quán phục vụ du khách trảy hội được bố trí đảm bảo mỹ quan, không lấn chiếm lòng đường, nghiêm cấm buôn bán hàng giả, hàng nhái, trò chơi mang tính bạo lực, trò chơi mang hình thức cờ bạc…
Lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra vào mùng 5 Tết tôn vinh công lao và khí phách của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ luôn thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, quận đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng chống ùn tắc tại khu vực xung quanh Công viên văn hóa Đống Đa, hướng dẫn sắp xếp xe ô tô, phương tiện giao thông của nhân dân, khách dự lễ. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cờ bạc, mê tín dị đoan.
Hướng tới mùa lễ hội văn minh, an toàn
Tổ chức lễ hội văn minh, an toàn không chỉ là trách nhiệm của các địa phương nơi diễn ra lễ hội hay của cơ quan quản lý văn hóa mà từ nhiều năm nay, lễ hội là mối quan tâm của cả hệ thống chính trị tại Hà Nội. Năm nay, khi chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, từ cấp thành phố đến các sở, ngành và địa phương đều xây dựng kế hoạch đồng thời tổ chức họp bàn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, công tác tổ chức và quản lý lễ hội luôn được thành phố quan tâm. Sở đã làm việc với các địa phương, quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội đúng với thuần phong mỹ tục, đảm bảo an toàn văn minh. Với những lễ hội mang tính bạo lực như hội chọi trâu ở Phúc Thọ, Sở kiên quyết không ủng hộ và không cấp phép tổ chức đối với lễ hội này.
Trước mùa lễ hội năm 2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã có văn bản gửi lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn thành phố theo dõi biến biến trong các lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Và, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, phủ Tây Hồ và các lễ hội trên địa bàn thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức phần lễ và phần hội, sắp xếp, bố trí các địa điểm đón khách, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội.
Các dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức phải chấm dứt trong mùa lễ hội này. Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện sắp xếp lại hàng quán, đảm bảo tất cả các khu vực I của di tích không được kinh doanh ăn uống, xử lý triệt để các vi phạm về kinh doanh ăn uống, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan, gây phản cảm…
Văn Cảnh - Mạnh Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất