09/04/2012 11:06 GMT+7 | Man United
(TT&VH) -“Không có chữ “tôi” nào trong từ “tập thể” là một câu sáo ngữ ưa thích của các HLV bóng đá trong phòng thay đồ, nhưng rất hiếm đội thực sự làm được điều đó, như M.U của Alex Ferguson.
Trong khi những đối thủ của họ, Man City, Chelsea, Liverpool và cả Arsenal, cãi nhau từ sân tập vào đến phòng thay đồ, Manchester United đã không hổ danh (United tiếng Anh là đoàn kết, thống nhất) trong mọi chiến dịch thành công. “Sự đoàn kết là ưu tiên của chúng tôi ở đây”, Ferguson nói hôm qua. “Chúng tôi được xây dựng để gắn bó với nhau. Đó là điều không phải ở đâu cũng có”.
M.U có chiến thắng nhờ sự đoàn kết - Ảnh Getty
Để có một màn khẩu chiến nữa, chiến lược gia người Scotland đã có thể nhắc tới sự cố Balotelli và Kolarov tranh nhau thực hiện một quả đá phạt của Man City vào tuần trước cũng như hàng tá những vụ việc khác liên quan tới Balotelli và Tevez ở Etihad. Nhưng Ferguson không cần làm thế, bất cứ ai cũng hiểu ông ám chỉ điều gì khi nói sự đoàn kết “không phải ở đâu cũng có”. Lém lỉnh hơn, HLV 71 tuổi này lấy ví dụ là vụ cãi nhau giữa... Hennessey và Johnson, hai cầu thủ của đội sắp xuống hạng Wolves. Thật là một kiểu móc máy khó chịu, khi Man City biết rõ ông ám chỉ họ, nhưng chẳng có cớ gì để đáp trả hay cáo buộc Ferguson can dự vào nội tình của mình.
Ông nói thêm: “Những cầu thủ như (Rio) Ferdinand, (Michael) Carrick, (Paul) Scholes và (Ryan) Giggs đảm bảo sự đoàn kết đó. Có những cầu thủ trẻ trong phòng thay đồ tự hỏi tại sao Giggs và Scholes có thể chơi bóng lâu như thế, và nếu họ muốn học hỏi điều đó, trở thành những cầu thủ ở đỉnh cao trong một thời gian dài, thì họ phải khiêm tốn và lắng nghe. Lẽ đó, Giggs hay Scholes trở thành những ví dụ tuyệt vời cho (Danny) Welbeck, (David) De Gea, (Rafael) Da Silva và (Tom) Cleverley. Một đội bóng có thể thắng trận mà không cần sự đoàn kết, nhưng để vô địch, đó là điều không thể thiếu”.
Những than phiền về việc Man City thiếu chiều sâu đội hình của HLV Mancini nghe thật lố bịch dựa trên số tiền mà các ông chủ người A-rập đã bỏ ra ở Etihad, nhưng không phải là hoàn toàn vô lý. Đội bóng áo xanh phụ thuộc vào chỉ một số ít những ngôi sao bạc triệu. Ferguson, ngược lại, luôn nhấn mạnh vào vai trò của một tập thể lớn với trách nhiệm được san sẻ đồng đều. M.U đã sử dụng tất cả 31 cầu thủ ở Premier League mùa này, nhiều hơn tới 17 người so với Aston Villa khi đội này vô địch giải Ngoại hạng cũ còn đá 42 trận mùa giải 1980-1981, thay vì 38 trận như hiện nay. Những cầu thủ của Ferguson vào đầu mùa dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn, như Vidic, Fletcher, Cleverley và anh em nhà Da Silva, đều chưa đá quá 10 trận mỗi người mùa này.
Khi Vidic rách dây chằng chữ thập ở Basel vào tháng 12, đó dường như là một thử thách mà M.U khó lòng vượt qua. Với Ferdinand liên tục gặp vấn đề vì chấn thương lưng, trung vệ người Serbia trở thành trụ cột gần như không thể thay thế phía trước khung thành De Gea, vừa là người đá cặp, vừa là thầy phụ đạo cho những tài năng trẻ như Phil Jones và Chris Smalling. Ngay cả Ferguson cũng công khai thừa nhận đó là một vấn đề lớn với đội bóng áo đỏ. Tuy nhiên, Ferdinand đã dần bình phục và hiện giờ đang như có một khởi đầu mới trong sự nghiệp của anh.
“Đây có lẽ là giai đoạn phong độ ổn định nhất của cậu ấy trong một thời gian rất dài vừa rồi”, Ferguson nói. “Cậu ấy thậm chí còn chơi hay hơn thời trẻ, khi cậu ấy đôi lúc phạm sai lầm vì bất cẩn hoặc chủ quan. Giờ thì với kinh nghiệm lâu năm, cậu ấy không phạm những sai lầm như thế nữa. Khi còn trẻ, cậu ấy có thể chạy nhanh hơn hầu hết các tiền đạo và tận dụng điều đó, nhưng giờ thì khác, cậu ấy lùi sâu hơn, nhưng đó không phải là vấn đề bởi với kinh nghiệm, cậu ấy vẫn chơi rất hay, nhất là bên cạnh những người trẻ, như (Johnny) Evans và De Gea”.
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất