Vấn đề "đóng kịch" ở Premier League: Làm sao trừng trị cầu thủ như Suarez và Young?

10/10/2012 13:00 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Những cú ngã giả vờ đã trở thành đề tài nóng nhất ở Premier League mùa giải này, nhưng cho tới giờ có vẻ như các nhà làm luật bóng đá vẫn chưa hề nghĩ ra cách nào để ngăn chặn.



Suarez là trùm "ăn vạ"

Đó là những cái tên cũ, những trò cũ, những lời than phiền cũ và sự tức giận cũng đã cũ. Sau khi chứng kiến Luis Suarez đổ vật xuống như bị đạn bắn ở Anfield vào tối Chủ nhật, HLV Stoke, Tony Pulis, đã không kiềm được cơn giận: “Tôi rất lo lắng với tình hình hiện tại khi các cầu thủ tìm cách gây áp lực lên trọng tài bằng những tình huống như vậy. Công việc của họ vốn dĩ đã khó khăn. Các cầu thủ chuyên nghiệp lẽ ra không nên làm như thế. Hãy cấm anh ta 3 trận và việc ăn vạ sẽ chấm dứt vĩnh viễn”.

Khả năng LĐBĐ Anh (FA) bổ nhiệm Pulis làm Giám đốc kỹ thuật còn cao hơn việc Suarez bị treo giò, nhưng HLV Stoke đã tỏ ra có lý. Trong sâu thẳm, mọi cầu thủ, dù là Suarez, Gareth Bale hay Ashley Young, đều hiểu rằng như thế là sai, nhưng bảng tỉ số đã khiến họ không làm khác đi.

Điều đầu tiên nhà chức trách có thể xem xét là thêm một trọng tài ở mỗi đường biên ngang. Phương pháp này từng được Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini coi là một phép màu chữa bách bệnh cho bóng đá. Trong khi còn nhiều người nghi ngờ, Chủ tịch ủy ban trọng tài của UEFA, Pierluigi Collina, đã chỉ ra trong báo cáo mới đây của ông rằng hiệu ứng là rất tốt. “Sự có mặt của thêm trọng tài làm giảm mạnh những sự cố như kéo áo, ăn vạ, chơi tiểu xảo, nhất là trong các tình huống cố định… Chúng ta đều đã thấy điều đó ở EURO 2012, với số bàn thắng bằng đầu tăng cao”, Collina viết.

Thứ hai là sử dụng bằng chứng từ máy ghi hình trực tiếp trong các trận đấu. Đây là một giải pháp có thể sẽ gây tranh cãi nhất, dù nó gần như chắc chắn chấm dứt tình trạng ăn vạ. Một cầu thủ đương nhiên sẽ không ngã giả vờ nếu biết trước chỉ 30 giây sau anh ta sẽ nhận thẻ vàng, với công nghệ ghi hình và quay chậm như hiện nay. “Chúng ta phải nói điều đó với ngài (Sepp) Blatter (Chủ tịch LĐBĐ thế giới FIFA). Premier League sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu áp dụng nhiều công nghệ hơn. Quần vợt, cricket, bóng bầu dục, bóng rổ, bóng đá Mỹ đều đã dùng công nghệ. Tại sao bóng đá thì không? Tại sao chúng ta lại từ chối việc có 99,9% quyết định là chính xác?”, ông chủ của Wigan là Dave Whelan đặt câu hỏi. Để trả lời Whelan, áp dụng công nghệ chắc chắn sẽ khiến trận đấu gián đoạn, dù rằng nếu cầu thủ biết họ sẽ bị phạt ngay lập tức thì có lẽ họ không gian lận nữa và nhờ thế, sự gián đoạn trận đấu chưa chắc đã diễn ra.

Phạt nguội?

Cũng sử dụng công nghệ, còn có một giải pháp trung dung hơn để xử lý vấn đề. Đó là thay vì phạt ngay tại chỗ, thì nhà chức trách có thể phạt nguội thông qua bằng chứng trên video. Biện pháp này ít ra nhận được sự ủng hộ công khai từ các HLV, bao gồm Arsene Wenger, Pulis, David Moyes và nhiều người khác. Tuy nhiên, FIFA tỏ ra không mặn mà với ý tưởng này bởi trước giờ họ vẫn coi quyết định của trọng tài trên sân là tối thượng và cuối cùng, với lo ngại phạt nguội sẽ gây ra tiền lệ những sự kiện khác trên sân cũng bị xem xét lại và nguy cơ gây ra khiếu kiện lằng nhằng giữa các đội bóng.

Roy Hodgson, khi còn dẫn dắt West Brom, chỉ ra một nguy cơ khác của biện pháp này: “Nó sẽ nêu ra một số câu hỏi về vấn đề người tiếp cận các đoạn băng. Liệu họ có đánh giá tình huống từ cái nhìn của vị trọng tài trên sân, tức là không thiên vị, hay họ chỉ muốn tìm kiếm tội lỗi và trừng phạt cầu thủ?” Một cách làm có thể tham khảo là giải vô địch bóng đá nhà nghề Mỹ Major League Soccer, nơi một ủy ban năm người được thành lập để đưa ra phán quyết về mọi trường hợp treo giò.

Thật ra, Wenger vào đầu năm nay từng đề xuất điều đó ở Premier League. HLV của Arsenal muốn có một siêu ủy ban về đạo đức. “Với ủy ban này, một pha ăn vạ rõ ràng sẽ bị trừng phạt bởi một lệnh cấm 3 trận, nhưng phải là rõ ràng. Lấy ví dụ, Ashley Young trong trận gặp QPR. Tôi sẽ không phạt anh ấy nếu tôi không chắc anh ấy có ngã vì bị mất thăng bằng hay không. Nhưng riêng trường hợp này, mọi việc quá rõ ràng”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ định nghĩa thế nào là “ăn vạ rõ ràng”. Ranh giới thật ra là rất mong manh. Với những nghệ sĩ tầm cỡ như Suarez, anh hiếm khi nào ngã vờ một cách trơ trẽn, thường là luôn có sự tiếp xúc với cầu thủ đối phương, và khi đó, thật khó nói thế nào là “ăn vạ rõ ràng”.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm