Real đã thắng Barca như thế nào? Man United dưới tầm Chelsea. Sir Ferguson thực sự muốn nói gì?

28/10/2014 14:46 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Thethaovanhoa.vn trân trọng gửi tới bạn đọc góc nhìn của chuyên gia bóng đá Gabriele Marcotti về một số sự kiện nổi bật của bóng đá Châu Âu tuần qua.

Real Madrid đã đánh bại Barcelona như thế nào?

Bạn không thể mô tả chiến thắng của Real trong trận kinh điển là một chiến thắng về chiến thuật. Ông Carlo Ancelotti đã nói trước trận đấu là sẽ không có bất ngờ trong cách bố trí nhân sự của mình và quả đúng như vậy.

Madrid không tung vào sân một đội hình mới mẻ hay chơi với chiến thuật mới mẻ. Họ đơn giản là tìm ra một phương cách và triển khai nó để làm cho một đội hình vốn mạnh về công hơn thủ vận hành có hiệu quả trước một Barca có sức công phá khủng khiếp.

Ancelotti đã làm hai việc trong các buổi tập là thuyết phục các cầu thủ chơi kỹ thuật của Madrid chấp nhận hy sinh nhiều hơn, chạy và tham gia phòng ngự nhiều hơn. Đó là những việc mà họ hiếm khi làm trước đó. Hai là, dạy cho họ thấy khác biệt giữa việc chạy “chiến thuật” và chạy không có ý đồ nó khác nhau thế nào.



Real thắng xứng đáng trận kinh điển

Phương pháp của Carlo là sự pha trộn giữa nghệ thuật dùng người và cách đọc trận đấu. Trong khi đó bên phía Barca, ông Luis Enrique đã thực hiện 3 quyết định về nhân sự và cả ba đều bị chỉ trích. Thứ nhất, ông chuyển Jeremy Mathieu từ trung vệ sang đá hậu vệ trái. Ý đồ của Enrique là để kiểm tỏa Cristiano Ronaldo ở cánh phải đồng thời để Mathieu bao sân cho Neymar.

Đành rằng Mathieu đã chơi hậu vệ trái trong phần lớn thời gian của sự nghiệp cho tới nay nhưng mùa trước anh đá trung vệ rất tốt. Có lẽ ông Enrique muốn giữ nguyên sự liên kết giữa Mascherano và Pique ở trung tâm hàng thủ. Nhưng việc ông điều Mathieu đá hậu vệ trái đã lấy đi cơ hội của Jordi Alba.

Thực tế Mathieu hiếm khi dâng cao tấn công và hỗ trợ tấn công, khiến Neymar phải một mình tự biên tự diễn ở cánh trái. Quyết định nhân sự thứ hai cũng gây tranh cãi là chọn Xavi đá chính thay vì Ivan Rakitic. Xavi là huyền thoại và có nhiều kinh nghiệm đá các trận kinh điển nhưng sự hiện diện của Xavi đã tước đi cơ hội thi đấu từ đầu của Rakitic, đồng nghĩa với việc khả năng chuyền bóng và năng lượng của tiền vệ Croatia không có điều kiện phát huy.

Mà những phẩm chất ấy của Rakitic có thể là vô giá khi đối đầu Real Madrid, nhất là trong bối cảnh ông Enrique lại đưa ra quyết định nhân sự thứ ba là để Luis Suarez đá chính. Sự hiện diện của Suarez trên hàng công khiến hàng tiền vệ của Barca hầu như không có người bao sân. Không phải vì Suarez không sẵn sàng làm việc đó, không muốn lùi về phòng ngự.

Chúng ta đã thấy anh làm việc đó nhiều lần với tuyển Uruguay và ở Liverpool. Vấn đề là điều đó đòi hỏi sự chính xác và tính thời điểm mà những cầu thủ chơi trận chính thức đầu tiên cho đội bóng mới khó lòng có được. Đúng là Suarez đã lùi về, đã di chuyển vào trong, đã cố gắng điều chỉnh vị trí của mình dựa trên sự di chuyển của Messi, đã kiến tạo cho Neymar ghi bàn mở tỷ số và tạo cho Messi một cơ hội ghi bàn mười mươi ở phút 22 nhưng tất cả những sự di chuyển ấy đều là ngẫu nhiên, đều là bản năng.

Để di chuyển hợp lý khi tấn công đồng thời tham gia phòng ngự thì người ta cần có sự phối hợp đồng bộ và đó là điều Barca không làm được. Bộ ba tấn công của họ đã không gây được sức ép như đầu kỷ nguyên Guardiola. Họ cũng không lùi về bao sân ở trung tuyến tốt như lẽ ra họ cần phải làm được.

Người ta vẫn cảm thấy Barca vẫn có thể thực hiện 1-2 quyết định nhân sự như Luis Enrique đã làm. Nhưng khi thực hiện cả 3 lựa chọn nhân sự nói trên cùng lúc thì hệ quả để lại là hết sức tai hại. Mặt khác, bạn cũng có thể mô tả trận kinh điển như là cái đẹp hay sự tàn nhẫn trong bóng đá khi thành bại chỉ cách nhau một tấc gang. Nếu Barca dẫn trước 2-0 thì trận "Kinh điển" có lẽ đã diễn ra theo một kịch bản khác. Barca có thể không tiếp tục tấn công nữa mà chuyển sang đá phòng ngự phản công.

Nhưng đấy là giả định còn thực tế Real đã chiếm ưu thế trong hiệp 2 và những gì diễn ra cho thấy là họ thắng xứng đáng. Bây giờ Luis Enrique sẽ phải làm gì? Dĩ nhiên là phải làm cho bộ ba Neymar-Messi-Suarez “bắt sóng” của nhau tốt và việc ông sẽ làm phải dựa trên những gì mà các cầu thủ thể hiện chứ không phải dựa trên kết quả thi đấu của Barca. Vì thực tế là với hỏa lực khủng khiếp ở tuyến đầu, Barca vẫn có thể chiến thắng dù đá tồi.

Barca vẫn dẫn đầu Liga. Có lợi thế đá trận "Kinh điển" lượt về trên sân nhà. Do đó, họ vẫn đang nắm quyền tự quyết. Vấn đề là họ phải tìm được sự cân bằng hợp lý. Sự kết hợp Neymar-Messi-Suarez không phải là viễn tưởng mà hoàn toàn hiện thực. Nhưng không phải một sớm một chiều mà làm được. Ông Enrique phải làm sao để họ ăn ý với nhau, phối hợp nhịp nhàng với nhau trong cả tấn công lẫn phòng ngự.

Với Madrid, 9 trận thắng liên tiếp với 38 bàn thắng được ghi là những con số biết nói. Phải có lời khen cho các nghệ sỹ áo trắng đã sẵn sàng hy sinh và biến mình thành những công nhân khi cần thiết. Nhưng thật khó để họ làm việc đó suốt mùa giải. Thế nên trong một số trận đấu họ sẽ cần sự hỗ trợ từ các cầu thủ khác. Như Sami Khedira hay Asier Illarramendi, hay một viện binh nào đó đến Bernabeu trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông sắp tới.

Man United của Louis van Gaal có tiến bộ…chậm

Việc hai HLV của hai đội bóng đối đầu nhau nhìn nhận một trận đấu theo hai cách khác nhau là hết sức bình thường. Ông Mourinho thì ca ngợi học trò sau trận hòa 1-1 với Man United. “Chúng tôi không hài lòng với 1 điểm có được. Chelsea đã cho thấy chúng tôi chơi tốt thế nào”.

Ông Louis van Gaal lại cũng nói điều tương tự nhưng là dành cho Man United của ông: “Kết quả này có tốt không? Tôi nghĩ là không nhưng về lối chơi thì chúng tôi đã chơi tốt. Man United đã tạo ra nhiều cơ hội, nhiều hơn nhiều so với Chelsea. Lẽ ra chúng ta phải kết thúc trận đấu trước hiệp 1. Nhưng chúng tôi không làm được và họ đã ghi bàn”. Ông còn bồi thêm là “Man United xứng đáng với 1 điểm có được và Mourinho biết điều đó”.

Trong những trận đấu kiểu này, sự thật nằm đâu đó giữa hai tuyên bố nhưng có lẽ gần hơn với một phía. Đúng là United đã tạo ra các cơ hội, đã sút cầu môn nhiều hơn Chelsea nhưng số cơ hội ghi bàn rõ rệt thì họ không nhiều hơn. Mourinho có lý khi chỉ trích trọng tài Phil Dowd đã bỏ qua tình huống hậu vệ United đã vật ngã Ivanovic  và John Terry trong vòng cấm ở hiệp 1. Lẽ ra đó phải là một quả penalty cho Chelsea.



Con đường phía trước Louis van Gaal còn rất dài

Bàn thắng của hai đội đều xuất phát từ lỗi phòng ngự.  Rafael chỉ có một mình chống lại Drogba còn Kurt Zouma đã phản ứng chậm trong tình huống Robin van Persie đá bồi gỡ hòa ở phút 94. Ngoài ra thì hai thủ môn đã có những pha cứu thua xuất sắc. Nhưng nhìn chung thì Chelsea đã chiếm ưu thế bất chấp một ngày lặng lẽ của Cesc Fabregas.

Điều đáng bàn là có vẻ như United đã coi trận đấu này như một “trận đấu tuyên ngôn”, một bằng chứng sau ba tháng dự án của Louis van Gaal được triển khai, rằng họ có thể làm được như những gì HLV của họ nói là “một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới”. Đúng là Man United đã chơi theo cách riêng của mình nhưng là cách không giống với phong cách Van Gaal chút nào.

Hiệp 1 thì họ chơi như những công nhân để kiềm tỏa Chelsea và đá phản công. Hiệp 2 khi Chelsea tăng tốc và dẫn bàn thì họ buộc phải bám đuổi có vẻ như vô vọng cho tới khi Van Persie có bàn gỡ hòa muộn màng. Đó là lối chơi trái với phong cách Van Gaal truyền thống khi người ta đã quen thấy các đội bóng của ông chủ động tấn công đối thủ, đặc biệt khi đá sân nhà.

Việc Van Gaal chọn từ bỏ phong cách như vậy nói với chúng ta về những điều mà Man United ưu tiên làm lúc này là gì. Khi làm HLV một ĐTQG, với những lựa chọn nhân sự hạn chế, bạn cần đặt kết quả lên trên lối chơi. Nhưng đây là Louis van Gaal, một HLV có tiếng là luôn chủ động tấn công đối thủ chứ không phải là đá phòng ngự phản công kiểu này và ông đang dẫn dắt Man United.

Dĩ nhiên ông không có lỗi. Van Gaal cần giành điểm vào giai đoạn này nhưng đồng thời ông cũng cần tiếp tục xây dựng một Man United theo mô hình ông mong muốn. Trận chiến hôm Chủ Nhật cho thấy khoảng cách giữa United và Chelsea còn lớn và con đường phía trước của Van Gaal và "Quỷ đỏ" vẫn rất dài.

Thông điệp của Sir Ferguson

Một mặt Sir Alex biết rằng mỗi một lời về Man United mà ông nói ra đều sẽ bị mổ xẻ, phân tích đi, phân tích lại. Nhưng mặt khác, ông không muốn mình trở thành một người cổ vũ mù quáng cho đội bóng. Ông cũng không muốn mình cứ mãi bị nhắc đến là người đã chọn David Moyes kế nhiệm ở Old Trafford. Thế nên ông không im lặng. Ông phải nói ra một cái gì đó như là để khẳng định, để thanh minh cho mình.

Và chúng ta phải hiểu là ông đã cân nhắc câu chữ của mình rất cẩn trọng trước khi phát ngôn. Vậy phải hiểu thế nào về đánh giá của ông: “Man United đã tiến một bước, lùi hai bước” khi nhận định về phong độ của đội bóng từ đầu mùa tới nay? Trước hết ông đã tự lí giải ngay cho nhận định của mình rằng đây “là hệ quả của các chấn thương”, đặc biệt là trường hợp của Phil Jones. Điều đó cho thấy Sir Alex không muốn chỉ trích Louis van Gaal.

Nhưng khi ông nói “một bước tiến, hai bước lùi”, ông hoàn toàn biết rõ mình đang nói gì. Vế đầu của câu nói ấy hàm ý rằng đội bóng của Van Gaal có tiến bộ nhưng tiến bộ chậm. Vế sau nói rằng United đã tụt lùi. Về mặt thống kê thì đúng là United tụt lùi so với cùng kỳ mùa trước khi họ kém hơn thời điểm này mùa trước 1 điểm và mọi chuyện càng tệ hơn vì họ mới chỉ gặp 2 đội nằm ở top 10 mùa trước là Chelsea và Everton. Trong khi đó, cùng kỳ mùa trước United của ông Moyes đã đấu với Chelsea, Liverpool, Man City, Southampton và Stoke City. Tất cả các đội này đều kết thúc mùa giải ở nửa trên BXH.

Câu nói của Sir Alex còn hàm ý rằng ông không can dự vào việc sa thải ông Moyes hay bổ nhiệm ông Van Gaal. Những chuyện đó không liên quan gì tới ông. Đó là cách Sir Alex muốn nói với truyền thông để họ thấy chỗ đứng của ông lúc này. Ông vẫn là người quan tâm đến United nhưng không phải là người đang nằm trong nội bộ CLB này.

HT

Theo ESPN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm