Tổng Biên tập tờ AS: Án phạt cho Mourinho chỉ mang tính chính trị

06/10/2011 10:17 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Online) - Theo Tổng Biên tờ AS, Alfredo Relano, quyết định của Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha cấm Jose Mourinho chỉ đạo hai trận tại Siêu Cúp TBN, còn Vilanova bị cấm một trận, sau vụ “chọc mắt” nổi tiếng là một án phạt chỉ đơn thuần mang tính chất chính trị chứ không phải là thực thi công lý.


Ảnh AS

Trong một bình luận mang tựa đề “một án phạt chính trị sau 49 ngày”, Tổng biên tập tờ AS, một tờ báo thân Real Madrid, đã viết:

“Đã 49 ngày trôi qua sau vụ ầm ĩ đó. Đã có nhiều điều xảy ra trong cuộc sống của hai CLB, trong đó có sáu trận tại La Liga và hai trận tại Champions League, với 67 bàn thắng cộng một cuộc hội quân của đội tuyển quốc gia để Casillas và Xavi tận dụng làm hòa giữa hai đội bóng. Thậm chí, đã xảy ra hai cuộc “tiểu khủng hoảng” về kết quả thi đấu và cả hai đều được giải quyết một cách thành công. Guardiola đứng về phía cựu Chủ tịch  Laporta của Barca khiến Chủ tịch đương nhiệm Rosell khó chịu, trong khi Chủ tịch Florentino định nghĩa lại “el senorio” (tính cách cao quý) của Real Madrid để phù hợp với phong cách của Mourinho. Cũng trong thời gian đó, các trọng tài đã ăn cắp ba quả phạt đền của Messi và Cristiano cảm thấy mình bị truy nã vì tự xưng là đẹp trai và giàu có.

Tất cả những điều đó đã xảy ra và cả một số điều khác nữa, mà nói ra thì bài viết ngắn này không thể chứa hết. Và bây giờ, sau một thời gian dài, lại có vụ án phạt làm sống lại một hình ảnh mà đáng ra nó không bao giờ nên xảy ra. Tại sao lại chậm trễ như vậy trong khi vụ va chạm giữa Oezil và Villa được giải quyết ngay lập tức? Câu giải thích nằm ở chỗ hành động chọc mắt không được ghi trong biên bản sau trận đấu (chẳng biết 4 ông trọng tài này là như thế nào nữa) và sự việc phải xem xét đi, xem xét lại, mất tới 49 ngày. Việc một ông này chọc vào mắt một ông kia và bị đáp trả bằng một cú đẩy người chả nhẽ lại phức tạp đến thế ư? Xem ra sự sâu sắc về pháp lý của vụ này thật khủng khiếp.

Sự thật của câu chuyện này nằm ở chỗ tất cả những gì liên quan đến Madrid và Barca đều là chất dễ cháy, nhất là lại có Mourinho ở giữa. Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha đã định “lờ” vụ này đi nhưng Liên đoàn Bóng đá châu ÂU (UEFA) , vốn cho rằng Tây Ban Nha thường nhẹ tay với các sai phạm, đã không cho phép vụ chọc mắt bị bỏ qua. Và thế là sau những 49 ngày, một cái gọi là “án phạt chuột nhắt” đã ra đời (bao giờ mới đến Siêu Cup) và nó chỉ làm sống lại những hình ảnh và vụ việc chẳng đẹp đẽ gì giữa hai ông lớn của Tây Ban Nha. Họ (Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha) không thực thi công lý, họ chỉ làm chính trị mà thôi".

Khang Chi (lược dịch theo As) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm