Sau vụ thủ môn Bửu Ngọc kiện CLB Đồng Tháp: Bài học cho ai?

20/12/2014 13:49 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Vào phút cuối, VFF phải đứng ra hoà giải để Bửu Ngọc và CLB bóng đá Đồng Tháp đạt được thoả thuận thanh lý hợp đồng, tạo điều kiện cho thủ thành ĐTQG tìm bến đỗ mới. Cái giá cuối cùng đưa ra khả năng là hơn 1 tỷ đồng để đổi lấy sự tự do cho Bửu Ngọc.

Đến lúc này, người ta mới tự hỏi, tại sao sự việc tranh cãi lại diễn ra dai dẳng đến thế, khi nền bóng đá đã có sẵn Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và cao hơn là Bộ Luật Lao động hiện hành, trong đó quy định rất rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên?

Khá ngạc nhiên khi phần phụ lục hợp đồng (3 năm) của Bửu Ngọc với Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp (cũ), với đại diện là nguyên GĐĐH Lê Ngọc Chức, chỉ quy định mức lương (18 triệu đồng/tháng), mà không có điều khoản rõ ràng nào nếu một trong 2 bên vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

“Mâu thuẫn hoặc tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng trước tiên sẽ được 2 bên thương lượng giải quyết”, Điều 6, Hợp đồng lao động số 06/2013 giữa Bửu Ngọc và Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp quy định. Phải chăng đó là lý do mà cuộc thương lượng (giá cả) kéo dài đến gần 2 tháng khiến đôi bên thiếu chút nữa đưa nhau ra toà?

Phải chăng chính vì cung cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp của Đồng Tháp đã khiến họ từng bị chảy máu bao nhân tài, và việc thu hồi vốn để tái tạo đầu tư là không đáng kể. Trong lịch sử chuyển nhượng của bóng đá xứ bưng biền, có lẽ chỉ Tấn Trường (chuyển đến XMXT.Sài Gòn với giá 9 tỷ, Trường được hưởng 10%) và bây giờ là Bửu Ngọc, Thanh Hào là những thương vụ được giá.

Bửu Ngọc đã khẳng định được tên tuổi của mình trong màu áo CLB Đồng Tháp. Ảnh: V.V

Song song với đó, VFF và VPF đứng ở đâu trong cuộc chơi mà họ là nhà quản lý, tổ chức? Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi liên tục nhưng vẫn khó hợp thời, và đồng thời không có bất cứ chế tài nào về giới hạn quỹ chuyển nhượng chung.

“Đèn nhà ai nấy sáng”, đó là hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam cấp CLB trong quá khứ và cả tương lai gần. Có một giai đoạn, bóng đá nội gần như được khoán trắng cho các ông bầu, dẫn đến việc thị trường chuyển nhượng bị lũng đoạn, thiếu kiểm soát, giá cầu thủ như "ngựa phi nước đại", vượt xa so với năng lực cống hiến.

Nếu không có một đội bóng khác đứng sau lưng, thử hỏi một người không có khả năng tích luỹ như Bửu Ngọc đào đâu ra số tiền 1,2 tỷ đồng bồi hoàn cho Đồng Tháp để kịp đăng ký danh sách mùa giải mới? Kinh nghiệm cho thấy, trong phần lớn những vụ tranh chấp quyền lợi xảy ra giữa cầu thủ và CLB, thường người làm thuê vẫn phải chịu thiệt thòi.

Trên thực tế, những người gắn bó với nền bóng đá đã từng phát triển ý tưởng xin thành lập Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đội ngũ lao động chính trong địa hạt bóng đá, nhưng năm lần bảy lượt đều bị phủ quyết. Phải đối đầu hay mặc cả với nhau là chuyện vạn bất đắc dĩ, vậy tại sao không thể nói chuyện với nhau bằng luật?

Chắc chắn trong tương lai gần, nếu nền bóng đá muốn thực sự tiến lên chuyên nghiệp thì Hiệp hội cầu thủ phải ra đời và cùng với đó là vai trò của người đại diện cầu thủ (chứ không phải cò tự phát như hiện tại).

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm