24/07/2011 19:00 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH Cuối tuần) - Cesar Menotti, người có biệt danh “El Flaco” (Ông còi), được coi là một triết gia của bóng đá thế giới. Ông từng có câu nói nổi tiếng “Bóng đá là ánh xạ của cuộc sống”. Năm nay 72 tuổi, ông đã chính thức rời bỏ nghiệp huấn luyện vào năm 2007 để phản đối Chủ tịch đội Estudiantes Tecos can thiệp vào công việc của mình.
Cesar Menotti - Ảnh Getty |
Điểm hẹn của cuộc phỏng vấn giữa “triết gia bóng đá” Cesar Luis Menotti, người đã đưa Argentina đến chức vô địch thế giới năm 1978, và phóng viên của nhật báo La Repubblica ở Italia, là một căn phòng ở trung tâm Buenos Aires. Trời rất lạnh. Bây giờ ở nam bán cầu đang là mùa Đông. Dưới tấm kính trên bàn nước là ảnh của các con ông. Trên tường là sách, rất nhiều sách. Chiếc gạt tàn thuốc lá sạch bong trên bàn. Ông vừa bình phục sau một ca phẫu thuật phổi, hậu quả của hàng chục năm hút thuốc liên miên.
“Thuốc lá là người tình của tôi”
* Ông cảm thấy thế nào sau khi bỏ thuốc lá?
- Tệ lắm. Tháng đầu tiên thật là khủng khiếp. Các bác sĩ luôn khăng khăng bảo rằng, bỏ thuốc thì sống lâu hơn và bệnh thì cũng ít đi. Nhưng đúng là đám bác sĩ mổ ngày xưa còn tệ hơn. Giờ thì họ chỉ cần một cái máy mổ, bấm kêu ro ro, thế rồi họ mổ cho bạn. Thậm chí họ còn không làm dây máu ra áo blouse nữa kìa.
* Ca mổ của ông diễn ra thế nào?
- Tôi bảo bác sĩ: “Ông thích làm gì thì làm. Tôi chỉ biết về bóng đá, không biết gì về phổi đâu”. Họ bắt tôi không được hút thuốc để có thể sống một cuộc sống bình thường. Nhưng mà bình thường với ai chứ? Thuốc lá là người tình của tôi. Giờ thì tôi buộc phải nghĩ là nàng đã chết.
* Vậy ông cũng đang xa bóng đá ư?
- Đội tuyển Tây Ban Nha đã làm sống lại trong tôi nỗi đam mê. Xem họ đá bóng khiến tôi phát mê đi. Bóng đá là 3 điều: Thời gian, không gian và những pha lừa bóng. Nhưng bây giờ, bóng đá không còn thời gian, không tìm kiếm không gian và chẳng còn ai thực hiện những pha lừa bóng nữa. Tôi cảm thấy chán ngán và tôi nghĩ đấy không phải là bóng đá nữa. 99,9% các HLV trên thế giới bây giờ ghen tị với Barcelona. Tất cả đều muốn trở thành Guardiola, nhưng phần đông lại không biết phải làm điều đó như thế nào.
“HLV giỏi quan trọng hơn những cầu thủ siêu sao”
* Guardiola nói rằng, với những cầu thủ giỏi...
- (cắt lời) Công việc của Guardiola là huấn luyện, đưa ra những ý tưởng rõ ràng và làm cho các cầu thủ hiểu được ông muốn gì. Những điều đó còn quan trọng hơn cả các cầu thủ giỏi. Nhưng chúng ta đến sân để xem ai là Pique chứ không phải Guardiola, ai đã là Pedro hay Busquets. Ngay cả Iniesta cũng đã từng không phải là một cầu thủ chính thức. Không phải Johan Cruyff là người đầu tiên phải chơi thế nào, mà người quan trọng nhất là Menotti. Bóng đá đã choán cả đời tôi. Người ta đã từng la ó huýt sáo Barcelona của tôi khi thấy đội bóng thực hiện quá nhiều đường chuyền. Lúc ấy, Maradona chơi như Messi bây giờ, trong khi Schuster đá ở vị trí của Xavi. Nhưng mỗi khi Schuster chuyền bóng cho Alexanco thì các khán giả bắt đầu huýt sáo. Họ chỉ hoan hô ầm ỹ khi chúng tôi đã dẫn trước 3-0.
* Tại sao ông rời khỏi Barcelona (Menotti chỉ làm HLV tại Barcelona một mùa, 1983/84 - TT&VH Cuối tuần)?
- Mẹ tôi chết trong cái năm mà nền dân chủ trở lại với Argentina. Tôi cần phải trở lại Argentina là vì thế. Chủ tịch Barcelona lúc ấy là Nunez đưa cho tôi một tấm séc trắng, bảo rằng hãy ghi vào đấy tên của cầu thủ nào mà tôi thích đưa về Barcelona. Tôi không ghi vào tên ai hết. Tôi muốn đẩy đi hết những tên tuổi lớn để nuôi dưỡng các tài năng trẻ. Điều ấy xảy ra sau khi chúng tôi giành được Cúp Nhà vua. Nhưng Real Madrid cũng chỉ đoạt được mỗi cái cúp bé tí tẹo ấy trong mùa bóng đã qua, thế mà họ cứ làm như là đã đoạt Cúp Liên lục địa ấy...
* Tầm quan trọng của HLV là ở đó?
- Ảnh hưởng của các giáo viên đến đâu thì còn phải tùy. Tôi rất yêu môn hóa học, bởi vì ông thày giáo đến lớp, phì phèo điếu thuốc trên môi, viết đầy lên bảng các công thức và nói: “Cần phải học cái này đến tận thứ ba cơ. Vì đơn giản là không thể học được”. Thế rồi ông bảo: “Bởi vì các em phải biết rằng, đời cũng như hóa học. Cần phải biết cách diễn giải nó”.
“Bóng đá hiện đại tràn ngập những Mourinho không biết cách thua”
* Hình ảnh của người thầy giáo hình như bây giờ hơi mờ nhạt thì phải...
- Trong 50 năm qua, người ta đã tạo ra một nền văn hóa hoàn toàn đứt đoạn. Người ta đã lấy đi của mọi người những khái niệm về tập thể và sự hòa nhập. Tôi là một người Marxist trong máu mình và tôi thấy cũng không cần phải lí giải về ý thức hệ ấy. Tôi chỉ thử xem xét thảm họa của chủ nghĩa tư bản đang tồn tại xung quanh tôi, mà bóng đá là một phần trong đó. Chủ nghĩa tư bản đã lấy đi trái bóng của nhân dân.
* Tại Argentina, liệu có thể tồn tại một dạng Guardiola?
- Nếu con người đó tồn tại, chắc tôi sẽ ám sát anh ta. Tại đây chỉ có một serie các loại Mourinho hoặc những người giống ông ta. Họ là loại HLV chỉ nghĩ đến chiến thắng, và nếu thua thì ngay lập tức nói rằng đấy không phải là lỗi của họ.
* HLV đội Tây Ban Nha, Vicente Del Bosque, bảo rằng ông luôn muốn có những cầu thủ như Busquets, nhưng phải cao hơn chút nữa. Còn ông thì sao?
- Cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi đã thấy chính là Pele. Khi đánh đầu, ông ấy nhảy cao hơn một chút và dùng ngực đỡ bóng. Ông ấy không biết phải làm thế nào hơn nữa.
* Như Messi...
- Có 4 ông vua bóng đá. Di Stefano, Pele, Cruyff và Maradona. Chúng ta đang chờ người thứ 5 và người đó chưa hề xuất hiện. Messi đã rất gần rồi, nhưng tôi sẽ vẫn chưa trao vương miện cho cậu ấy đâu. Tôi muốn thấy cậu ấy xa Barcelona và giành thắng lợi như cách mà Maradona đã có khi rời Barcelona để đến với Napoli. Thế anh có biết tại sao Messi hiện là cầu thủ hay nhất không?
* Không.
- Trước kia, mỗi khi cậu ấy chạm bóng, cậu ấy chỉ muốn phi thật nhanh để ghi bàn và chiến thắng bằng mọi giá. Bây giờ thì không. Anh ấy chuyền bóng cho nhiều người khác trên đường đến khung thành. Điều gì sẽ xảy ra với các cầu thủ ấy nếu không có Pep? Tại Barcelona, không có sự tự do tuyệt đối. Có những luật lệ cho phép các cầu thủ được cảm thấy tự do và thích thú. Madrid có thể mua cầu thủ, hết người này đến người khác và cuối cùng chiến thắng, nhưng trận thua 0-5 (hồi cuối tháng 11/2010) sẽ ám ảnh đến suốt đời. Trận thua ấy sẽ giết chết Mourinho mãi mãi.
“Không ai có thể sao chép Barcelona”
* Ông đã từng cho rằng, sau trận đấu, Mourinho đã tè cả ra quần.
- Chính tôi nói thế đấy. Ở trận đấu sau, tôi thấy Higuain, Adebayor, Benzema và Kaka bị đầy lên ghế dự bị. Đấy chẳng khác gì một HLV vĩ đại trừng phạt một lũ hèn nhát. Còn Real là một thứ lố bịch.
* Điều gì đã xảy ra với đội Argentina, khi Messi không thể nào tỏa sáng nổi?
- Khi tôi nói đến một nền văn hóa đứt đoạn, tôi đề cập đến những ai đã đọc văn hào Borges (nhà văn, nhà thơ người Argentina). Bóng đá như là cuộc sống vậy. Bạn không thể dậy vào lúc 6 giờ sáng và buộc phải đi tìm người phụ nữ của đời bạn được. Bạn có thể gặp nàng hoặc có thể không. Mỗi khi họ chạm được vào bóng, họ đều muốn chiến thắng. Thật là kinh khủng, một sự tra tấn. Ở Barcelona, có nhiều đường chuyền hơn bàn thắng. Phải như thế chứ. Hãy chuyền bóng đi. Đâu có khó gì đâu.
* Bây giờ thì Batista (HLV đội tuyển Argentina) yêu cầu các cầu thủ của mình hãy chơi bóng như Barcelona...
- Thật là ngu dại.
Menotti, ông là ai? Sinh ngày 5/11/1938 tại Rosario (Argentina), Cesar Luis Menotti là một trong số các HLV nổi tiếng nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới, một nhân vật thẳng thắn, dám nói lên suy nghĩ của mình và là một người đặc biệt, vì ông luôn đi theo một quan niệm duy nhất về bóng đá: Bóng đá phải đẹp và quyến rũ, dù ông không phải là một cầu thủ giỏi. Năm 1978, ông đưa Argentina đến chức vô địch thế giới trên sân nhà, nhưng vẫn bị chỉ trích nặng nề vì không triệu tập Maradona. Bốn năm sau, ông đưa Maradona đến Espana 1982 nhưng Argentina lại thất bại. Sau giải, ông cùng Maradona đến Barcelona. Nhà hiền triết và kẻ nổi loạn Kể từ sau khi rời Barcelona vào năm 1984, Menotti đã bắt đầu những hoạt động mới ngoài việc là một HLV, và chính điều ấy đã tạo nên dấu ấn lớn lao của ông đối với bóng đá thế giới. Ông chú ý nhiều hơn đến các triết lí bóng đá, tham gia giảng dạy về nghệ thuật bóng đá và tham gia nhiều show truyền hình. Menotti luôn thể hiện hình ảnh của một người nổi loạn, nhưng là “nổi loạn có học”, khi hay trích dẫn những câu nói hoặc viết của các nhà văn hoặc ca sĩ, từ Ernesto Sabato đến Joan Manuel Serrat, vào các câu phát ngôn của mình. Menotti rất quan tâm đến chính trị và thể hiện một thiên kiến cánh tả trong những năm mà chế độ độc tài cầm quyền ở Argentina. Mặc dù vậy, Menotti được coi là một trong số những nhà lí luận bóng đá hay nhất mọi thời đại, cùng với Johan Cruyff. Trong số những người chịu ảnh hưởng lớn của ông có cựu tiền đạo đội tuyển Argentina Jorge Valdano, người đã dẫn dắt Real Madrid ở mùa 1994/95 và làm TGĐ đội này trong những năm hoàng kim từ 2000 đến 2004. |
Thư Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất