Không xây dựng được đế chế, Mourinho sẽ không bao giờ vĩ đại

21/09/2015 16:30 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Nỗi ám ảnh của Jose Mourinho là  ông chỉ là HLV thành công trong 2 năm đầu. Ở Porto là 2 năm thành công, ở Inter Milan là chẵn 2 năm. Ở Real Madrid, sau 2 năm thành công là năm thứ 3 thất bại. Chelsea sa thải Mourinho đúng ở mùa thứ 3, vi thành tích tệ hại và mâu thuẫn với ông chủ Roman Abramovich.

Xây dựng thành công khó hơn đạt tới thành công. Đội Inter Milan mà Mourinho bỏ lại cho Rafael Benitez có lực lượng vào loại tốt nhất châu Âu lúc bấy giờ, với các cầu thủ chủ yếu đang trên đỉnh cao ở tuổi sau 20 hoặc chớm 30. Nhưng đội Inter đó đã thất bại vì thứ nhất, quá no nê thành công sau cú ăn ba Champions League, Serie A, cúp Italy cùng Mourinho trước đó; và thứ hai, không được làm mới bằng một dòng máu trẻ.

Sai lầm của Chủ tịch Massimo Moratti là đã không nhận ra cần phải tiếp tục đầu tư vào lực lượng trẻ thay vì đứng yên. Rafael Benitez tiếp quản một đội ngũ tài năng nhưng không thể thuần hóa được đội ngũ ấy, khi những thành phần chủ chốt trong đó ngưỡng mộ Jose Mourinho và một số thậm chí đã nói “sẵn sàng chết” vì ông.

Ngay sau thành công với Inter Milan, Mourinho rời đội bóng để đến thử thách mới Real Madrid. Thành công của Mourinho chỉ được xây dựng trên ngắn hạn và trong khoảng thời gian 2-3 năm, bằng một số thủ thuật quản lý kết hợp với sự đầu tư mạnh bạo của các ông chủ.

Mourinho không có thói quen nghĩ đến tương lai. Goran Pandev 27 tuổi, là người trẻ nhất của đội hình xuất phát Inter Milan đá chung kết Champions League gặp Bayern Munich tại Bernabeu mùa giải 2009-10. Những cầu thủ mà Mourinho mua về ở Inter đều đã 30 hoặc chớm ngưỡng này: Lucio, Diego Millito, Samuel Eto’o… Trong số 11 cầu thủ Porto đá chính hạ Monaco 3-0 ở chung kết Champions League tại Gelsenkirchen năm 2004, chỉ 1 người là Carlos Alberto ở tuổi dưới 25.

Ông là HLV thành công nhất, và có lẽ là tài năng nhất ở thế hệ của mình. Nhưng có một điều Mourinho chưa làm được là xây dựng lên một triều đại. Một đội bóng lên đỉnh cao 2-3 năm rồi sau đó xuống dốc, khoác lên mình một tấm áo bản sắc khác không thể được gọi là một triều đại. Đó phải là tập thể luôn hướng tới đỉnh cao, chinh phục nó, và rồi dưới sự định hướng của người quản lý, thay máu thế hệ để tiếp tục đi tới những nấc thang mới.

Sir Alex Ferguson đã tạo ra ít nhất 3 thế hệ thành công ở Manchester United gắn với lần lượt Eric Cantona, thế thệ 1992, và thế hệ của Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và Carlos Tevez. Ferguson không chỉ xây dựng một đội bóng mà ông còn xây dựng một CLB và thiết lập văn hóa bóng đá ở đó.

Trong cuộc trò chuyện với các sinh viên của đại học Havard, khi được hỏi bí quyết quản lý nào giúp ông trị vì một đế chế vĩ đại suốt 28 năm như vậy, Ferguson trả lời: “Điểm mấu chốt là tạo cơ hội cho người trẻ… Nếu nhìn thấy một khía cạnh chưa ổn, bạn phải tự hỏi rằng nếu cứ duy trì như vậy thì hai năm tới mọi chuyện sẽ diễn tiến thế nào”.

Ferguson tạo ra cả một nếp làm việc ở CLB. “Những năm sau này, rất nhiều nhân viên của tôi đã có mặt ở CLB khi tôi tới lúc 7 giờ sáng”, Ferguson nói. HLV người Scotland khá giống Mourinho ở chỗ ông luôn muốn chắc bản thân nắm quyền lực tối cao ở CLB và không ai dám thách thức quyền lực ấy. Nhưng điểm khác biệt quá rõ ràng, là Ferguson là một nhà quản lý nhìn thấy một bức tranh rộng lớn của mọi việc, trong hiện tại lẫn tương lai, thay vì con đường của Mourinho: chỉ từ phòng họp báo đến những chiếc cúp vào cuối năm.

Mourinho bực bội khi ai đó nói đến nỗi ám ảnh năm thứ 3 của mình. Bản thân ông đã không ít lần bóng gió mong muốn được gắn bó với Chelsea lâu dài và xây một triều đại của mình ở đây. Động thái thay thế Petr Cech bằng Thibaut Courtois, đảm bảo hai nguyên tắc quản lý đầu tiên mà Alex Ferguson luôn dùng: trao cơ hội cho người trẻ và đôi khi phải tàn nhẫn. Nhưng những động thái kiểu này chưa diễn ra trong phạm vi rộng ở Chelsea. Bằng chứng là đội hình xuất phát của họ gần như không thay đổi ở mùa này, và đến giờ, Mourinho vẫn phớt lờ yêu cầu gần như duy nhất của ông chủ Roman Abramovich: Đôn 1 cầu thủ từ đội trẻ lên đội 1.

3/5 thất bại đầu mùa đẩy Mourinho vào thử thách lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân. Thử thách này không chỉ ảnh hưởng đến chiếc ghế của ông ở Chelsea mà còn là một nỗi ám ảnh với Mourinho, người đang cố gắng nhưng chưa thể xây dựng được một triều đại khắc tên mình. Và nếu cuối tuần này, Mou thất bại trong trận đánh lớn nữa với Arsenal trong khuôn khổ vòng 6 giải Ngoại hạng Anh thì rất có thể, đó sẽ là giọt nước tràn ly.

Gia Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm