30/03/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chưa có một thống kê chính thức nào nhưng có một điều chắc chắn là: Mỗi năm, có cả chục cuốn sách ra đời mà hai chữ Sài Gòn luôn xuất hiện ở tiêu đề.
Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền (vừa tái bản sau lần ra mắt năm 2019) chính là một trường hợp như vậy, với hai chữ “Sài Gòn” là trọng tâm.
Xe buýt và hơn thế nữa
Cuốn sách là tập hợp những bài tản văn, du ký được nhà văn chia thành 5 phần: Sài Gòn, Trà Vinh, Hà Giang, Đông Nam Á, Ruổi rong nỗi nhớ. Nhưng thật ra cuốn sách có thể chỉ cần chia ra 2 phần: Sài Gòn và những miền nhớ khác. Cũng như đề tài của cuốn sách chỉ có thực tại và ký ức, hiện thực và hoài niệm.
Nữ nhà văn chia sẻ: “Tôi đến Sài Gòn 1977, học sư phạm kỹ thuật, ra trường năm 1981, rồi về Khánh Hòa sinh sống và làm việc. Sau khi về hưu, tôi lại chọn Sài Gòn và Nha Trang thành 2 nơi sinh sống thường xuyên của mình. Trở lại Sài Gòn, tôi bỗng nghĩ là mình cần phải viết gì đó về mảnh đất 2 lần duyên nợ với mình này”.
“Tôi muốn khám phá Sài Gòn của những tháng năm mình đứng tuổi khác gì với Sài Gòn những tháng năm tuổi trẻ nồng nhiệt. Và thế là tôi lên những chuyến xe buýt, quan sát Sài Gòn trên những chuyến đi” - bà nói thêm. “Những bài viết về đề tài Sài Gòn trong cuốn sách này đều được hình thành trên những chuyến xe như thế, trải nghiệm của tôi chính là trải nghiệm của những dịch chuyển”.
Đi vào thế giới tản văn của nữ nhà văn gốc Khánh Hòa này, người đọc sẽ thấy Sài Gòn ở những thứ rất bình dị: Một quán bên sông, một tiếng ve ngân lên từ những mùa Hè hồi ức, một con đường, một nhịp phố giờ cao điểm, một nhịp sống không ngừng nghỉ của thành phố này… Đó là những thứ được nhà văn viết nên bằng cảm xúc, bằng suy tư của một người chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn: 2 thể loại vốn vừa cần sự logic, vừa đầy những liên tưởng, so sánh liên tục.
Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nhận xét: “Có một dòng văn chương nổi lên gần đây và được giới nghiên cứu gọi tên là dòng văn học du ký nữ. Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ của Đào Thị Thanh Tuyền chính là cuốn sách thuộc dòng này. Nhưng không chỉ đơn thuần chỉ là ghi chép, so sánh giữa vùng đất này với vùng đất khác, giữa sự vật này với sự vật khác. Các bài viết trong cuốn sách cho thấy nhà văn đã chứa trong đó thế giới của những hồi ức, mỗi trang sách đều thấm đẫm cảm xúc”.
Nói cách khác, đây là cuốn du ký của những cảm xúc, cuộc thưởng ngoạn của hoài niệm. Cuộc thưởng ngoạn ấy, trong tập sách hơn 200 trang này, không chỉ bó hẹp ở phạm vi Sài Gòn hay Khánh Hòa mà nó chạy xuôi xuống miền Tây Nam Bộ, rồi lại chạy ngược lên những vùng đất Tây Bắc, và bay sang tận Lào, Myanmar, Indonesia… Ngược xuôi của địa lý với Đào Thị Thanh Tuyền cũng chính là ngược xuôi của tâm trạng.
Cuốn sách đặc biệt của một giọng văn đặc biệt
Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền sinh năm 1959, tại Diên Khánh, Khánh Hòa. Kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Đêm cuối năm xuất bản năm 2002 đến nay, bà đã có cho mình 13 đầu sách ở các thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp bút. Riêng tạp bút, cuốn sách mới nhất này là cuốn sách thứ 3 của bà.
Vốn được đánh giá là một giọng văn xuôi luôn đi trực diện, khuấy đảo mọi vấn đề được đề cập, các tác phẩm Đào Thị Thanh Tuyền không được xem là tác phẩm bán chạy, cuốn hút độc giả đại chúng. Nhưng cuốn tạp bút về Sài Gòn này là một trường hợp khác biệt.
Nhà văn Dạ Ngân, người được tác giả của Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ thân mật gọi là “sư tỷ”, chia sẻ về bà : “Tôi biết văn chương của Tuyền từ những ngày đầu tiên khi tôi còn làm ở báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Là người biên tập bản thảo sách của Tuyền đầu tiên trước khi sách đến nhà xuất bản, tôi biết sáng tác của chị không thuộc dòng sách thị trường, không thuộc dòng văn chương câu khách. Thế nên khi tập sách này ra đời, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, được tái bản, tôi vừa bất ngờ, vừa vui. Bất ngờ thì đã rõ nhưng tôi vui bởi điều này chứng tỏ nhà văn vốn có phong cách viết rất riêng này đã có một chỗ đứng riêng trong lòng độc giả. Nhà văn nào trong sự nghiệp cầm bút làm được điều này mà chẳng hạnh phúc”.
Mỗi cuốn sách ra đời đều có đời sống và số phận riêng biệt của nó mà chính những người tạo ra nó không thể nào ngờ được. Tập sách này là một ví dụ như thế. Có thể cuốn sách được bạn đọc đón nhận bởi nội dung đề cập, hoặc cũng có thể bởi cá tính văn chương mà tác giả mang lại, hoặc cũng có thể bởi một lý do nào đó. Nhưng chắc chắn có thể nói cuốn tạp bút về Sài Gòn của Đào Thị Thanh Tuyền đã vươn mầm sống đến những người yêu Sài Gòn và yêu văn chương.
Thật sự nở rộ trong khoảng 10 năm nay, những thể loại sách như: Tạp bút, du ký, biên khảo, nghiên cứu… về đề tài Sài Gòn bỗng trở nên cuốn hút độc giả. Không chỉ riêng người Sài Gòn bị hấp dẫn, bất kỳ ai yêu thích văn hóa đọc từng ghé “hòn ngọc Viễn Đông” này, từng học tập hay làm việc ở đây đều hào hứng với những gì viết về mảnh đất này. |
Bảo Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất