17/11/2015 23:05 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - “Họ bị thương rất nặng, đa số là bị đạn bắn, bị các vết găm do thuốc nổ, như là từ chiến trường trở về. Tôi tự hỏi không biết là mình có phải đang ở Paris hay không”.
Cô kể tiếp: “Vào khoảng 22 giờ ngày 13/11, khi tôi đang chuẩn bị xem một bộ phim trước khi đi ngủ, bệnh viện gọi tôi tới gấp. Một tiếng sau, tôi có mặt tại bệnh viện. Những người bị thương bắt đầu dồn dập được đưa về trong khoảng từ 23 giờ 30 phút đến nửa đêm. Chúng tôi tiếp nhận 15-20 trường hợp, một số được đưa thẳng tới phòng mổ. Chúng tôi phải lau dọn và sắp xếp lại, máu vương khắp nơi”.
Chia sẻ trong bài phỏng vấn với tờ L’Est Républicain, nữ y tá cho hay một số nạn nhân kể lại họ đã sống qua những giây phút kinh hoàng thế nào, họ đã thoát thân ra sao. Một số khác bị sốc nặng, họ không nói lời nào. Nhưng những người bị thương ở khắp nơi nên các nhân viên y tế không có nhiều thời gian để hỏi han họ.
* Như những vết thương chiến tranh
Những vết thương nặng ở bụng, ngực, bị xuất huyết, ngất xỉu… là những gì mà các nạn nhân của làn sóng tấn công khủng bố hôm 13/11 vừa qua tại Paris phải chịu.
Đa số họ đều là thanh niên và theo lời kể của các bác sĩ trực tiếp chăm sóc, cảnh tượng này giống như người dân Paris vừa trải qua một cuộc chiến.
Đó chính là “bầu không khí của một cuộc chiến”, Giáo sư Philippe Juvin, Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Georges-Pompidou nói khi nhớ tới dòng người bị thương ồ ạt được đưa tới bệnh viện. Ông cho biết 1/3 trong số đó đã được ngay lập tức đưa tới phòng phẫu thuật hoặc hồi sức cấp cứu.
“Các phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất”, vị bác sĩ từng có kinh nghiệm làm việc tại vùng có xung đột như Afghanistan nói.
“Đa số những người bị thương đều có vết đạn xuyên qua người. Thật kinh khủng”, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Lariboisière thốt lên qua lớp khẩu trang y tế. Riêng trong đêm 13, rạng sáng 14/11, các nạn nhân vụ khủng bố đã chiếm 8/12 khu phẫu thuật của bệnh viện này.
Giáo sư Sylvain Rigal, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình của Quân y viện Percy ở Clamart là chuyên gia hàng đầu của Pháp về thương tích do chiến tranh cho biết: “Trong đêm 14/11, chúng tôi đã tiếp nhận 16-17 người bị thương, đều là những ca cấp cứu nặng”. Tất cả họ đều đã được khẩn trương phẫu thuật, song rất tiếc một số đã ra đi ngay trong đêm đó, Giáo sư Rigal ngậm ngùi.
Theo lời ông kể, những bệnh nhân mà bệnh viện tiếp nhận sau làn sóng tấn công đẫm máu ngày 13/11 mang trên mình những vết thương chiến tranh. Tức là nạn nhân chịu rất nhiều thương tích, từ tay chân, tới ngực, bụng và đầu. Loại súng tiểu liên AK-47 mà những tên khủng bố sử dụng chính là những vũ khí thông dụng trong các cuộc chiến tranh, loại thuốc nổ tự chế của chúng cũng chính là các loại chất nổ được dùng trong tác chiến quân sự.
Ngoài những vết thương do sức công phá rất mạnh do đạn AK mà những tên khủng bố sử dụng gây ra, nhiều nạn nhận còn bị tổn thương cơ, xương gây ra do những bu-lông được gắn trong các đai thuốc nổ của những tên khủng bố nhằm làm tăng tính sát thương.
Rất nhiều trong số họ sẽ bị thương tật vĩnh viễn, các bác sĩ chia sẻ. Và với những người may mắn sống sót, họ sẽ phải trải qua nhiều tháng điều trị, cấy ghép các bộ phận.
Tương tự như trường hợp Philippe Lançon, nhà bình luận của tạp chí Charlie Hebdo, bị chấn thương hàm và phải trải qua hơn 13 lần phẫu thuật. Do vậy, theo Giáo sư Rigal, bệnh nhân của ông mang trên mình những vết thương của chiến tranh, đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
* Tổn thương về tinh thần
Nhưng tồi tệ không kém là những chấn thương về thần kinh do phải chứng kiến những cảnh tượng bắn giết kinh hoàng. “Đó giống như một cú knock-out về tinh thần”, Dominique Pateron, Trưởng khoa cấp cứu bệnh viên Saint-Antoine cho biết.
Bác sĩ Pateron dẫn một trường hợp bệnh nhân bị thương nặng do súng bắn ở tay và “dường như bị chấn động mạnh về tinh thần”. Khi được người khác hỏi về sự việc đã diễn ra, anh này hốt hoảng: “Tôi không biết gì, không nhìn thấy gì cả”.
Với các nạn nhân may mắn sống sót, chấn thương về tinh thần, tâm lý có lẽ sẽ đeo đẳng họ suốt đời. Nhưng với nhiều người dân Paris, cuộc sống vẫn phải tiếp tục.“Tại thời điểm đó, tôi không tin đó là sự thật. Nhưng không thể để nỗi sợ hãi xâm chiếm con người bạn, cũng không được để tâm thần hoảng loạn. Tôi hiện đang chăm một cậu bé cơ nhỡ và không muốn truyền cho nó cảm giác sợ hãi. Chúng tôi phải tiếp tục cuộc sống bình thường”, cô y tá trải qua một đêm kinh hoàng khẳng định.
* Còn nhiều thi thể chưa được nhận dạng
Thủ tướng Manuel Valls cho hay tới ngày 15/11, sau 36 giờ xảy ra vụ việc, vẫn còn 20-30 thi thể trong số 129 nạn nhân chưa thể nhận dạng. Điều này khiến nhiều người dân Paris phẫn nộ. Họ muốn biết chính xác số phận của thân nhân mình, đang trong viện điều trị hay đã thiệt mạng.
Chia sẻ với tờ L’Express, bác sĩ pháp y Jean-Marc Laborie giải thích mặc dù rất thấu hiểu áp lực từ dư luận xã hội, nhưng việc nhận dạng có thể sẽ cần thêm 48 giờ nữa do có quá nhiều nạn nhân. Chúng tôi không được phép mắc sai lầm.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố làm chậm quá trình xác định danh tính nạn nhân. Như trong vụ tấn công ở nhà hát Bataclan, nhiều nạn nhân hoảng loạn chạy trốn đã bỏ lại các giấy tờ tùy thân.
Còn với một số nạn nhân người nước ngoài cần có thêm thời gian để liên hệ với những thân nhân của họ. Thậm chí có những nạn nhân không có người đến nhận, có thể vì họ đã cắt đứt mối liên hệ với gia đình hoặc gia đình không biết rằng họ có mặt tại nơi bị tấn công.
Giang Hạ (Tin tức)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất