Bài toán “Một ông chủ 2 đội bóng”: Luật sư cũng phải chào thua

23/02/2011 12:35 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Đồng ý trao đổi với TT&VH về các vấn đề liên quan tới chuyện một ông chủ sở hữu đến 2, 3 đội bóng ở cùng một giải đấu, một vị luật sư thuộc một Văn phòng luật ở TP.HCM (xin phép được giấu tên), dù khá am hiểu về lĩnh vực thể thao song cũng đã phải lúng túng. “Nó không đơn giản như một vụ kiện tụng dân sự hay hình sự thông thường”, vị luật sư cho biết.

“Có thể thấy rõ, việc một ông chủ sở hữu nhiều hơn một đội bóng trong cùng một giải đấu là trái với nguyên tắc, đi ngược lại với các tiêu chí tốt đẹp về tính cạnh tranh của môn thể thao vua. FIFA cũng đã quy định như vậy và VN không phải là ngoại lệ. Nhưng, nếu chỉ đối chiếu điều lệ của VFF, thật khó để đưa ra một tư vấn pháp lý ở đây. Chúng tôi cần có thời gian để nghiên cứu các tài liệu như vậy, cùng sự hợp tác của rất nhiều các bộ phận khác nữa”, vị luật sư cho hay.

“Thời gian để nghiên cứu các tài liệu” tức là việc phải có cả một cuộc điều tra (mà bản thân các Văn phòng luật khó thể tự đảm đương, lời luật sư) về việc ông chủ ấy nắm bao nhiêu cổ phần trong HĐQT Cty, đơn vị sở hữu đội bóng và con dấu, chứ chưa nói đến chuyện đứng tên...

Mà nói ngay việc đứng tên, không có một tài liệu nào chứng minh ông bầu Đỗ Quang Hiển và ông bầu Nguyễn Đức Thụy trực tiếp điều hành các đội bóng của mình, bởi phần lớn đều do bộ phận giúp việc, hay các Cty thành viên của Tập đoàn đứng ra làm chủ sở hữu.

Hơn 2 mùa V-League vừa qua, HN T&T (áo trắng) và SHB.ĐN đều giành số điểm tối đa, khi họ chạm mặt nhau trên sân nhà của mình

“Nếu tất cả hợp lực lại, để chống lại điều phi lý và tạo ra một sân chơi lành mạnh, công bằng, tôi tin rằng trắng đen sẽ được làm rõ thôi. Nhưng vấn đề ở đây là ai chịu bỏ thời gian để tiến hành các cuộc điều tra. Nguyên đơn ở đây là ai? Các đối thủ (cảm thấy bị ép trong cuộc chơi) có sẵn sàng thuê người để điều tra và kiện không? Tôi nghĩ là hơi khó đấy. Đây là vấn đề của VFF, bởi sân chơi (V-League và hạng Nhất) là do tổ chức này tạo ra, nên phải có trách nhiệm với nó, trách nhiệm đảm bảo sự công bằng cho tất cả”, vị luật sư này tiếp.

Cổ nhân vẫn có câu: “Hai đánh một không chột cũng què”. Không công khai, không danh chính ngôn thuận, nhưng việc các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ (như cùng một chủ sở hữu, ở đây là Tập đoàn hay Tổng Cty chẳng hạn) toan tính có lợi cho nhau là điều rõ như ban ngày. Chuyện trao đổi người qua lại, hay việc biệt phái một (hay vài) cá nhân nào đó cho nhau chỉ là bề nổi. Hơn 2 mùa V-League vừa qua, HN T&T và SHB.ĐN đều giành số điểm tối đa, khi họ chạm mặt nhau trên sân nhà của mình.

Vẫn theo vị luật sư nêu trên, chừng nào bóng đá VN còn chưa giải quyết được những tồn tại như thế, các tiêu chí hướng đến một giải VĐQG mạnh và chuyên nghiệp vẫn là thứ xa xỉ, mơ hồ. Ông khẳng định: “Chẳng có giải đấu chuyên nghiệp nào mà người ta lại dễ dàng đoán ra được kết quả trước khi bóng lăn cả. Nhưng ở VN thì có đấy. Bản thân những người trực tiếp điều hành bóng đá VN, ở đây là các giải đấu như V-League hay hạng Nhất, cũng chưa từng dám khẳng định, các trận đấu “sạch” 100% cơ mà”.

Hãy đợi trận đấu giữa BHTS.Quảng Nam và SG.XT tới đây, kịch bản chắc cũng không khó đoán, bởi việc phân định kết quả trên sân không đơn thuần chỉ là việc mạnh được yếu thua.

TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm