16/03/2023 15:03 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Lươn là một loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Lươn có thể được dùng làm nguyên liệu của nhiều món ăn rất được ưa chuộng như: cháo lươn, miến lươn, súp lươn, lươn om chuối đậu, lươn xào sả ớt... Trước kia lươn chủ yếu chỉ được khai thác ngoài tự nhiên. Còn ngày nay, lươn được nuôi nhân tạo và trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng theo tờ The Guardian (Anh), tại châu Âu, loài vật trông giống rắn này đang bị đe dọa từ những kẻ buôn lậu, khủng hoảng khí hậu và sự "thèm khát" các món ăn truyền thống của người dân châu lục này.
Được quảng cáo là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời: một bữa ăn độc quyền do năm đầu bếp hàng đầu thế giới chế biến để đổi lấy sự hỗ trợ của nam diễn viên Robert De Niro trong việc quảng bá cho Hội nghị Thượng đỉnh Ẩm thực Toàn cầu Madrid Fusion tại Tây Ban Nha. Khi máy quay hoạt động và đèn flash bật sáng, các đầu bếp đã bày ra một bữa ăn thịnh soạn gồm 16 món với trứng cá hồi muối, tôm đỏ và nấm cục đen...
Ý tưởng này đã được hoan nghênh rộng rãi. Nhưng việc đưa vào hai món ăn chế biến từ lươn - một nguyên liệu phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu - vào thực đơn đã gây ra phản ứng trái chiều ở một số nơi.
Miguel Clavero Pineda - nhà khoa học cấp cao tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha - cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên. Giống như không có nhận thức rằng đây là một loài đang bên bờ vực tuyệt chủng."
Nhà sinh thái học này là một trong rất nhiều các nhà khoa học đang cố gắng nêu bật sự bất hợp lý của việc người châu Âu tiếp tục ăn món lươn – một loài động vật đang rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp, khi quần thể lươn tại châu lục này đã giảm hơn 95% kể từ những năm 1980.
"Thật điên rồ! Không nhà hàng nào nghĩ đến việc đưa linh miêu Iberia vào thực đơn của mình, nhưng chúng tôi đang ăn lươn", ông Clavero Pineda nói.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản châu Âu phụ thuộc vào lươn hoang dã
Theo tờ The Guardian, phần lớn việc tiêu thụ lươn ở châu Âu là do truyền thống, bắt nguồn từ thời kỳ lươn có rất nhiều ở các sông, suối và hồ trên khắp lục địa này. Tại các hội chợ ở Hà Lan, lươn hun khói vẫn là một món ăn phổ biến. Ở Đan Mạch, lươn được bác với trứng. Ở Ý, một số người đón Giáng sinh bằng món lươn chiên. Trong khi ở Tây Ban Nha, lươn con được áp chảo với dầu ô liu, tỏi và ớt; lươn được bán với giá hơn 1.000 euro/kg.
Khoảng 5.500 tấn lươn được khai thác bởi các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên khắp châu Âu hàng năm để đáp ứng nhu cầu từ thị trường châu Âu, cộng thêm hơn 1.000 tấn được đánh bắt trong tự nhiên mỗi năm.
Margreet van Vilsteren - một trong những người sáng lập công ty thủy sản Good Fish có trụ sở tại Hà Lan - cho biết, vẫn còn nhiều điều chưa được nghiên cứu về vòng đời của lươn, buộc các hoạt động nuôi trồng thủy sản phải hoàn toàn dựa vào việc đánh bắt lươn con trong tự nhiên.
Theo tờ The Guardian, việc các cơ sở nuôi trồng thủy sản này phụ thuộc vào lươn hoang dã khiến các nhà khoa học cho rằng cần phải cấm đánh bắt lươn con để bảo vệ loài vật này. Nhưng khuyến nghị của các nhà khoa học dần bị phớt lờ, cả bởi các chính trị gia châu Âu - những người tiếp tục cho phép đánh bắt một lượng nhỏ lươn con mỗi năm.
Van Vilsteren, người ủng hộ việc châu Âu không nên ăn lươn - cho biết: "Đó là một quyết định chính trị, không phải là một quyết định khoa học. Đã có một cuộc vận động hành lang rất lớn từ lĩnh vực này, bởi vì nếu không thì sẽ không có hoạt động đánh bắt nào được phép."
Van Vilsteren cũng chỉ ra rằng, hoạt động đánh bắt chỉ là một trong nhiều yếu tố đã đẩy lươn đến bờ vực tuyệt chủng. Mê cung của các con đập, âu thuyền và nhà máy thủy điện được xây dựng dọc theo các tuyến đường thủy đã phá hủy môi trường sống của lươn, làm trầm trọng thêm những thiệt hại dường như do biến đổi khí hậu, ký sinh trùng và các chất ô nhiễm gây ra.
Trong bối cảnh đó, hy vọng nhanh nhất và tốt nhất cho sự phục hồi của quần thể lươn là chấm dứt hoạt động đánh bắt. Van Vilsteren cho biết: "Nếu có một thứ gọi là lươn bền vững, tôi sẽ là người đầu tiên đề xuất nó. Nhưng đây là một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta không ăn những con gấu trúc cuối cùng để cứu loài gấu trúc, phải không?"
"Sinh vật sống bị buôn bán nhiều nhất trên hành tinh"
Theo tờ The Guardian, nhóm "Lươn bền vững" - có ban điều hành bao gồm đại diện từ các nhà bảo tồn và ngành lươn thương mại - từ lâu đã liên hệ vai trò của lươn trong ẩm thực với mức độ nhận thức cao hơn của xã hội đối với loài này.
Andrew Kerr - chủ tịch nhóm - cho biết: "Nếu chúng tôi ngừng ăn nó, điều đó thực sự sẽ đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ. Loài vật giống rắn này sẽ chỉ còn là một sinh vật bí ẩn và chìm trong bóng tối."
Nhóm của Kerr đã tìm cách đưa ra các quy tắc và chứng nhận minh bạch trong toàn ngành cho những người buôn bán lươn ở châu Âu, cũng như giải quyết một thách thức ghê gớm khác: tình trạng độc nhất của lươn châu Âu, theo cách nói của Kerr, là "sinh vật sống bị buôn bán nhiều nhất trên hành tinh".
Tờ The Guardian ước tính có khoảng 100 tấn lươn con được buôn lậu ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm - thường được giấu trong vali và kéo qua các sân bay - khi tội phạm có tổ chức tìm cách né tránh lệnh cấm buôn bán lươn châu Âu ra bên ngoài EU năm 2010. Lợi nhuận bất hợp pháp có thể lên tới 3 tỷ euro/năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu cao ở châu Á và các lựa chọn toàn cầu đang suy giảm, vì lươn Mỹ và Nhật Bản cũng được liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất