11/10/2011 12:08 GMT+7 | Bóng đá Italy
(TT&VH) - Squadra Azzurra ở nhà của Zeman. Thật thế. Cho trận đấu cuối cùng của đội tuyển Thiên thanh tại vòng loại EURO 2012 là một sự liên tưởng lớn lao cho thứ bóng đá và tư duy bóng đá mà Prandelli đang áp dụng cho Italia với vị HLV người Bohemia đang dẫn dắt đội Pescara ở hạng Serie B: cá tính, dũng cảm và nếu cần, không ngại phiêu lưu.
Ở Pescara đêm nay, có một người đặc biệt trong đám khán giả ngồi trên cái SVĐ đầy gió cạnh bờ biển Adriatico ngóng chờ Azzurra. Người đàn ông ấy đã 64 tuổi, đã phiêu bạt giang hồ trong suốt gần một thập kỉ trước khi trở lại Italia để tiếp tục cuộc chiến của ông, giữa mơ mộng từ thứ bóng đá lấy tấn công như là một lẽ sống (Pescara của ông hiện ghi nhiều nhất Serie B, 20 bàn) và cuộc sống thực tại (Pescara cũng thủng lưới 17 bàn, nhiều thứ nhì Serie B). Ông là Zdenek Zeman, người đã từng can đảm đứng lên chống lại các thế lực đen tối của calcio, và cũng đã vì cuộc chiến ấy mà bị trả thù, đày đọa và tẩy chay. Ông không giành được những danh hiệu trong sự nghiệp bởi cá tính ngang ngạnh và đầy quyết liệt trong tranh đấu ấy, nhưng ông không bao giờ từ bỏ những gì ông đang làm. Nhưng trên hết tất cả những danh hiệu, giữa những thất bại và vùi dập trong những năm qua, Zeman vẫn tồn tại trên sân cỏ. Thứ bóng đá đầy ngẫu hứng, đậm chất tấn công nhưng rất fair-play theo đúng chất giang hồ ấy vẫn được những người yêu bóng đá và sự công bằng trên đất Ý ngợi ca.
Zeman chờ đợi Italia, bởi đội Thiên thanh bây giờ đang mang trong nó hình bóng của ông và những triết lí bóng đá mà ông muốn gieo hạt ở những nơi ông đã đi qua. Prandelli, người đang dẫn dắt đội tuyển Ý, cũng là một dạng Zeman, nhưng thực tế hơn. Trong hơn một năm qua, từ những nghi kị và thậm chí tư tưởng chối bỏ của hàng triệu tifosi sau khi Italia thất bại nhục nhã trên đất Nam Phi, từ sự phản đối của không ít người hâm mộ khi Prandelli xây lên đội tuyển từ những cầu thủ nhập tịch và thái độ quay lưng của họ khi Prandelli dựa vào những cầu thủ ít tên tuổi, thái độ tất cả đã dần thay đổi sau từng chiến thắng một. Vị cựu HLV Fiorentina đã từng bước tạo ra một đội bóng chơi một thứ bóng đá mà ở Ý lâu nay người ta không thực hiện: chơi pressing ngay trên phần sân của đối phương, chuyền bóng sệt và ít chạm, tấn công chớp nhoáng ngay khi có thể dù có thể chỉ với ít người, cầm bóng tốt và cố gắng kiểm soát bóng tối đa.
Nhưng Prandelli cũng rất chú trọng đến sự cân bằng của đội hình và cự li các tuyến: Italia có một hàng phòng ngự được dựng lên trên cái mác của Juve và không hề phiêu lưu như Zeman một chút nào. Họ hiện là đội thủng lưới ít nhất trong tất cả các đội của vòng loại, chỉ 2 bàn. Hàng phòng ngự ấy là một đảm bảo cho Italia khi các học trò của Prandelli chịu áp lực lớn của đối phương và không thể nào kiểm soát được thế trận. Chúng ta chưa nhìn thấy điều ấy, bởi trên thực tế, Italia không có đối thủ xứng tầm trong bảng đấu của mình.
Nhưng điều mà chúng ta đã thấy, là không dưới một lần Prandelli áp dụng tư tưởng của Barca vào lối chơi của đội Ý. Thành công có. Thất bại cũng có thể cảm thấy được. Sự phiêu lưu kiểu Zeman với việc áp dụng một sơ đồ 3 cầu thủ tấn công cũng đã được thử nghiệm và cuối cùng không áp dụng nữa. Nhưng ông không từ bỏ những gì mình đang theo đuổi trong việc tạo nên một Squadra Azzurra đáng để các tifosi đặt niềm tin: 1) ông dựa theo bộ khung Juventus để lấy những người xuất sắc ấy làm xương sống cho đội tuyển (phần xác), 2) ông phát triển những triết lí của Zeman để tạo nên cốt cách tinh thần cho những người Thiên thanh (phần hồn).
Theo các nhà bình luận calcio, trong khi Prandelli cảm ơn Conte vì cái khối Juve đã chơi quá hay trong đội tuyển ấy đem đến những chiến thắng, thì ông phải biết ơn Zeman vì đã học được ở người thầy gốc Bohemia và có một ông bác ruột từng làm HLV cho Juventus những năm 1970 rất nhiều điều để thực sự tự tin và trưởng thành sau một năm vật vã với sự ghẻ lạnh của dư luận. Đấy là một thứ bóng đá dũng cảm, vui vẻ và đầy quyết tâm. Tinh thần ấy rất hợp với một đội hình là tập hợp của một số cựu binh, một số cầu thủ trẻ ít được các CLB thừa nhận, một số cầu thủ da màu (như Balotelli) và đội ngũ các cầu thủ nhập tịch vốn luôn cảm thấy bị cô lập. Cũng với tinh thần ấy, mà Zeman đã cung cấp cho đội U21 của Ferrara 3 cầu thủ từ Pescara. Osvaldo, chân sút mới được Prandelli gọi, cũng là một sản phẩm của Zeman ở Lecce cách đây 5 năm.
Lippi bảo, Italia bây giờ thật giống với cái cách mà đội bóng của ông đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại và cả những định kiến để xây lên từ đống đổ nát thất bại ở EURO 2004 với Trapattoni bảo thủ và trì trệ vinh quang trên đất Đức 2006. Không dễ để làm điều ấy, gần như từ đầu: xây dựng đội ngũ, tạo hình lối chơi, củng cố tinh thần và đưa những chàng trai từ vô danh (như Grosso) và tin tưởng những công thần từ đội ngũ cũ (như Buffon hay Materazzi) để rồi khối người hỗn hợp ấy trở thành một cỗ máy chiến thắng, dù chỉ trong một tháng World Cup cách đây đã hơn 5 năm. Italia của Prandelli bây giờ chưa lên đến đỉnh cao chiến thắng như đội bóng của Lippi ngày ấy, nhưng con đường mà họ đi từ sự thờ ơ đến thậm chí ghét bỏ của công chúng sau những thất bại ở EURO 2008 (khi Donadoni thực hiện một cuộc cách mạng nửa vời) và World Cup 2010 (khi Lippi tự sát vì bảo thủ) cho đến sự tin tưởng và chờ đợi cũng không hề ít chông gai.
8 tháng nữa là EURO 2012, và người Ý chờ đợi đội Thiên thanh có thể làm nên những gì, từ phần xác của Juve, phần hồn Zeman, trong cỗ máy hoàn chỉnh dưới tay Prandelli.
Không thua Bắc Ireland, và… …Italia sẽ đạt bằng thành tích tốt nhất mà các bậc tiền bối của họ đã lập được cách đây 40 năm: không thua một trận đấu nào ở vòng loại của một giải EURO. Thành tích ấy được lập trong các vòng loại EURO 1968 (giải đấu mà sau đó Italia đoạt chức vô địch) và EURO 1972. Nhưng có một chi tiết không thể bỏ qua: vòng loại ngày ấy chỉ diễn ra trong một bảng đấu có 4 đội, nghĩa là số lượng các trận đấu ít hơn bây giờ một lần rưỡi. Điều đó đủ để thấy Italia của Prandelli hiện tại đã chơi tốt đến mức nào. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, đội Thiên thanh-không dự giải EURO đầu tiên vào năm 1960-đã đứng đầu bảng ở 7/12 vòng loại các giải sau đó. Họ đã kết thúc vòng đấu loại EURO 1968, 1972, 1988, 2000, 2004, 2008 và 2012 đều với vị trí của người đứng đầu. Những con số thống kê cho thấy, Italia cũng là một ông vua của các vòng loại. Trong 63 trận đấu ở tất cả các vòng loại mà họ tham gia (63 trận), Ý chỉ thua đúng 6 trận. Một thành tích vô cùng đáng nể. Nhưng chỉ có một lần duy nhất sau các vòng loại thành công, Italia đi sâu đến tận cùng và giành chức vô địch, là ở EURO 1968, khi đội bóng cũng do một cựu HLV của Fiorentina (Ferruccio Valcareggi) dẫn dắt đã giành chức vô địch sau một World Cup cũng đại bại (World Cup năm 1966 trên đất Anh). Sau chiến thắng ấy, thành tích tốt nhất của Italia là vị trí á quân ở EURO 2000 và vị trí thứ 3 đoạt được ở EURO 1980 (sau loạt penalty với Tiệp Khắc). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất