21/01/2012 07:00 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Đã 40 năm Imagine hiện diện trên cuộc đời, nhiều cuộc chiến đã được dập lửa nhưng đâu đó những mồi lửa chiến tranh vẫn tiếp tục phát hỏa. Xung đột dân tộc, lợi ích kinh tế, giếng dầu… đang làm con người đẩy nhau ra xa và nói như nhà báo Garry Mulholland của BBC “những lúc ấy những tưởng tượng về một thế giới đại đồng không chiếm hữu của John mới thật sự thấm thía”. 40 năm, những thấm thía về một thế giới không bao giờ ngưng tiếng súng, lại càng làm Imagine bất tử.
>> Chuyên đề: Năm Rồng và sự tưởng tượng của con người
Imagine ra đời năm 1971, ca từ được viết trên một tờ phiếu khách sạn khi John đang ngồi trên máy bay và tưởng tượng về thế giới của mình qua cửa sổ.
Imagine không phải là phát súng đầu tiên John “nã” vào giai cấp thống trị để đòi bình quyền, đòi phải cho hòa bình một cơ hội. Từ năm 1968, khi còn trong nhóm The Beatles, John đã hát Revolution để đòi làm một cuộc cách mạng, một ca khúc phản chiến gây rúng động thời ấy. Revolution hoàn toàn mang ý thức của John, đó là câu trả lời xác đáng nhất của anh cho vấn đề The Beatles không thể ngậm tăm mãi được. “Chúng tôi cần phải xác định rõ ràng quan điểm của mình với những xung đột xã hội”. Phải có Revolution mới thấy được một John mong muốn thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp, phủ nhận bạo lực và đề cao nhân văn. Phải có Revolution mới hiểu được câu John từng nói sau này: “Tôi sẽ có mặt ở mọi chiến lũy nếu chiến lũy ấy cắm đầy hoa”.
The Beatles không đủ chỗ cho John làm cách mạng. Đề tài chiến tranh và Việt Nam không thể nằm vừa khuôn khổ chật hẹp của những tiếng yeah yeah yeah, John rời The Beatles để làm cách mạng cho dù đó có là cuộc cách mạng trong tuyệt vọng. Imagine là âm hưởng của bản Thánh ca hòa bình mà John muốn mọi người trên toàn thế giới lắng nghe và tưởng tượng.
Bản Thánh ca ấy được được viết trên tờ phiếu khách sạn khi John đang ngắm nhìn Trái đất qua cửa sổ máy bay và vì vậy lúc nào nó cũng bay cao như chính những tầng mây mà John vẫn thường ao ước được biến thành. Điều duy nhất hiện hữu trong thế giới đại đồng đó là tình huynh đệ giữa người và người. Từ những năm cuối của The Beatles, John Lennon đã nhiều lần thể hiện khuynh hướng theo chủ nghĩa xã hội của mình nhất là từ sau khi gặp Yoko Ono. Nhưng cho đến khi thu âm Imagine thì John Lennon mới thực sự khẳng định rằng mình là một người theo lý tưởng Marxism. Imagine không đơn giản chỉ là ước mong của một con người mà là một bản tuyên ngôn hòa bình. “Nó là một tuyên ngôn chính trị của John, tôi luôn nghĩ rằng bài hát đó không khác gì bài Quốc ca”, nhà sản xuất huyền thoại Phil Spector nhận xét.
Imagine trên một bức tường phản chiến ở New York
Xét về mặt nghệ thuật, Imagine là một ca khúc khá đơn giản với tiếng piano chủ đạo, giai điệu dễ nhớ và ca từ dễ thuộc. Với vai trò “người tiếp thị cho hòa bình”, John quan niệm khi viết những ca khúc về hòa bình thì càng đơn giản càng tốt để người nghe dễ dàng tiếp thu được, như vậy việc quảng cáo cho hòa bình mới hiệu quả. Cái đẹp của Imagine là cái đẹp mộc mạc nhưng thánh thiện. Câu “Imagine All The people/living lives in peace” (Hãy tưởng tượng con người được sống trong hòa bình) John viết là ý tưởng của Yoko Ono xuất phát từ những lời cầu nguyện của gia đình Yoko sau khi Nhật bị tàn phá sau Thế chiến thứ 2. Người nghe nhạc không cần phải có một trình độ thẩm âm cao siêu mới có thể cảm được ca khúc này. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là John không quan tâm đến kỹ thuật trong khâu thu âm. Để có được tiếng piano đệm khá lung linh và vang vọng như “bản Phúc âm được chơi từ trên Thiên đàng”, John và Phil Spector đã nghĩ ra cách thu âm ba cây đàn piano chơi cùng một lúc ở ba gian phòng khác nhau: John Lennon chơi cây đại dương cầm màu trắng ở một gian phòng trong khi Klaus Voorman và Jimmy Keltner chơi piano điện ở hai gian phòng khác. Chính tiếng vang trong phòng đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt như trong bản thu âm chính của ca khúc.
Khu tưởng niệm John Lennon tại Central Park (New York)
Imagine không có tuổi và trong các xếp hạng mọi thời nó chưa bao giờ lọt sổ. Năm 2002, kỷ lục Guinness ghi nhận Imagine là đĩa đơn bán chạy thứ 2 trong lịch sử âm nhạc xứ sương mù. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone bầu Imagine là bài đứng thứ 3 trong 500 bài hát vĩ đại nhất. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã nói: “Ở nhiều nước trên khắp thế giới - tôi và vợ tôi đã đến thăm 125 nước - người ta nghe thấy bài Imagine của John Lennon được hát như thể Quốc ca”. Rất nhiều người sau này khi trình diễn lại cũng lắc đầu thở dài vì chẳng thể nào truyền tải hết được như John cho dù hợp âm và giai điệu chẳng hề trúc trắc. Đến như anh chàng Noel Gallagher của nhóm Oasis mê John như điếu đổ cũng chẳng thể diễn đạt được, cuối cùng phải đem hợp âm intro đầu của Imagine vào Don’t look back in anger để tỏ lòng kính trọng. Nghe nói sau này ca sĩ George Michael đã bỏ ra 2 triệu USD mua lại chiếc piano mà John đã soạn Imagine để tặng lại Bảo tàng The Beatles ở Liverpool với mục đích cho hậu thế… sờ được lịch sử.
Cho dù hoa đã thua trong cuộc chiến với đại bác, lòng chính trực không thắng nổi thói giả dối và nghệ thuật thoái hóa thành trò hề thì Imagine của John Lennon cũng chẳng bao giờ bị khai tử. Những cuộc diễu hành đòi nhân quyền lấy Imagine làm thông điệp, lấy Working Class hero làm tư tưởng... Nhiều người không thể quên được tiếng piano đầy tâm trạng của John, cũng như không mấy ai làm được như ông, biến một tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ thành một ca khúc quán quân các bảng xếp hạng âm nhạc.
Hãy tưởng tượng Hãy tưởng tượng thiên đàng không có thực (Huỳnh Chí Viễn dịch từ ca khúc Imagine của John Lennon) |
Bài tiếp: Một Festival nghệ thuật kỳ lạ chưa từng thấy
Nguyên Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất