(TT&VH) - Phần “lễ” được giữ nguyên, phần “hội” được mở rộng với nhiều trò diễn để “mãn nhãn” khách thập phương về dự hội. Đó là những gì đang xuất hiện tại lễ hội đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) vừa khai mạc vào ngày 23/7 vừa qua.
Vui là chính
Sáng 23/7, các lễ mở cửa đền, cáo yết, dâng hương, rước kiệu… diễn ra tại đền Lảnh Giang. Cùng với đó là các trò chơi thường thấy trong dân gian như bắt vịt, đi cầu khỉ, kéo co, đánh cờ người…cũng được triển khai. Như lời người dân bản địa, hàng trăm năm nay, lễ hội tại đền này chỉ có vậy. Do đó, người ta dành trọn sự chú ý và quan tâm cho màn biểu diễn khai mạc Liên hoan diễn xướng hầu đồng vào buổi tối cùng ngày. Mặc dù, như cái lý của đạo diễn TS Bùi Quang Thắng, thì đây chỉ là phần mở rộng và được “thêm” vào cho vui, chứ không ảnh hưởng gì tới bản chất và truyền thống của lễ hội này.
Diễn xướng hầu đồng trong Lễ hội Lảnh Giang
Với những gì được chứng kiến, xem ra các yếu tố nghệ thuật đương đại được đưa vào lễ hội cũng… xem được. Phần DJ của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân chủ yếu nằm ở phần thiết kế các tiếng động, tiếng kẽo kẹt, tiếng rít… khi trên sân khấu diễn ra cảnh ổ trứng khổng lồ bắt đầu nở ra 3 chú rắn con ( vốn có trong sự tích của đền Lảnh Giang). Phần vẽ họa tiết của nghệ thuật body art đơn giản là vẽ hình lên những người được chọn để vào vai các vị thủy thần trong truyền thuyết đền Lảnh Giang.
Nói công bằng, các màn diễn xướng, tái hiện huyền tích, múa đuốc… tại đền Lảnh Giang trong tối 23/7 không quá gì quá mới mẻ nếu so với các màn biểu diễn tại nhiều lễ hội khác. Nhưng với người dân nơi đây, việc lần đầu được chứng kiến những màn diễn xướng này cũng đem lại sự háo hức đáng kể với họ.
Body art trên “Tứ trụ” của chiếu hầu đồng!
Nếu nói về những “phá cách” tại lễ hội này, chỉ có một điều khiến người ta thắc mắc. Ấy là, theo BTC, trong những ngày diễn ra lễ hội, màn body art vẫn được thực hiện để vẽ hình lên những người tham gia vai trò tứ trụ (ngồi 4 góc) trong chiếu hầu đồng. Đó là điều gần như chưa gặp trong những gì thường thấy tại loại hình diễn xướng đang được đề nghị đề cử là Di sản thế giới này.
Tái hiện màn ổ trứng nở ra rắn thần
“Tôi có nghiên cứu tài liệu, và thật ra việc vẽ hình lên người ngồi tứ trụ cũng đã từng có, chứ không phải là chưa” - ông Thắng cho biết. Ông kể rằng cũng không quá mất thời gian để thuyết phục những cô đồng tham gia liên hoan cho phép thực hiện thao tác này. “Cái khó nhất lại là thuyết phục họ tham gia diễn xướng. Những người hầu đồng bảo rằng không mang hầu đồng đi biểu diễn bao giờ, làm vậy thì tối kị. Tôi phải thuyết phục họ mãi, rằng đây vẫn là hầu đồng một cách “nghiêm chỉnh” đấy chứ, có điều là nhiều khán giả hơn thôi”.
“Báo chí gọi đó là nghệ thuật đương đại, còn các chuyên gia thì lo rằng chúng tôi làm hỏng tính chất dân gian của lễ hội này. Trong khi, người dân có cần biết đó là body art, là DJ hay là gì đâu. Thấy màn diễn xướng huyền tích của làng hợp lý và hấp dẫn thì họ cổ vũ thôi” (TS. Bùi Quang Thắng giải thích) |
“Làm lễ hội rất đúng với câu “có tích mới dịch nên trò - ông Thắng nói tiếp. Cứ “phịa” bừa, không gắn gì với tinh thần, nguyên tắc của lễ hội là hỏng”.
Theo lời ông, bản chất của lễ hội là biểu diễn cho… thần linh, còn khách thập phương và người tới dự hội chỉ là… xem ké. Chính vì vậy, cũng không có gì lạ khi trong buổi khai mạc được truyền trực tiếp trên VTC, người ta không thấy người biểu diễn quay mặt ra phía máy quay mà lại quay cả về hướng bát hương trong đình. “Lúc đầu, người ta rất muốn cả mâm lễ quay mặt ra phía hồ, ra hướng khán giả và cũng để dễ quay phim. Tôi nhất định không đồng ý. Làm ngược như vậy thì còn gì là lễ hội nữa”.
Từng tham gia dàn dựng các lễ hội Lam Kinh, Kiếp Bạc, Tịch Điền, ông Thắng cho biết có thể trong năm nay, ông sẽ tổ chức dàn dựng lễ hội Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương (Hà Nam). Khi ấy, trong các phần biểu diễn hầu đồng tại đây sẽ có cả các màn xiên lình (xiên vật cứng qua má), đi trên lưỡi cày nung đỏ… vốn thường thấy tại tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
Xung quanh việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống còn có các ý kiến khác nhau, TT&VH sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Cúc Đường