Mỗi tuần một chuyện: Mourinho, khi sợi dây đã đến lúc đứt

26/10/2015 06:56 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải đợi đến trận thua West Ham 1-2 người ta mới nhắc đến chuyện Mourinho sẽ bị sa thải. Mourinho bây giờ như người đi trên dây, mà ở phía bên này, Abramovich đang cầm ngọn đuốc sẵn sàng đốt cháy một đầu dây bất kỳ lúc nào ông muốn.

1. Bất chấp chức vô địch Premier League mùa trước, một chức vô địch rất thuyết phục, Mourinho vẫn không thể chứng minh được rằng ông đáp ứng nổi kỳ vọng đã cao hơn rất nhiều từ Abramovich. Nếu ở thời kỳ đầu với ông chủ người Nga, kỳ vọng là bóng đá đẹp, thì ở thời kỳ này, kỳ vọng không chỉ là bóng đá đẹp mà còn là một hình ảnh của một CLB đáng được yêu mến trong mắt cộng đồng.

Mourinho không phải người giỏi xây dựng bóng đá tấn công, ông chỉ mạnh khi dẫn dắt một đội bóng theo lối chơi kiểm soát thế trận chặt chẽ. Vì thế, ông rất thành công với những đội bóng kiểu như Porto hay Inter. Nhưng ở những đội bóng mà ông chủ luôn đưa ra mệnh lệnh “cống hiến đi, cống hiến nữa đi” thì Mourinho bất lực. Triết lý của ông là trận đấu như một trận đánh mà xung quanh đội bóng đâu đâu cũng có kẻ thù. Điều đó đồng nghĩa với việc ông tạo ra một đội bóng luôn tự đặt mình ở thế dựa vào lưng tường, ở đường cùng, một mình chống lại tất cả.

Và khi đã tự đặt mình ở thế chống lại tất cả, đội bóng luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng như dây đàn, trạng thái của kẻ chịu đựng và chờ những cú phản kích trời giáng.

Sa thải Mourinho được rồi đấy, Abramovich!

Sa thải Mourinho được rồi đấy, Abramovich!

Roman Abramovich đã cho Mourinho cơ hội để trục vớt con tàu đắm Chelsea. Thế nhưng càng có thêm cơ hội, Chelsea của Mourinho càng ngày càng chìm sâu hơn. Có lẽ, Chelsea không thể nào cho Mourinho thêm cơ hội được nữa.


2. Vậy thì để tạo dựng một đội bóng chủ động tấn công đối phương ở thế bề trên, chủ động tấn công một cách áp đặt, cái tâm lý căng như dây đàn ấy là vô ích, thậm chí là phản tác dụng.

Để chơi bóng bề trên, cầu thủ cần thả lỏng hơn, chơi nhiều hơn là đá; cầu thủ cần thể hiện đẳng cấp qua kỹ thuật cá nhân và nhãn quan chiến thuật hơn là những trò tiểu xảo ranh ma kiểu như Costa đã làm với Paulista. Và thế là Chelsea biến thành một khối mâu thuẫn ở mùa giải này, khi cố tỏ ra chơi bóng hấp dẫn nhưng lại muốn chiến thắng nhờ tiểu xảo. Kết quả cuối cùng họ thu được chỉ còn là một hình ảnh xấu xí, thậm chí là hơi ‘đầu đường xó chợ’ trong mắt cộng đồng. Các cầu thủ Chelsea không thích bị nhìn nhận như thế. Abramovich không thích bị nhìn nhận như thế. Nhưng Mourinho lại làm như thế. Ông như người luôn cố kéo căng cánh cung, kéo căng mà không buông mũi tên, kéo căng đến mức sợi dây ấy đứt phựt vì các cầu thủ đã quá sức chịu đựng của mình.

Một tháng trước, The Times có một bài phân tích về Mourinho rất sốc, khi họ gán cho Mourinho cái nhãn ‘kẻ khủng bố văn hóa’. Họ cho rằng việc Mourinho luôn cố tạo ra ảo giác rằng đội bóng có kẻ thù ở khắp nơi đã khiến nền tảng văn hóa của đội bóng bị phá hủy. Nhận định ấy sốc thật, nhưng nó đúng sự thực. Mourinho sẽ khó có thể ở một đội bóng nào quá lâu. Đơn giản, sức chịu đựng của con người luôn luôn có hạn.

3. Mourinho từng tuyên bố “Chelsea sẽ không sa thải tôi. Nếu họ sa thải tôi có nghĩa là họ đã sa thải HLV xuất sắc nhất lịch sử CLB”. Đúng, ông là một HLV rất xuất sắc, nhất là khi ông biết kích động tâm lý cầu thủ lúc họ đang trì trệ, bằng các tiểu xảo nhỏ và vặt. Nhưng ông không thể xây dựng một tinh thần tích cực kéo dài, bởi vì đời cầu thủ của ông quá ngắn ngủi, và nhạt nhẽo.

Bây giờ, bóng đá đang chứng kiến một thế hệ HLV khác, kiểu Mourinho nhưng ở phiên bản nâng cấp hơn, như Pep, Bilic, Enrique, Conte, Simeone… Họ là phiên bản nâng cấp hơn ông bởi lẽ, họ từng chơi chuyên nghiệp đỉnh cao rất lâu, nên họ biết rằng sợi dây tâm lý không thể bị kéo căng như một cánh cung, bởi người cầu thủ cũng biết xấu hổ nếu như bước ra công chúng, và nhận được những cười nhạo vì lối hành xử mà người HLV đã gán cho anh ta…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm