26/11/2023 16:45 GMT+7 | Giải trí
Mối tình của Napoléon và Josephine được xem là mối tình thế kỷ - thế kỷ 18. Mối quan hệ của họ quá cuồng nhiệt, kịch tính một cách công khai đã trở thành huyền thoại và đã được đạo diễn Ridley Scott mô tả trong bộ phim tiểu sử về Hoàng đế Pháp – mang tựa đề Napoléon.
Bộ phim tiểu sử bom tấn hoành tráng của Ridley Scott kể về cuộc đời của Napoléon (Joaquin Phoenix) và cuộc hôn nhân của ông với Josephine (Vanessa Kirby - nổi tiếng với vai diễn xuất sắc của Công chúa Margaret trong The Crown). Phim đã có buổi chiếu ra mắt vào hôm 22/11.
Đạo diễn Sir Ridley, từng gây tiếng vang với các bộ phim như Võ sĩ giác đấu (Gladiator) và Alien, cho biết rằng 10.400 cuốn sách đã được xuất bản về cuộc đời của Napoléon, tức là cứ "mỗi tuần một cuốn kể từ khi ông qua đời".
Mối tình mê đắm
Tên đầy đủ là Marie-Josephe-Rose de Tascher de La Pagerie nhưng bà được nhớ đến đơn giản là Josephine, vợ của Napoléon Bonaparte và Hoàng hậu nước Pháp.
Josephine - được gia đình gọi thân mật là Yeyette - sinh ra trên hòn đảo Martinique nhỏ bé ở Caribe vào năm 1763.
Gia đình từng rất thịnh vượng của bà sống trong một dinh thự đổ nát giữa đồn điền của họ, nơi cha của Josephine – Gaspard một tay cờ bạc thường say rượu – giám sát một cách tàn bạo 300 nô lệ của mình là đàn ông, phụ nữ và trẻ em làm việc cực nhọc trên cánh đồng mía.
Trên thực tế, Yeyette đã trải qua thời thơ ấu của mình cùng với nô lệ nhiều hơn là bạn bè hoặc gia đình, và bà thường xuyên chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp về những người châu Phi bị lôi ra khỏi tàu và đưa ra chợ, sau đó bị đóng dấu, xiềng xích và buộc phải làm việc.
Khi mới 16 tuổi, Yeyette kết hôn với Vicomte Alexandre de Beauharnais giàu có, hơn bà 3 tuổi, mặc dù hai bên không hề giả vờ yêu mến hay thu hút. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi sau khi chuyển đến Pháp và có hai con, cặp đôi đã ly thân khi Yeyette mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, phải 5 năm sau, cuộc tình của bà với Napoléon mới bắt đầu. Năm 1794, Yeyette, khi đó mới ngoài 30 tuổi, phải ngồi tù và đối mặt với án hành quyết. Người chồng ghẻ lạnh của bà – Alexandre - đã bị chém. Yeyette sống sót trong phòng giam và sau đó được cứu.
Yeyette đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời gian bị giam cầm: vẻ đẹp trẻ trung của bà đã bị hủy hoại, hàm răng bị tổn thương nhiều hơn và không thể sinh thêm con nữa. Nhưng bà đã nhanh chóng được một người đàn ông lớn tuổi hơn, Paul Barras, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cưu mang.
Trong khi đó, Napoléon Bonaparte đang thăng tiến một cách ngoạn mục trong các cấp bậc. Hai năm trước, ông đã chỉ huy một đội pháo binh đánh đuổi quân đội Anh ra khỏi Toulon.
Barras đã giới thiệu chàng sĩ quan đầy tham vọng này với người yêu của mình tại một bữa tiệc, thúc giục Yeyette quyến rũ chàng trai trẻ.
Ngây thơ và thiếu kinh nghiệm với người khác giới, Napoléon không hề tưởng tượng rằng người phụ nữ quyến rũ không tưởng này, người hơn ông 6 tuổi, đang trong một "trò chơi".
Yeyette tuyên bố rằng bà ngưỡng mộ Napoléon và ông tin điều đó mà không cần thắc mắc.
Napoléon chưa bao giờ gặp một người phụ nữ như Yeyette. Không lâu sau khi gặp Josephine, chàng trai 26 tuổi Napoléon đã phải lòng người góa phụ có hai con một cách vô vọng.
Thế là bắt đầu mối tình lãng mạn như núi lửa phun trào. Năm 1795, Napoléon viết thư cho người tình với ghi chú là "7 giờ sáng":
"Anh thức dậy với tâm trí tràn ngập hình ảnh em. Ký ức về buổi tối ngày hôm qua khiến các giác quan của anh không thể nghỉ ngơi.
Josephine ngọt ngào và không thể so sánh được... Trong ba giờ nữa anh sẽ gặp em. Cho đến lúc đó, mio dolce amore (tình yêu ngọt ngào của anh) sẽ có hàng ngàn nụ hôn, nhưng đừng hôn anh vì những nụ hôn của em khiến tâm hồn anh bốc cháy".
Napoléon đổi tên người yêu là Josephine - viết tắt tên đầy đủ của bà là Marie-Josephe-Rose - và viết: "Sức mạnh kỳ lạ của em là gì, Josephine vô song? Anh trao cho em 3 nụ hôn, một nụ hôn vào tim, một nụ hôn lên môi, một nụ hôn lên mắt em".
Và hai ngày trước khi Napoléon lên đường chinh phục Italy vào tháng 3/1796, họ kết hôn trong một buổi lễ trang trọng. Trong thời gian xa vợ, Napoléon liên tục viết những bức thư tình cho Josephine.
Nhưng Josephine khiến Napoléon phát điên khi chỉ gửi cho chồng những lá thư trả lời ngắn gọn.
Và Josephine đã ngoại tình – với trung úy 23 tuổi trong đội Hussars tên là Hippolyte Charles. Chàng trai này cực kỳ ưa nhìn, với khuôn mặt góc cạnh, đôi mắt xanh đẹp và nước da đen.
Sau nhiều tháng đắn đo, Josephine đồng ý cùng chồng tham gia chiến dịch ở Italy vào tháng 6/1796. Bà dẫn Hippolyte đi cùng làm vệ sĩ - một hành động giả vờ không đánh lừa được ai ngoại trừ Napoléon.
Chỉ hai năm sau, khi Napoléon xâm lược Ai Cập, các tướng lĩnh của ông đã thuyết phục được ông rằng Josephine đã không chung thủy, trong cơn giận dữ, ông dọa ly dị vợ. Và cuộc hôn nhân của họ đã bị thay đổi mãi mãi.
Josephine bị buộc phải trung thành phục tùng trong khi Napoléon có hàng tá phụ nữ khi tham gia chiến dịch và ở Paris.
Cuộc ly hôn đẫm nước mắt
Cuối cùng, việc Josephine không thể sinh con đã kết thúc cuộc hôn nhân của họ. Tuyệt vọng muốn có người thừa kế, và bị chính gia đình mình chế nhạo (những người không bao giờ thích Josephine), Napoléon đã có con trai với Marie Walewska - một phụ nữ trẻ đã kết hôn người Ba Lan.
Việc có con đã đã thúc đẩy Napoléon hủy bỏ cuộc hôn nhân của mình với Josephine. Ông đã tổ chức một lễ đính hôn khác với Nữ công tước Marie-Louise của Áo, 18 tuổi.
Tuy nhiên, ý nghĩ phải xa cách Josephine đã khiến thể chất của ông trở nên ốm yếu, tại buổi ly hôn được tổ chức tại tòa án vào tháng 12/1809, Napoléon run rẩy không kiểm soát được đến nỗi các bộ trưởng của ông sợ rằng Hoàng đế có thể ngất xỉu.
Josephine đến trong bộ váy trắng đơn giản, cúi chào từng cận thần. Napoléon tuyên bố ly hôn: "Chỉ có Chúa mới biết quyết tâm này đã khiến trái tim tôi phải trả giá như thế nào.
Nhưng không có sự hy sinh nào ngoài lòng can đảm của tôi, nếu điều đó là vì lợi ích tốt nhất của nước Pháp. Tôi chỉ có lòng biết ơn để bày tỏ sự tận tâm và dịu dàng với vợ yêu" rồi ông khóc.
Josephine được phong là Nữ công tước xứ Navarre, được phép giữ lại lâu đài yêu quý của mình bên ngoài Paris và vẫn giữ mối quan hệ tốt với chồng cũ.
Người thay thế bà đã sinh con cho ông nhưng khi Napoléon - lúc đó đang sống lưu vong lần đầu tiên trên đảo Elba ở Địa Trung Hải - biết được cái chết của Josephine, rất có thể là do viêm phổi vào năm 1814, ông đã nhốt mình trong phòng suốt hai ngày và từ chối gặp bất cứ ai.
Sau đó, Napoléon buồn bã nói với một người bạn: "Tôi thực sự yêu Josephine nhưng tôi không tôn trọng cô ấy".
Napoléon qua đời, có lẽ vì bệnh ung thư dạ dày, vào ngày 5/5/1821, khi đang sống lưu vong trên đảo St Helena, ngoài khơi châu Phi.
Những lời cuối cùng của ông là, "La France, l'armée, tête d'armée, Joséphine" (Pháp, quân đội, người đứng đầu quân đội, Josephine).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất