Người Thái quyết đòi Thonglao về: “Cú đấm” nữa với HA.GL

27/11/2009 12:35 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Báo chí Thái Lan hôm qua khẳng định, Datsakorn Thonglao sẽ trở về Thái Lan, chứ không tiếp tục cuộc phiêu lưu không có kết cục tại V-League trong màu áo HA.GL.

Vì Thonglao 3 năm qua chơi nhạt nhoà

Để biến nó trở thành hiện thực, CLB Muangthong có thể sẽ phải dốc cạn vốn, hòng mua lại bản hợp đồng hiện vẫn còn 1 năm của Thonglao. Nhưng, ngoài vấn đề tiền bạc, chiếc đèn xanh đã được bật lên khi báo chí Thái Lan đưa tin Thonglao đã từ chối ký vào bản hợp đồng mới mà HA.GL đưa ra có thời hạn 2 năm.

Từ khá lâu rồi, người Thái Lan luôn coi việc Thonglao chơi ở HA.GL giống như một sự “đày ải” bởi cầu thủ này không hạnh phúc về mặt chuyên môn, mà chỉ đơn thuần là vì tài chính (lương cao). Thonglao không giống với các cầu thủ Thái Lan trước kia từng chơi cho HA.GL, như Kiatisak, Dusit, Tawan, vừa hạnh phúc vì tiền, vừa thoải mái về mặt chuyên môn. Thonglao trong suốt 3 năm qua bị giới truyền thông và chuyên môn Thái coi là “một tiền vệ trụ cột đã đi xuống trầm trọng”, và “đội tuyển Thái không có lợi từ việc chơi ở nước ngoài của cầu thủ này”. 


 Thonglao ở V-League có sự khác biệt rất lớn so với Thonglao của ĐT Thái Lan.

Bóng đá Thái Lan giờ có khá nhiều cầu thủ chơi bóng ở các quốc gia khác nhau, không chỉ có ở châu Âu mà ngay tại một số các quốc gia châu Á. Ở ĐNA, Indonesia với tiêu chí thuê 2 cầu thủ châu Á giống như thuê cầu thủ nội, đã thu hút khá nhiều cầu thủ Thái, Singapore tới đây chơi bóng, trong đó có tiền vệ Suchao và thủ môn Kosin.

Người Thái Lan cũng khá “ấm ức” vì khi Thonglao chơi cho HA.GL, tiền vệ này không đóng góp nhiều cho ĐTQG như trước kia, dù cho “số 7” luôn chơi ở ĐTQG hay hơn rất nhiều so với ở CLB. 

V-League bị cạnh tranh

Tiền lương mà V-League trả trước đây là cao nhất , các giải VĐQG Singapore và Malaysia cũng như Indonesia và Thái Lan không thể so sánh. Giờ đây ưu thế đó không còn nữa.

Liga Indonesia hiện tại thậm chí còn sẵn sàng trả hơn chục ngàn USD tiền lương hằng tháng cho các cầu thủ Đông Nam Á. Tính cạnh tranh của giải đấu này cũng bắt đầu thu hút những ngôi sao hàng đầu khu vực. Ngoài các cầu thủ Thái Lan, ngôi sao tấn công của Singapore là Noh Alam Shah cũng đã bỏ xứ sang đất nước vạn đảo để chơi bóng, với lý do rất đơn giản: “Ở đó có sự cạnh tranh đủ để các cầu thủ học hỏi và vươn lên”.

Trước đây, Kiatisak đã bỏ giải Singapore để về chơi ở giải hạng Nhất trong màu áo HA.GL. Khi đó, các giải khác ở Đông Nam Á gần như đã bão hòa về tiền lương.

HA.GL cũng tụt hạng

Đội bóng phố Núi trong vài mùa bóng vừa qua đã không cạnh tranh được với các CLB khác ở V-League trong việc thu hút các ngôi sao hàng đầu Việt Nam. Họ thực sự chỉ mua được bộ 3 của Đồng Tháp, gồm Thanh Bình, Việt Cường, Văn Pho-những cá nhân không tạo nên cơn sốt chuyển nhượng của Việt Nam.

Thực tế này không xuất phát từ việc bầu Đức chán bóng đá. Ngược lại, bầu Đức rất quyết tâm và chi mạnh tay, nhưng có một thực tế khác là các CLB còn lại cũng rất chịu chi.

Phải chăng, những biểu hiện nói trên cũng tương xứng với những gì đã xảy ra trên mặt trận kinh doanh, khi hoạt động kinh doanh của HA.GL không còn thẳng tiến như trước? Cụ thể, HA.GL hiện chỉ đứng thứ 46 trong số các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, theo công bố của VNR 500, tổ chức xếp hạng doanh nghiệp được công nhận khá rộng rãi trong những năm gần đây. Xếp hạng nói trên dựa trên các yếu tố như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản tốc độ tăng trưởng, số lượng lao động…

Phong Vũ

Sau khi HA.GL bị Lee Nguyễn từ chối (nhất quyết không sang tập trung), chứ không phải là HA.GL “trảm” cầu thủ này trước, có thể nói, những tính toán trong việc cân đối và kết hợp giữa mục tiêu thương hiệu và chuyên môn của đội bóng này đã suy giảm khá nhiều. Nếu HA.GL không giữ nổi Thonglao, dù HLV Kiatisak sẽ về cầm quân sau SEA Games, đó có thể coi là thất bại lớn của “Gỗ”. 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm