Tự truyện của Trần Duy Phương: Sức sống kỳ lạ của một con người kỳ lạ

27/07/2013 11:31 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 12/1989, nhà thơ Hữu Loan trong một chuyến vào Đà Nẵng đã ghé thăm thương binh Trần Duy Phương và chép tặng cô bài thơ Màu tím hoa sim. Hữu Loan viết: “Chép tặng cô Phương, một tâm hồn, một vấn đề làm mất ngủ những lương tri”.

NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book vừa ấn hành tự truyện Tôi nghe tôi hát của bà Trần Duy Phương, thương binh và là tù binh trong một số nhà tù miền Nam thời chống Mỹ. Khi quyết định ấn hành tự truyện này, NXB Hội Nhà văn đánh giá cuốn sách được “viết bằng máu và nước mắt” giống như Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Truyện và ký của Dương Thị Xuân Quý.

Tuổi đôi mươi bị tù đày

Bà Trần Duy Phương thời trẻ
Bà Trần Duy Phương quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của bà từng giữ chức Chủ tịch huyện Phước Sơn, Quảng Nam trong thời kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông ở lại hoạt động tại địa phương, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đây.

Bà Trần Duy Phương thuở nhỏ học rất giỏi ở Trường Trung học Trần Quý Cáp (Hội An) bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn về mọi mặt, lại bị chính quyền địch soi mói. Khi tuổi chưa trưởng thành, trong một trận càn của địch, bà đã thoát ly theo kháng chiến làm các nhiệm vụ: dạy học, kinh tài, tuyên giáo… Tháng 10/1968, đơn vị của bà bị địch bao vây, bà trúng đạn vào cột sống bị liệt nửa người. Ngay trong lần thẩm vấn đầu tiên, bà buột miệng khai với viên an ninh Mỹ tên mình là Trần Thị Mai - cái tên này theo bà qua các nhà tù cho đến khi được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris tại Lộc Ninh vào năm 1973.

Ở tất cả các nhà tù, Trần Duy Phương luôn là một nữ tù đặc biệt với đồng chí của mình và cả kẻ thù. Diện mạo của bà rất đẹp, hát hay lại là thương binh nặng phải di chuyển trên băng-ca. Bà Nguyễn Thị Nghĩa (trong tù tên Phan Thị Bích Thủy), nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op, nhớ về bạn tù Trần Thị Mai: “Đó là một cô gái xinh đẹp với cặp mắt to đen nhánh luôn tươi cười thật hồn nhiên và hiền hòa, cô gái giàu nghị lực đã dũng cảm, trung kiên vượt qua số phận nghiệt ngã của một thương binh nặng để sống và chiến đấu ngay trong tù ngục của kẻ thù”.

Chế độ nhà tù khắc nghiệt, âm mưu của cai tù thâm độc nên nhiều người đã ký vào giấy chiêu hồi nhằm tìm kiếm sự nhàn hạ cho bản thân. Trong tự truyện của mình, bà Trần Duy Phương cho rằng bà căm ghét những người chiêu hồi làm tay sai, phản lại đồng chí đồng đội còn hơn căm ghét Mỹ.

Tuy nhiên, khi viết tự truyện, tên của những nhân vật chiêu hồi đã được bà đổi thành tên khác. Lý do này được bà Trần Duy Phương nêu ra khiến người đọc cảm động vì sự nhân văn: “Năm tháng đã qua lâu, những vết thương trên đất nước và trong lòng người đang được hàn gắn tuy có chậm, tên thật của những người phản bội, chiêu hồi tôi đã đổi sang tên khác, cũng là góp phần vào mong muốn dân tộc được hòa hợp” (trang 101).

Bìa cuốn tự truyện Tôi nghe tôi hát
Hát như say để quên đi nỗi đau

Trong tù, bà Trần Duy Phương thường cất tiếng hát và lạ thay, tiếng hát của bà làm nên nhiều điều kỳ diệu. Tự truyện viết: “Vào tù, tôi mang theo “một bụng” bài hát cách mạng. Tôi hát to hơn, nhiều hơn thời gian trước đó. Tiếng hát của tôi đã đến được với các anh thương binh cùng cảnh ngộ, đến với những người lính Cộng hòa (rất nhiều lính chế độ cũ tụm năm tụm ba nghe tôi hát). Nào là: Quảng Bình quê ta ơi!, Tiếng đàn Ta-lư, Đảng đã cho ta một mùa Xuân, Biết ơn chị Võ Thị Sáu… Tôi hát như say, hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, hát để tự động viên mình và động viên đồng đội”.

Giọng hát của Trần Thị Mai đã được một người tù quê Hải Phòng tên Minh (ông đi bộ đội vào Nam, năm 1969, ông 33 tuổi), yêu cầu hát cho ông nghe trước khi mất. Trần Thị Mai hát Bài ca hy vọng và ông Minh hát theo dù sức cùng lực kiệt, hai ngày sau ông qua đời.

Để lôi kéo lính chế độ cũ đến nghe “nữ Việt cộng” hát, Trần Thị Mai hát những bài thời đi học của mình, như: Những đồi hoa sim, Thương về miền Trung, Ai lên xứ hoa đào, Đường xưa lối cũ, Tôi đưa em sang sông… Giọng hát của bà cuốn hút đến độ, bên ngoài phòng giam nữ, giám thị nhà tù phải gắn thêm tấm bảng: “Cấm tiếp xúc với tù binh cộng sản” để ngăn cản binh lính tập trung đến nghe bà hát.

Tự truyện Tôi nghe tôi hát được kể lại bằng giọng văn dung dị với nhiều thông tin thú vị. Đọc tự truyện này, mới hay rằng bà Trần Duy Phương từng là một nhân vật được nhà văn, liệt sĩ, anh hùng Chu Cẩm Phong nhắc tên trong Nhật ký chiến tranh của ông. Nhà văn Nguyên Ngọc thì gần như ai cũng biết, song rất ít người biết vợ của ông tên là Tôn Thị An, tên ngoài đời là Tâm, từng là bạn tù với Trần Thị Mai…

Đọc Tôi nghe tôi hát để cảm phục về sức sống, ý chí của tác giả. Ông Nguyễn Xuân Sang (tên trong tù là Nguyễn Lang) bạn của bà Trần Duy Phương, kể rằng: “Nhìn Phương ốm yếu do hậu quả của thương tật, tù đày thú thật là tôi không nghĩ Phương có thể sống thêm vài năm nữa. Vậy mà kỳ diệu thay, với ý chí, nghị lực và niềm lạc quan cách mạng, Phương đã vượt qua thử thách để sống và chiến thắng...

Và gần đây nhất, vào tháng 6/2011, Phương đã chết lâm sàng suốt mấy ngày đêm sau một ca mổ tại bệnh viện C Đà Nẵng, do vết thương tái phát. Nhưng rồi một lần nữa Phương lại từ cõi chết trở về. Sức sống phi thường của một nghị lực phi thường. Nếu Phương ra đi ngày ấy thì quả thật là điều đáng tiếc, vì chúng ta sẽ không có cuốn tự truyện, mà theo tôi đó là tư liệu sống về một con người, một nữ tù binh ít được nhiều người biết đến”.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm