Lampard, kiệt tác của Ranieri

25/02/2009 13:02 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Thời điểm Ranieri đưa Lampard về sân Stamford Bridge, kiến thức về bóng đá của Abramovich có lẽ chỉ là con số 0, Mourinho còn là một kẻ vô danh ở đội bóng tí hon U.D. Leiria, Scolari và Hiddink đang mất ăn mất ngủ vì chiến dịch vòng loại World Cup 2002 với ĐT Brazil và Hàn Quốc. Gần 8 năm sau, Abramovich đã là nhân vật nổi tiếng trong thế giới bóng đá, Ranieri bị sa thải nhiều lần, Mourinho trở thành gương mặt hot nhất trên băng ghế HLV trong khi Scolari và Hiddink thay đổi lục địa như thay áo.

Và Lampard cũng đổi thay. Từ một tài năng không được đánh giá quá cao của lò West Ham, Lampard đã vươn lên thành tiền vệ đẳng cấp cao của thế giới, đang hưởng mức lương kỷ lục ở Anh, đã lập hàng loạt kỷ lục, từ số trận thi đấu đến số bàn thắng ghi được cho Chelsea. Nói đơn giản hơn, ở một đội bóng ít truyền thống như Chelsea, Lampard xứng đáng là một tượng đài lớn.

Mourinho từng chê Ranieri "thừa tuổi tác nhưng thiếu danh hiệu". Điều này không sai. Ranieri không thuộc mẫu HLV chuyên về "phát triển" hay "chinh phục đỉnh cao". Nhưng về tài xây dựng, phát hiện tài năng, rất hiếm HLV có thể sánh ngang với HLV trầm tính người Italia. Trong cơn khủng hoảng tài chính, Chelsea vẫn đứng vững dưới bàn tay của Ranieri. Giữa đêm tối bê bối vì vụ Calciopoli, Juve đã được tái thiết nhờ tài năng của "gã thợ hàn". Ranieri đã thất bại với các vụ mua sắm siêu sao như Veron, Crespo hay Mutu. Nhưng nên nhớ, chính ông đã phát hiện hay đưa về Stamford Bridge hàng loạt tài năng, về sau trở thành bộ khung của Chelsea dưới các triều đại và vươn lên tầm siêu sao. Trong số đó, Lampard đứng ở vị trí số 1.
 
HLV giỏi đến và đi. Nhưng Lampard vẫn là số 1

HLV giỏi đến và đi. Nhưng Lampard vẫn là số 1

Trong lứa tài năng trẻ xuất thân từ lò đào tạo West Ham, với những Carrick, Joe Cole, Rio Ferdinand hay Carrick, Lampard không hề nổi trội. Nhưng từ sau khi gia nhập Chelsea vào mùa hè 2001 với giá 11 triệu bảng, Lampard đi từ tầm "tiềm năng" lên "cầu thủ lớn" và giờ là siêu sao thực sự.

Từ thời Ranieri, Lampard đã là trụ cột của Chelsea, đã được mang biệt danh "người không phổi" với mỗi mùa gần 60 trận. Nhưng chính Mourinho mới đưa Lampard lên đỉnh khi biết cách khai thác những điểm mạnh nhất của anh, nhất là khả năng ghi bàn từ những cú sút xa hay sút phạt. Chính Lampard thừa nhận, anh biết ơn cặp mắt tinh đời của Ranieri nhưng chính Mourinho mới giúp anh trở thành cầu thủ giỏi bậc nhất thế giới: "Sau một buổi tập, Mourinho vỗ vai và bảo rằng tôi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Tôi đã đứng lặng rất lâu dưới vòi hoa sen trong phòng tắm và nghĩ về lời nói đó".

Khi Scolari vừa bị sa thải, Drogba lập tức lên tiếng chỉ trích HLV Brazil không biết cách dùng anh. Trước đó, Anelka đã cay cú Avram Grant vì lý do tương tự. Joe Cole thường xuyên bực bội vì Mourinho bắt anh tham gia phòng ngự tích cực. Những câu chuyện ấy không hề lạ ở các CLB khác. Không phải cầu thủ nào cũng có thể thích nghi, hòa hợp với các hệ thống chiến thuật khác nhau, tư duy của các HLV khác nhau. Nhưng Lampard lại là ngoại lệ.

Ranieri đi, Mourinho đến. Mourinho bị sa thải, Grant lên thay. Grant xách va li rời Stamford Bridge, đến lượt Scolari tìm kiếm thức thách. Và bây giờ là Hiddink. Dù ai đến, ai đi, Lampard vẫn là ngôi sao lớn nhất của đội bóng, là lá phổi của Chelsea. Anh vẫn chạy không ngừng nghỉ, vẫn ghi bàn đều đặn (trung bình 20 bàn/mùa), vẫn thực hiện những đường chuyền mang tính đột biến cao. Như trận ra mắt của Hiddink, chính Lampard đã có màn đột phá tuyệt đẹp qua 2 hậu vệ Aston Villa, trước khi tung đường chuyền thông minh để Anelka ghi bàn quyết định.

Khi chứng kiến tài năng của Lampard, chắc chắn nhiều CĐV Juve nhớ về Pavel Nedved của thời đỉnh cao, với đôi chân không quá khéo theo kiểu latin nhưng luôn tràn trề sức lực, thi đấu thông minh và tỏ ra nguy hiểm với những cú sút xa. Nhưng Nedved giờ đã quá già. Ở Lampard lại chưa có dấu hiệu đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Cuộc so tài giữa họ sẽ quyết định số phận trận chiến ở Stamford Bridge đêm nay. Và nếu Juve thất bại, Ranieri sẽ thừa hiểu nguyên nhân đến từ đâu...

Công trình của Ranieri ở Stamford Bridge

Ngoài Lampard, Ranieri còn phát hiện và đưa về sân Stamford Bridge hàng loạt cầu thủ về sau trở thành trụ cột của Chelsea, từ thời Mourinho đến bây giờ là Hiddink.

1. John Terry: Sản phẩm thành công hiếm hoi của lò đào tạo Chelsea. Nhưng Terry chỉ được đôn lên đội 1 từ khi Ranieri dẫn dắt Chelsea. Từ lần đầu tiên gặp Terry, Ranieri đã nói thẳng: "Cậu sẽ là đội trưởng của Chelsea và ĐT Anh trong tương lai".

2. Petr Cech: Đối với các CLB của châu Âu, Cech là cầu thủ ít tên tuổi trước khi đến Chelsea. Nhưng Ranieri đã phát hiện ra tài năng của Cech và thuyết phục BLĐ mua anh từ Rennes với giá 7 triệu bảng. Hợp đồng sơ bộ được ký kết từ trước. Nhưng khi Cech đến Chelsea, Ranieri đã ra đi

3. Claude Makelele: Thương vụ lớn thành công hiếm hoi của Ranieri, với giá 16,8 triệu bảng từ Real Madrid vào mùa hè 2008. Ở thời điểm ấy, các ông chủ của Real "coi khinh" cầu thủ chuyên phòng ngự như Makelele. Nhưng sau này, khi chứng kiến Makelele trở thành trụ cột của Chelsea trong 2 chức VĐ dưới thời Mourinho, họ đã thừa nhận đó là sai lầm lớn nhất

4. Arjen Robben: Trường hợp tương tự như Cech. Chelsea ký hợp đồng trước với Robben từ mùa Đông. Đến mùa hè 2004, lúc Ranieri đã bị sa thải, Robben mới chính thức gia nhập The Blues. Mới đây, Scolari ca than rằng Chelsea thi đấu yếu kém vì thiếu cầu thủ có khả năng gây đột biến như Robben.

5. Damien Duff: Sự kết hợp giữa Robben và Duff đã giúp Chelsea cực mạnh ở khả năng tấn công biên. Tiếc thay, như Robben, Duff cũng bị hành hạ bởi những chấn thương liên miên và sau đó bị đẩy sang Newcastle.

6. Joe Cole: Một sản phầm của lò đào tạo nổi tiếng West Ham. Không phải là bộ khung của đội bóng nhưng vai trò của Cole được các đời HLV Chelsea đánh giá rất cao. Ở các trận cầu lớn, Cole rất có duyên ghi bàn. Hiện tại, Cole đang dưỡng thương
 
ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm