Chân dung 2 ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen

25/04/2017 10:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngày 22/4 đã ghi nhận sự bứt phá của ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc đua nảy lửa vào Điện Elysee.

 

Kết quả kiểm 46 triệu phiếu do Bộ Nội vụ Pháp công bố 24/4 cho thấy theo đó cựu nhân viên ngân hàng Emmanuel Macron và nữ chính khách Marine Le Pen đã giành được lần lượt 23,82% và 21,58% số phiếu, và sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 7/5 tới. Cả hai ứng cử viên đều hứa hẹn sẽ lập kỷ lục nếu trở thành tổng thống Pháp.

 

Tiềm năng trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, 39 tuổi, vốn là thanh tra tài chính và chuyên viên ngân hàng đầu tư  Rothschild & Cie Banque. Macron bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 2006 và là một thành viên của đảng Xã hội Pháp (PS). Năm 2016, ông bất ngờ tuyên bố rời khỏi đảng PS của chính phủ ông Francois Hollande để tự phát động phong trào “En Marche!” hoạt động theo con đường độc lập.


Ông Emmanuel Macron mới 39 tuổi.

Nhiều người tin rằng “En Marche!” sẽ chết yểu, song bất ngờ là sau 18 tháng hoạt động, phong trào này đã có hơn 200.000 thành viên đăng ký tham gia.

Trong 6 tháng trở lại đây, sự nghiệp của ông Macron đã “thăng hoa” không tưởng. Lần đầu tranh cử, ông đã lọt vào chặng cuối cuộc đua giữa các ứng viên tổng thống Pháp mà không cần sự ủng hộ của hai đảng chính trị lớn nhất. Thậm chí, ông còn đang giữ vị trí dẫn đầu so với 3 đối thủ kỳ cựu là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, cựu Thủ tướng Francois Fillon và nhà lãnh đạo của phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Melenchon.

Nếu thắng cử, cựu chuyên viên ngân hàng này sẽ lập kỷ lục là tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử hiện đại, phá vỡ truyền thống chọn ra một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm của các cử tri như thường thấy. 

Không chỉ trong sự nghiệp chính trị, đời tư của ứng cử viên Emmanuel Macron cũng “phá vỡ tính truyền thống”. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở thành phố Amiens, có cha là một giáo sư đại học và mẹ là một bác sĩ.

 


Ông Macron và vợ.

 

Với tâm hồn say mê nghệ thuật, năm 17 tuổi khi còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã đem lòng cảm mến nữ giáo viên bộ môn kịch hơn ông tới 25 tuổi. Bà Brigitte Trogneux khi đó đã có 3 con, vừa mới ly dị chồng. Năm cuối cấp, gia đình chuyển Macron sang học một ngôi trường khác nhưng ông kiên quyết không từ bỏ mối tình với cô giáo.

Bà Trogneux chia sẻ với tập chí Paris  Match: “Ở tuổi 17, Emmanuel nói với tôi: 'Bất kể em làm gì, tôi sẽ cưới em!'". Cặp đôi đã kết hôn năm 2007, hiện sống hạnh phúc bên nhau tại Paris. Chuyện tình khó tin này đã trở thành đề tài để báo chí Pháp khai thác rầm rộ.

Bà Trogneux cũng giữ một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của chồng mình. Macron tuyên bố sẽ cho vợ một vị trí trong chính quyền của mình.

Tuyên bố trong quá trình vận động cử tri, chính trị gia 39 tuổi cam kết khi trở thành tổng thống Pháp, ông sẽ cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ song vẫn ủng hộ các chính sách dành cho người lao động thu nhập thấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

“Bà đầm thép” nước Pháp

Bà Marine Le Pen, 48 tuổi sinh ra trong một gia đình chính trị ở ngoại ô Paris, từ nhỏ đã theo cha là ông Jean-Marie Le Pen, cựu lãnh đạo đảng là ông Jean-Marie Le Pen, cựu lãnh đạo đảng FN đi tham dự các cuộc họp quan trọng. Sau này, bà học ngành luật tại trường Đại học Paris 2 Pantheon-Assas, tốt nghiệp năm 1991 và hành nghề luật sư cho tới năm 1998. Tiếp đến, bà đảm nhiệm một vị trí trong ban cố vấn luật pháp của đảng FN.


Bà Marine Le Pen.

Cha của bà là ông Jean-Marie Le Pen, cựu lãnh đạo đảng FN, từng muốn trục xuất 3 triệu người ngoại quốc ra khỏi nước Pháp. Tuy nhiên dưới thời bà Marine lãnh đạo, đảng FN đã cố gắng tách biệt khỏi tư tưởng bài ngoại cực hữu.

Sự nghiệp chính trị của bà Le Pen có thể tóm gọn bằng cụm từ “gây nhiều tranh cãi” với những bê bối tài chính như chiếm dụng tiền từ Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho nhân viên và khiến công chúng bất bình vì đăng 3 bức ảnh nạn nhân bị IS hành quyết.

Với kinh nghiệm hoạt động trên chính trường sôi nổi hơn hai thập kỷ, 5 năm trở lại đây, bà đã đưa đảng FN từ vị trí thứ yếu trở thành một trong những đảng chính trị quan trọng nhất của Pháp.

Nữ chính trị này chính thức công bố chiến dịch tranh cử vào ngày 5/2 vừa qua và xếp sau ứng cử viên Emmanuel Macron về số phiếu cử tri trong vòng bầu cử thứ nhất hôm 22/4. Với khẩu hiệu tranh cử là "Au nom du peuple" (tạm dịch: Nhân danh nhân dân), bà Le Pen đã thể hiện bản thân mình là một “người cứu rỗi” cho dân chúng Pháp, văn hóa Pháp cũng như tiếng Pháp… Bà cho rằng sự sống còn của nước Pháp đang bị đe dọa và đã đến lúc giải phóng người dân Pháp khỏi "những người thống trị kiêu ngạo".


Bà Le Pen và cha.

Nếu “chiến mã” Le Pen có thể bứt phá dẫn đầu trong những vòng sau, bà có thể trở thành nữ tổng thống Pháp đầu tiên trong lịch sử. Bà cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút Pháp ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone, đưa đồng franc quay trở lại.

Bà Le Pen là người rất kín tiếng về đời tư. Người ta chỉ biết bà từng kết hôn hai lần, một lần vào năm 1997 với Franck Chauffroy, thành viên đảng FN và một lần vào năm 2002 với Eric Iorio, cũng là thành viên đảng FN song đã ly dị 4 năm sau đó và có tổng cộng 3 người con. Bà Marine Le Pen có mối quan hệ tình cảm với ông Louis Aliot, Phó Chủ tịch đảng FN từ năm 2011.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp được dư luận quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu, quan tâm và theo dõi sát sao. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo ngại khả năng ứng cử viên cực hữu Le Pen thắng cử có thể kéo theo kịch bản "Frexit" (tương tự kịch bản Brexit ở Anh), và như vậy nguy cơ EU tan rã là khó tránh khỏi.

Theo Hoàng Trang - Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm