Từ 'Sát thủ đầu mưng mủ' đến 'Phê như con tê tê'

21/04/2013 12:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Hãy cứ sáng tác những gì bạn thực sự thích, đừng bao giờ vì bất cứ ai hay cái gì mà giết chết tư duy sáng tạo của mình. Bởi vì thời gian cho sự sáng tạo của mỗi con người không phải vô hạn”. Đó là quan điểm của họa sĩ Nguyễn Thành Phong (Phong Ronin) cách đây hơn 1 năm khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ.

Một số tranh “lỗi” đã bị cho ra ngoài, thay vào đó là mấy bức chỉn chu hơn, Phong Ronin vừa trở lại tưng bừng cùng bạn đọc với 3000 cuốn Sát thủ đầu mưng mủ tái bản, lần này dưới cái tên mới chẳng liên quan Phê như con tê tê (Nhã Nam & NXB Văn học, 2013). Như thế, đủ thấy sự kiên nhẫn, kiên trì lẫn thông minh của chàng trai mà nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh chấm cho điểm 10 hoàn hảo.



Họa sĩ Thành Phong

Chàng trai điểm 10 hoàn hảo

Phong ấn tượng bởi khuôn mặt lạ không giống lắm chất Việt, đã thế còn “ộp” hai mắt kính như hai đít chai cùng cái gọng dày quá khổ, dáng người dong dỏng cao kèm kiểu ăn mặc sành điệu phù hợp cùng headphone to đùng như muốn nuốt cả khuôn mặt làm anh chàng luôn nổi bật trong đám đông, dù cái mà Phong thích hơn vẫn là lẩn khuất một góc ít ai thấy.

Vốn là người dễ hòa đồng, tiếp xúc với Phong không khó. Nhưng khi chàng ta đang chú tâm vào việc gì, có nói vào tai vài ba lần cũng sẽ ngớ người ra không hiểu. Phong là người hài hòa giữa thế giới cảm xúc tâm hồn mình với vạn vật bên ngoài. Nhìn kiểu đi lại nói cười ăn mặc của Phong là đủ rõ. Tưởng là người quảng giao, nhưng lại khó cho ai có thể hiểu trọn vẹn mình, là ứng xử kiểu Thành Phong. Không hẳn chàng ta giấu diếm con người mình, mà hẳn là do sống đơn giản, cư xử thực thà, bản năng tiết chế, nhìn sang người mới tỏ lộ mình, trong khi suy nghĩ lại lắm tầng sâu sắc.

Sau lá thư gửi những kẻ ăn cắp qua việc scan các bức tranh của Sát thủ đầu mưng mủ tung lên mạng, ngoài khoản nhuận bút cho 5.000 cuốn đã bán, Phong  nhận được rất nhiều chia sẻ trên trang blog của mình, và 25 USD từ một bạn đọc ở Pháp qua tài khoản Paypal. “Tôi cảm kích trước tất cả”. Phong nói giản đơn thế. Trả lời trực tiếp ngay thẳng vào vấn đề, tránh vòng vo, câu ngắn, đơn giản, là cách nói của một chàng trai ưa nhìn mọi vật theo cách hài hước.



Bìa tập sách thành ngữ sành điệu bằng tranh Phê như con tê tê


Sát thủ đầu mưng mủ

Tranh vẽ bởi Thành Phong

Cầm bút vẽ từ hai tuổi rưỡi, đến một năm sau thì đạt giải A của cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi thành phố Hà Nội. Bức đạt giải đầu tiên ấy vẽ một kiểu đặc trưng cho giản đơn lẫn quen thuộc: hai người bạn mà cũng có thể là hai chị em dắt tay nhau đi chơi phố. Cho đến Giải thưởng truyện tranh “Cây bút vàng” của tạp chí truyện tranh Thần Đồng đất Việt FC, năm 2005, thì Phong Ronin đã có thể tin tưởng vào con đường vẽ mà mình đã chọn.

Phong mê vẽ, hẳn nhiên rồi, nhiệt tình với bạn bè, càng hiển nhiên hơn. Xem tập Mật thư của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, khó không thể cười thích chí khi nhìn loạt minh họa của Nguyễn Thành Phong vẽ tặng bạn mình. Không chỉ thế, nếu cần, Phong sẵn lòng thiết kế cả giấy mời, phông sân khấu cho ca sĩ Tuấn “gà” hoặc ngồi cần mẫn thiết kế bìa sách. Giấy mời cưới của anh ngộ nghĩnh có một không hai, vừa thể hiện tình yêu đằm thắm với người vợ tên Hằng (một nghệ sỹ làm búp bê nghệ thuật, mỗi tác phẩm bán sấp sỉ giá nghìn đô), vừa quảng bá được công việc đầy tính nghệ thuật sáng tạo của cả hai vợ chồng, lại tiết kiệm, đơn giản, ai có được đều muốn cất đi làm kỷ niệm. Cách đó thì chỉ Phong Ronin mới nghĩ ra.

Phong chơi nhiều bạn, lắm quan hệ sơ thân chằng chéo, thế nên, trước hôm Phong cưới vợ, ngồi mấy đám tụ bạ, thấy ai cũng nhắc nhở rủ nhau đi ăn tiệc, trong đó không chỉ cánh trẻ trâu, mà còn cả đám họa sĩ già. Nhờ thế mới biết, bố của Phong cũng là nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành, trưởng khoa điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mẹ là Nguyễn Thị Nhung, giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Là con nhà “nòi”, thế nên, việc cầm bút vẽ là điều tự nhiên nhất của Phong Ronin, thế nên, dĩ nhiên anh chàng: “cảm thấy mình rất may mắn vì bố mẹ tôi đều là giảng viên Mỹ thuật. Ngay từ nhỏ bố mẹ đã hướng dẫn và tạo điều kiện rất nhiều để tôi theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Tôi biết ơn bố mẹ rất nhiều”.

Phong cách đã sớm định hình từ họa sĩ trẻ sinh năm 1986 này cùng những giải thưởng trong nước và quốc tế. Vẫn còn đó những chân thành, niềm vui sống, lẫn cả ngây thơ trong trí tuệ tài năng Thành Phong và tranh “made in Thanh Phong”. Thế nên nhiều chuyên gia ngôn ngữ đã vào cuộc để “thẩm định” giá trị chất lượng những gì đã được nói qua những bức tranh kèm ngôn ngữ này.

Tự biết cách làm cho mình vui, không dễ. Đã vui, lại biết chia sẻ cho mọi người nhiều rung động để cười… trong khi con người khi sinh ra đã chỉ… muốn khóc, thật khó. Ấy thế mà họa sĩ Thành Phong, người được đào tạo bài bản từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng tham gia triển lãm tại Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đã làm được.

Không chỉ những hình ảnh hài hước gây “nóng đầu” cùng những trận cười thỏa thuê cho bao người trẻ lẫn không trẻ từ Sát thủ đầu mưng mủ đến Phê như con tê tê, các bức tranh của Thành Phong, dù là minh họa truyện, ca dao vè tục ngữ, thơ của bạn bè, hay những ngôn từ vui vui chảy qua đầu, vẫn chất chứa nhiều hài hước.

Thế nên, trước những sự việc mà người đời cho là không thể vui, khó mà nhếch miệng cười, dù là một kiểu cười cố gắng trong sầu muộn, Phong luôn cho mình và người khác cái nhìn lạc quan:

“Tôi nghĩ một mặt nào đó, sự trớ trêu và đầy bất ngờ mới chính là bản chất của sự đời. Và biết đâu nếu không có nó, tôi đã không thể có cảm hứng để sáng tác những tác phẩm của mình”.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm